Libya đang chuẩn bị bùng nổ năng lượng tái tạo

Ngành năng lượng của Libya đã trải qua một vài năm đầy biến động do bất ổn chính trị và sự thay đổi đáng kể trong đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dầu khí.

Ảnh: OP

Ảnh: OP

Trong khi ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch của Libya đang nỗ lực để phục hồi trở lại thời kỳ huy hoàng trước đây, thì ngành năng lượng tái tạo của quốc gia Bắc Phi này vẫn có tiềm năng đáng kể để phát triển.

Địa hình sa mạc rộng lớn cho thấy tiềm năng lớn để phát triển các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió, đồng thời chính phủ đã thể hiện cam kết lớn hơn trong việc khử carbon và chuyển đổi xanh trong những năm gần đây, điều mà những khoản đầu tư nước ngoài cao hơn có thể giúp Libya đạt được.

Libya từ lâu đã được biết đến như một cường quốc dầu khí, bơm gần 3,4 triệu thùng/ngày trong thời kỳ khai thác cao điểm vào những năm 1970. Tuy nhiên, sản lượng dầu thô của Libya đã giảm đáng kể, xuống còn khoảng 32% so với mức đỉnh điểm, khiến nước này đứng thứ 18 trên thế giới về sản lượng.

Chính phủ quốc gia Bắc Phi hiện đặt mục tiêu khai thác 2 triệu thùng/ngày vào năm 2030, sau khi không đạt được mục tiêu đầy tham vọng là 2,2 triệu thùng/ngày vào năm 2023 phần lớn do bất ổn chính trị trong nhiều năm và quản trị yếu kém.

Thời điểm hiện tại, Chính phủ Ổn định Quốc gia (GNS), được hỗ trợ bởi Ai Cập, Nga và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), nắm quyền kiểm soát các khu vực phía đông và tây nam, nơi sở hữu hầu hết các mỏ dầu của Libya, trong khi Chính phủ Thống nhất Quốc gia (GNU), được hỗ trợ bởi Thổ Nhĩ Kỳ, một số cường quốc phương Tây và được Liên Hợp Quốc công nhận, kiểm soát thủ đô Tripoli.

GNS nắm quyền kiểm soát các cảng quan trọng như Es Sider và Ras Lanuf, chiếm 42% công suất xuất khẩu dầu của Libya. Trong khi đó, GNU kiểm soát hai cơ sở xuất khẩu là Zawiya và Mellitah, đóng góp 28% lượng dầu xuất khẩu của Libya.

Trước đó, cả hai chính phủ này đều tiến hành các động thái phong tỏa hoặc ngừng khai thác - gây cản trở sản lượng dầu và không thể khuyến khích các cường quốc nước ngoài đầu tư vào ngành nhiên liệu hóa thạch của đất nước.

Bất chấp tiềm năng dầu mỏ khổng lồ của Libya, xung đột chính trị và sự thiếu quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài đã cho thấy sự cần thiết phải đa dạng hóa cơ cấu năng lượng của đất nước. Dầu tiếp tục đóng góp khoảng 98% doanh thu của chính phủ và 60% GDP, cho thấy Libya phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch và có thể được hưởng lợi từ sự đa dạng hóa kinh tế lớn hơn. Ngoài ra, việc phát triển mạnh mẽ ngành năng lượng tái tạo có thể giúp quốc gia Bắc Phi này đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai.

Hướng đến năng lượng tái tạo

Năm 2013, Chính phủ Libya đã công bố Kế hoạch chiến lược năng lượng tái tạo 2013-2025, dự kiến đạt được mức đóng góp 7% năng lượng tái tạo vào cơ cấu năng lượng điện trong năm 2020 và 10% trong năm 2025. Kế hoạch này tập trung vào phát triển năng lượng gió và mặt trời của đất nước. Khoảng 88% địa hình Libya là sa mạc, có tiềm năng đáng kể để phát triển các dự án năng lượng mặt trời.

Hiện tại, công ty xây dựng PowerChina đang hợp tác với công ty điện lực EDF của Pháp để phát triển một nhà máy năng lượng mặt trời có công suất 1.500 MW ở phía đông Libya. Trong khi đó, TotalEnergies của Pháp đang xây dựng một nhà máy năng lượng mặt trời công suất 500 MW ở Al-Sadada.

Bên cạnh đó, GECOL và AG Energy đang xây dựng một nhà máy năng lượng mặt trời công suất 200 MW tại Ghadames, trong khi Công ty Điện lực Tổng hợp Libya (GECOL) cũng đang hợp tác với Alpha Dubai Holding để phát triển thêm hai nhà máy năng lượng mặt trời, với tổng công suất 2 GW.

Hồi tháng 1 vừa qua, Chính phủ Libya đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với Thổ Nhĩ Kỳ về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Abdusselam Elansari, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng tái tạo của Libya, cho biết: "Chúng tôi đang hợp tác với các công ty Thổ Nhĩ Kỳ khác nhau về điện, năng lượng và năng lượng tái tạo".

"Chúng tôi đã bắt đầu chương trình nâng cao năng lực để đào tạo nhân viên của mình với một công ty Thổ Nhĩ Kỳ trong lĩnh vực nhân sự, năng lượng tái tạo, kỹ thuật, kết nối điện, và các lĩnh vực hợp tác khác", Elansari cho biết thêm.

Trong khi đó, Osama El Durrat, cố vấn của Thủ tướng Libya về các vấn đề điện và năng lượng tái tạo, cho biết Libya đang đánh giá khả năng kết nối lưới điện với các nước láng giềng.

Ông El Durrat cho biết: "Một ủy ban đang được thành lập để thúc đẩy kết nối điện xuyên biên giới. Chúng tôi đã ký thỏa thuận với một số nước Nam Âu và Địa Trung Hải. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi tin rằng việc kết nối có thể được tạo điều kiện thuận lợi thông qua một quốc gia láng giềng, cho phép chuyển giao năng lượng giữa Libya và Thổ Nhĩ Kỳ".

Tiềm năng năng lượng tái tạo đáng kể của Libya có thể giúp thu hút nhiều sự quan tâm hơn từ các công ty năng lượng quốc tế muốn đầu tư vào khu vực. Vào năm 2023, công ty Eni của Ý đã ký một Biên bản ghi nhớ với Libya để xác định các cơ hội giảm phát thải khí nhà kính và phát triển năng lực năng lượng tái tạo của đất nước, nhằm hỗ trợ các mục tiêu chuyển đổi xanh và khử carbon của chính phủ.

Khi Chính phủ Libya thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển ngành năng lượng xanh, mức đầu tư nước ngoài cao hơn có thể giúp Libya đẩy nhanh việc mở rộng ngành năng lượng tái tạo, góp phần đa dạng hóa kinh tế và an ninh năng lượng lâu dài.

Bình An

OP/Anadolu

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/libya-dang-chuan-bi-bung-no-nang-luong-tai-tao-723734.html