Libya hoãn bầu cử tổng thống: Nguy cơ ảnh hưởng đến tiến trình hòa bình

Quốc hội và Ủy ban Bầu cử quốc gia Cấp cao (HNEC) của Libya đã tuyên bố không thể tổ chức cuộc bầu cử tổng thống theo lịch trình đã định vào ngày 24-12. Việc trì hoãn không chỉ là nguy cơ ảnh hưởng đến tiến trình hòa bình của Libya mà còn chỉ ra những thách thức cản trở cuộc bỏ phiếu được coi là rất quan trọng để chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài 10 năm ở quốc gia Bắc Phi này.

Khoảng 98 ứng cử viên đã đăng ký tham gia cuộc bầu cử tổng thống Libya.

Khoảng 98 ứng cử viên đã đăng ký tham gia cuộc bầu cử tổng thống Libya.

Cuộc bầu cử nhằm đánh dấu một khởi đầu mới cho đất nước Libya bị chiến tranh tàn phá dự kiến diễn ra một năm sau lệnh ngừng bắn mang tính bước ngoặt và một thập kỷ sau cuộc nổi dậy năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Nhưng trước thời điểm cuộc bầu cử diễn ra, đã có những tranh chấp gay gắt về cơ sở pháp lý của cuộc bầu cử, quyền hạn của người chiến thắng và quyền ứng cử đối với một số nhân vật. Do đó, HNEC đã quyết định hoãn cuộc bầu cử tổng thống tới ngày 24-1-2022. Theo HNEC, cuộc bầu cử bị trì hoãn là do thiếu luật bầu cử. HNEC cũng cho rằng, sự can thiệp hiện nay vào chính trị cũng như các phán quyết tư pháp đã khiến ủy ban phải tuyên bố tình trạng bất khả kháng và cơ quan này đã không thể công bố danh sách ứng cử viên tổng thống cuối cùng.

Trên thực tế, phần lớn Libya được kiểm soát bởi các lực lượng vũ trang hậu thuẫn cho các ứng cử viên tổng thống. Nếu không có sự giám sát độc lập rộng rãi, rất có thể sẽ có những tuyên bố gian lận hoặc đe dọa cử tri. Một kết quả gây tranh cãi có thể nhanh chóng đe dọa tiến trình hòa bình của quốc gia này. Bên cạnh đó còn có nhiều bất đồng về các nhân vật tranh cử tổng thống.

Khoảng 98 ứng cử viên đã đăng ký tham gia cuộc bầu cử lần này, trong đó có một số ứng viên mà các cử tri phản ứng gay gắt về việc liệu có nên cho phép tham gia hay không. Đó là Seif al-Islam Gaddafi, con trai của cựu lãnh đạo M.Gaddafi, đã đăng ký ứng cử, bất chấp việc bị tòa án ở thủ đô Tripoli tuyên án vắng mặt năm 2015 về tội ác chiến tranh trong cuộc nổi dậy lật đổ cha ông 10 năm trước. Chỉ huy trưởng quân đội miền Đông Khalifa Haftar, lãnh đạo của Quân đội quốc gia Libya tự phong, tham gia tranh cử dù nhiều người ở miền Tây Libya không chấp nhận K.Haftar sau cuộc tấn công phá hủy các khu vực ở Tripoli năm 2019-2020. Việc Thủ tướng lâm thời Abdulhamid Dbeibah ra ứng cử cũng gây tranh cãi vì ông đã cam kết không tranh cử như một điều kiện để đảm nhận vai trò lãnh đạo vào đầu năm nay. Để được tranh cử, ông A.Dbeibah cần phải tự đình chỉ vai trò Thủ tướng ít nhất ba tháng trước ngày bỏ phiếu, điều mà ông đã không làm. Claudia Gazzini, một chuyên gia về Libya tại Nhóm khủng hoảng quốc tế cho biết: “Mọi phe phái ở Libya đều có vấn đề với một trong ba ứng cử viên này”.

Nhiều người Libya lo ngại rằng sự phân cực đối với các ứng cử viên hàng đầu như ông al-Islam Gaddafi, ông A.Dbeibah và tướng K.Haftar sẽ khiến người chiến thắng cuối cùng không được coi là hợp pháp. Và tính hợp pháp chính là điều mà bất kỳ tổng thống tương lai nào cần phải vượt qua trước nhiều thách thức ở Libya.

Libya đã chứng kiến một năm tương đối bình lặng kể từ lệnh ngừng bắn vào tháng 10-2020, sau cuộc tấn công kéo dài một năm của lực lượng Haftar vào Tripoli. Nhưng với kho dự trữ vũ khí khổng lồ do chế độ Kadhafi để lại, tiềm năng cho các cuộc giao tranh mới ở Libya vẫn còn. Thế nên khi hơn 2,5 triệu cử tri Libya nhận được thẻ cử tri từ HNEC và đang sẵn sàng bỏ phiếu để chọn một tổng thống, các chính trị gia ở Libya nhận định đây là dấu hiệu của sự mong muốn mạnh mẽ về một tiến trình hòa bình. Hy vọng rằng cuộc bầu cử mới vào ngày 24-1 tới sẽ là bước đi quan trọng để chấm dứt một thập kỷ xung đột, tạo tiền đề thống nhất quốc gia Libya đang bị chia đôi.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/1021230/libya-hoan-bau-cu-tong-thong-nguy-co-anh-huong-den-tien-trinh-hoa-binh