Lịch khai giảng của các quốc gia trên thế giới

Khai giảng là cột mốc đáng nhớ trong một năm học. Tùy thuộc vào tính chất của nền văn hóa mà các trường học trên thế giới có lịch khai giảng năm học mới khác nhau.

Học sinh ở Nga mặc đồng phục và tặng những bó hoa tươi thắm cho thầy cô giáo trong ngày khai giảng. Ảnh: Russia Knowledge

Học sinh ở Nga mặc đồng phục và tặng những bó hoa tươi thắm cho thầy cô giáo trong ngày khai giảng. Ảnh: Russia Knowledge

Những quốc gia khai giảng năm học mới vào khoảng đầu tháng 9

Nga

Nga, lễ khai giảng để bắt đầu năm học mới diễn ra vào ngày 1/9 và được gọi là ngày Tri thức. Nếu ngày này rơi vào Chủ nhật, thì lịch khai giảng sẽ chuyển sang thứ 2 của tuần kế tiếp đó.

Lễ khai giảng ở Nga diễn ra rất trang trọng nhưng cũng rất tươi vui và gần gũi. Theo truyền thống, trong buổi lễ khai giảng ở Nga, học sinh thường mặc đồng phục và mang những bó hoa tươi thắm tặng cho thầy cô giáo. Sau đó, giáo viên lại tặng cho học sinh những quả bóng bay.

Buổi lễ khai giảng sẽ kết thúc bằng tiếng chuông reo để tượng trưng cho "tiếng chuông đầu tiên" của năm học mới.

Ngoài ra, buổi học đầu tiên của học sinh lớp 1, các em sẽ được học về các chủ đề bảo vệ môi trường, tôn trọng người khác và hòa bình.

Ukraine

Ngày 1/9 cũng là ngày khai giảng truyền thống của học sinh Ukraine. Mặc cho tình hình đất nước còn nhiều bất ổn, các em nhỏ Ukraine vẫn xúng xính trong trang phục truyền thống, háo hức cầm hoa tới trường dự lễ khai giảng. Ảnh: LT

Ngày 1/9 cũng là ngày khai giảng truyền thống của học sinh Ukraine. Mặc cho tình hình đất nước còn nhiều bất ổn, các em nhỏ Ukraine vẫn xúng xính trong trang phục truyền thống, háo hức cầm hoa tới trường dự lễ khai giảng. Ảnh: LT

Theo truyền thống, học sinh Ukraine sẽ được tổ chức lễ khai giảng vào ngày 1/9 hàng năm. Vào ngày này, các em học sinh diện bộ trang phục truyền thống đẹp mắt và háo hức cầm hoa tới dự ngày đầu tiên của năm học mới.

Tuy nhiên, do tình hình an ninh của quốc gia gặp bất ổn nên trong những năm gần đây, nhiều ngôi trường đành bỏ qua nghi thức này.

Pháp

Lễ khai giảng ở Pháp rất đơn giản và gần gũi, không bóng bay. Năm học mới ở Pháp bắt đầu ngày 1/9. Trước đó một ngày, giáo viên đến trường để chuẩn bị cho buổi lên lớp đầu tiên.

Các trường không tổ chức lễ khai giảng mà chỉ tập hợp học sinh trong hội trường để giới thiệu giáo viên. Sau đó, học sinh vào học như những ngày bình thường.

Ba Lan

Theo quy định của Bộ Giáo dục Công lập Ba Lan, ngày đầu tiên đi học đối với các trường giáo dục bắt buộc ở Ba Lan là ngày 1/9 hoặc ngày thứ 2 sau ngày 1/9 nếu ngày này rơi vào thứ 6, thứ 7 hoặc Chủ nhật.

Hy Lạp

Học sinh Hy Lạp thường giai giảng vào ngày 11/9 hoặc thứ 2 đầu tiên sau ngày 11/9 nếu ngày này rơi vào thứ 7 hoặc Chủ nhật.

Saudi Arabia

Các em học sinh tại Saudi Arabia đều mặc đồng phục gọn gàng và tham gia đầy đủ những buổi ngoại khóa trong lễ khai giảng. Ảnh: LT

Các em học sinh tại Saudi Arabia đều mặc đồng phục gọn gàng và tham gia đầy đủ những buổi ngoại khóa trong lễ khai giảng. Ảnh: LT

Tuân thủ chặt chẽ mọi luật lệ nghiêm khắc nhất của Hồi giáo và từng cắt giảm mạnh chi tiêu cho giáo dục vì ngân sách cạn kiệt nhưng Saudi Arabia lại là quốc gia có lễ khai giảng kéo dài nhất thế giới. Bắt đầu vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 hàng năm, lễ tựu trường của học sinh Saudi Arabia được kéo dài tới 3 ngày liên tiếp.

Trong lễ khai giảng, học sinh tại quốc gia này sẽ có thời gian để làm quen với trường lớp, thầy cô và bạn bè mới. Trong 3 ngày này, các em hoàn toàn sử dụng thời gian lên lớp để tham gia các hoạt động ngoại khóa, đón nhận những thông tin bổ ích về trường học cũng như nhận những chia sẻ từ học sinh khóa trên. Giáo viên sẽ mang bánh và hoa cho học sinh của mình.

Anh và xứ Wales

Ngày đầu tiên đi học đối với các trường công lập ở Anh và xứ Wales thay đổi theo quyết định của chính quyền địa phương nhưng gần như luôn rơi vào tuần đầu tiên của tháng 9, hoặc thỉnh thoảng là tuần thứ 2.

Mỹ

Mỹ dành ngày đầu tiên đến trường để học sinh tham gia vào các hoạt động ngoại khóa và làm quen với giáo viên, bạn bè mới. Ảnh: Business Insider

Mỹ dành ngày đầu tiên đến trường để học sinh tham gia vào các hoạt động ngoại khóa và làm quen với giáo viên, bạn bè mới. Ảnh: Business Insider

Ở Mỹ, lễ khai giảng khá thoải mái, không đặt nặng về phần nghi thức, chủ yếu để học sinh được vui vẻ, hân hoan, vui chơi. Ngày đầu tiên đến trường, học sinh tham gia vào các hoạt động ngoại khóa và làm quen với giáo viên, bạn bè mới.

Theo thông lệ, các trường học tại Mỹ sẽ bắt đầu năm học mới vào cuối tháng 8 đầu tháng 9, thường nhiều trường tổ chức vào thứ 2 đầu tiên của tháng 9. Tuy nhiên, ngày khai giảng cụ thể cũng tùy theo quy định bởi chính quyền mỗi bang. Ví dụ, các trường ở miền Đông bắt đầu năm học mới sớm hơn miền Tây vài tuần.

Nhà trường sẽ thông báo ngày chính thức tổ chức bắt đầu năm học mới. Tất cả học sinh và thầy cô tập trung lại cùng nhau rồi vui chơi giải trí và làm một vài buổi lễ tuyên thệ để tăng tính quyết tâm trong lòng học sinh.

Đức

Vào ngày khai giảng đầu tiên trong cuộc đời, học sinh lớp 1 sẽ mang theo chiếc nón được người thân tặng đến trường. Ảnh: Sophie Hardach

Vào ngày khai giảng đầu tiên trong cuộc đời, học sinh lớp 1 sẽ mang theo chiếc nón được người thân tặng đến trường. Ảnh: Sophie Hardach

Ở Đức, lễ khai giảng chỉ được tổ chức một lần duy nhất khi học sinh vào lớp 1. Đồng thời, lịch khai giảng ở các trường cũng không thống nhất nhưng thường dao động từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 9.

Trước ngày khai giảng, phụ huynh sẽ chuẩn bị cho các em một cái nón giấy đầy màu sắc, trong đó đựng kẹo, bánh, đồ chơi, hoa quả... để mang đến trường.

Trung Quốc

Ở Trung Quốc, ngày khai giảng thường tổ chức vào ngày 1/9. Vào ngày này, học sinh sẽ mặc đồng phục đến trường. Hiệu trưởng nói lời khai giảng, sau đó các thầy cô tặng cho học sinh một cuốn từ điển - tượng trưng cho việc trao cho các em nguồn tri thức, cũng có khi tặng cho các em những bộ sách giáo khoa.

Các học sinh sau đó trở về lớp, trò chuyện với cô giáo, làm quen lại với các bạn và tự giới thiệu về bản thân mình.

Một số quốc gia có lịch khai giảng không rơi vào tháng 9

Triều Tiên

Các học sinh mới trong buổi học đầu tiên của năm học tại một trường tiểu học ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AP

Các học sinh mới trong buổi học đầu tiên của năm học tại một trường tiểu học ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AP

Lễ khai giảng năm học mới của Triều Tiên được tổ chức vào ngày 1/4 hàng năm. Vào ngày này, cha mẹ sẽ mặc cho các em bộ đồng phục mới và cài bông hoa đỏ lên ngực. Đồng thời, phụ huynh cũng được vào tham dự buổi học đầu tiên của con cái mình trong năm học mới.

Lý do Triều Tiên chọn ngày 1/4 làm ngày khai giảng năm học mới được cho là do tại giai đoạn này, khu vực phía bắc bán đảo Triều Tiên chuyển từ mùa đông sang mùa xuân phù hợp cho cây cối đâm chồi nảy lộc và lễ khai giảng là phép ẩn dụ với ý nghĩa trẻ em Triều Tiên là mầm non của đất nước.

Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, lễ khai giảng thường được tổ chức vào tuần đầu tiên của tháng 3, với mong muốn mùa xuân sẽ mang đến nhiều khởi đầu tốt đẹp cho các em học sinh.

Vào ngày lễ này, các học sinh tham gia một buổi lễ gặp mặt toàn trường, được các thầy cô giáo tặng hoa và nói những lời chúc mừng. Một số nơi còn cho học sinh chuẩn bị những quả bóng bay có gắn điều ước, kết thúc buổi lễ học sinh sẽ thả bóng lên trời với nguyện vọng ước mơ của mình sẽ bay cao.

Nhật Bản

Học sinh Nhật Bản trong ngày tựu trường. Ảnh: Reuters

Học sinh Nhật Bản trong ngày tựu trường. Ảnh: Reuters

Ở Nhật Bản, ngày khai giảng sẽ do từng trường tự quyết định rồi thông báo với học sinh, thường vào tháng 4.

Cách tổ chức lễ khai giảng ở Nhật Bản đơn giản, không nặng về phần nghi lễ mà cũng không nghiêng về phần hội.

Tức vào ngày khai giảng, từng lớp sẽ tập trung trong phòng học, hoặc cả khối tập trung ở phòng học thể chất để nghe giáo viên chủ nhiệm dặn dò vài điều về nội quy trước khi bước vào năm học mới. Đây là dịp để các học sinh ôn lại lịch sử hình thành trường và giới thiệu giáo viên.

Lam Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/lich-khai-giang-cua-cac-quoc-gia-tren-the-gioi-179230901161828773.htm