Lịch sử oai hùng của nhà giàn DK1

Ngày 5-7-1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Chỉ thị số 180/CT chính thức công bố việc xây dựng Cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ tại khu vực bãi đá ngầm trên thềm lục địa phía Nam (gọi tắt là DK1), thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Từ đó, 5-7 được xem là ngày truyền thống bộ đội nhà giàn. 30 năm đã đi qua (5-7-1989 - 5-7-2019), những nhà giàn DK1 vững vàng giữa ngàn khơi trên thềm lục địa Tổ quốc đã chứng minh sức kiên cường bám trụ của cán bộ, chiến sĩ hải quân quyết tâm giữ vững vùng biển của Tổ quốc, đồng thời khẳng định chủ quyền 'bất khả xâm phạm'.

VÀI NÉT LỊCH SỬ

Từ năm 1985, Đô đốc Giáp Văn Cương, Tư lệnh Hải quân đã dự báo trong tương lai gần vùng biển khu vực Trường Sa không được bình yên và sẽ là chiến trường chính của Hải quân Việt Nam. Hơn nữa, thực tiễn chiến tranh vệ quốc của dân tộc, các cuộc xâm lược nước ta phần lớn đến từ đường biển nên cần bảo vệ Tổ quốc vững chắc từ hướng biển. Ý tưởng xây dựng nhà nổi được Đô đốc Giáp Văn Cương trình lên Bộ Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ngay sau đó, đề xuất được Đảng và Nhà nước ta thông qua, đồng thời những nhà giàn trên các bãi cạn thềm lục địa phía Nam bắt đầu hình thành. Nhà giàn DK1 xây trên bãi san hô, nền đất bùn yếu với mực nước sâu hàng chục mét, vì vậy được đánh giá là công trình phi thường, “chưa từng có tiền lệ trên thế giới”. Sau gần 7 tháng khảo sát và chuẩn bị, ngày 10-6-1989, nhà giàn đầu tiên mang phiên hiệu Phúc Tần trụ giữa biển Đông ra đời. Tiếp sau đó, công trình DK1/1 được thi công tại bãi Tư Chính ngày 27-6-1989. Vượt lên mọi khó khăn, các nhà giàn tiếp nối từ DK1/3, 4, 7... đến DK1/21 được dựng lên ở các bãi Huyền Trân, Quế Đường đến Cà Mau. Nối tiếp những nhà giàn đầu tiên, các đơn vị thiết kế và thi công tiếp tục rút kinh nghiệm để xây dựng thành công các nhà giàn tiếp theo. Công trình DK1 sau được thiết kế thấp hơn để tránh bị rung lắc khi có sóng và có bãi đáp máy bay trên nóc nhà. Nhà giàn từ chỗ không có điện đến việc sử dụng điện bằng năng lượng mặt trời, thiết bị thu sóng vô tuyến, có thùng xốp trồng rau xanh. Đến nay, với công nghệ tiên tiến, nhà giàn thế hệ thứ 3 có kết cấu liên hoàn theo mẫu giàn khoan nước sâu, rộng và cao gấp nhiều lần so với nhà giàn cũ. Không những thế, các nhà giàn mới đặc biệt kiên cố, chịu được sóng gió cấp 11-12. Hệ thống pin năng lượng mặt trời, két chứa nước gấp nhiều lần nhà giàn cũ. Sừng sững giữa biển khơi với những chiếc chân cắm sâu vào lòng biển, 20 nhà giàn DK1 của Việt Nam đang hiên ngang giữa đất trời, là cột mốc sống, tạo thành phên giậu, khẳng định chủ quyền Tổ quốc trên biển Đông. Mặt khác, trong suốt 30 năm qua, những nhà giàn DK1 ấy không chỉ là những pháo đài canh biển, mà còn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân đánh bắt hải sản trên thềm lục địa phía Nam.

Nhà giàn DK1/15 thế hệ thứ 3 hiện nay - Ảnh tư liệu

NHIỆM VỤ CỦA NHÀ GIÀN

Mỗi nhà giàn tương đương cấp đại đội nhưng quân số có khi chỉ bằng tiểu đội. Sinh hoạt đã khó khăn, gian nan, hằng ngày bộ đội còn phải đối mặt với những căng thẳng giữa biển khơi. Khu vực biển DK1 cạnh đường hàng hải quốc tế, nước ngoài thường xuyên sử dụng tàu nghiên cứu, tàu giả dạng, tàu chiến đấu vào thăm dò địa chất, trinh sát và đánh bắt hải sản trái phép. Nhiệm vụ của nhà giàn là lập các đèn biển để thông báo cho tàu thuyền đánh cá và vận tải hàng hải đi lại trong vùng; đặt trạm nghiên cứu khí tượng thủy văn; làm nơi trú tránh bão và ứng cứu ngư dân... Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của DK1 là chốt giữ, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, bảo vệ bình yên cho việc khai thác tài nguyên nơi thềm lục địa. Những người lính hải quân ở các nhà giàn bám trụ trên biển từ 8-12 tháng. Cũng có khi do yêu cầu nhiệm vụ họ phải ở hơn 20 tháng mới vào đất liền. Sống giữa biển và trời với thời gian dài như thế đương nhiên là khó khăn, vất vả và thiếu thốn đủ bề, nhưng bằng tình yêu Tổ quốc và biển đảo, những người lính hải quân đã vượt qua mọi trở ngại, tạo cuộc sống lạc quan, yêu đời và thể hiện bản lĩnh người lính Cụ Hồ nơi đầu sóng ngọn gió.

30 năm đã trôi qua cũng là bấy nhiêu mùa bão gió, phong ba nhưng các nhà giàn DK1 vẫn hiên ngang và sừng sững giữa biển khơi. Nối tiếp truyền thống anh hùng của thế hệ cha anh, những cán bộ, chiến sĩ nhà giàn hôm nay tiếp tục giữ lời thề, quyết tâm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Họ ở đó, với bốn bề là biển, trên những ngôi nhà chơi vơi trên mặt nước, quanh năm chỉ nghe tiếng sóng và tiếng gió biển thét gào. Thế nhưng, trên gương mặt sạm nắng gió của mỗi người vẫn ngời lên nét kiên nghị, vững vàng. Để mỗi nhà giàn là thế đứng Việt Nam giữa ngàn khơi đất nước, 30 năm qua đã có 10 liệt sĩ nằm lại biển Đông, trong đó có 7 liệt sĩ nhà giàn DK1. Trải qua 30 năm xây dựng, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, những chiến công, thành tích xuất sắc của DK1 theo năm tháng đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang, là động lực tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ chốt giữ, bảo vệ nhà giàn hôm nay và mai sau. (*)

Đức Hồng

(*) Bài viết tham khảo tài liệu lịch sử của Hải quân Việt Nam

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/lich-su-oai-hung-cua-nha-gian-dk1-1809