Lịch sử ra đời, ý nghĩa ngày Nhà giáo Việt Nam
Ngày 20/11 hay còn gọi là ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam. Đây là dịp để chúng ta nhớ về và tri ân những người thầy, cô giáo.
Lịch sử ra đời ngày Nhà giáo Việt Nam
Dân tộc ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo, tinh thần hiếu học luôn được đề cao dù có nghèo khó đến đâu các gia đình đều muốn con được ăn học. Người thầy như người cha, người dạy dỗ, bảo ban để giúp chúng ta nên người, biết điều hay lẽ phải. Để ghi nhớ công ơn các thầy cô, nước ta đã lấy ngày 20/11 là ngày tri ân các thầy cô, tôn vinh giáo viên.
Ngày 20/11 mọi người vẫn biết tới đó là Ngày Nhà giáo Việt Nam, nhưng tên gọi đầy đủ là ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam. Trong ngày này học sinh biếu hoa và quà cho thầy cô giáo, ngành giáo dục cũng lấy ngày này đánh giá lại hoạt động giáo dục, đưa ra phương hướng hoạt động.
Nhìn về lịch sử ta sẽ thấy được, vào tháng 7/1946 một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris đã lấy tên là Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục.
Năm 1949, tại Hội nghị quốc tế Vacsava (Varsovie – Thủ đô của Ba Lan) tổ chức FISE xây dựng một bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương. Nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến; xây dựng nền giáo dục tiến bộ; bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nghề dạy học và nhà giáo.
Mùa xuân năm 1953, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn dự Hội nghị quan trọng kết nạp Công đoàn giáo dục của một số nước vào tổ chức FISE tại Viên (Thủ đô nước Áo), trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập (22/7/1951), Công đoàn giáo dục Việt Nam đã được kết nạp là một thành viên của FISE.
Từ ngày 26 đến 30/8/1957, tại Thủ đô Vacsava, Hội nghị FISE có 57 nước tham dự, trong đó có Công đoàn giáo dục Việt Nam, quyết định lấy ngày 20 tháng 11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.
Lần đầu tiên ngày “Quốc tế Hiến chương các nhà giáo” được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta vào ngày 20/11/1958. Những năm sau đó, ngày lễ 20/11 còn được tổ chức tại các vùng giải phóng ở miền Nam.
Hàng năm, kỷ niệm lịch sử ngày 20/11, cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo viên trong vùng tạm chiếm nói riêng, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ hy sinh của anh chị em giáo viên kháng chiến nói chung.
Theo đề nghị của ngành Giáo dục, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167 – HĐBT về ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong đó có điều khoản quy định, lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam.
Ý nghĩa ngày Nhà giáo Việt Nam
Ngày 20/11 hàng năm là ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người. Không một ai thành công, nên người mà không nhờ một phần công lao của những người mà ta gọi là thầy, cô. Vì chính nhờ những con chữ, kiến thức mà thầy, cô truyền đạt và dạy dỗ cho chúng ta mới giúp bạn có được ngày hôm nay.
Dù còn ở tuổi cắp sách tới trường, hay đã trưởng thành rời ghế nhà trường, mỗi người Việt Nam vẫn luôn hướng đến ngày 20/11 với truyền thống tốt đẹp của dân tộc: Tôn sư trọng đạo; Không thầy đố mày làm nên; Ăn quả nhớ kẻ trồng cây; Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa.
Các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy, để mọi ngành, mọi nghề và toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân tới những người đã góp công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.