Lịch sử thành môn học tự chọn ở bậc Trung học phổ thông: Những ý kiến trái chiều

Từ năm học 2022 - 2023, học sinh bậc THPT sẽ lựa chọn tổ hợp nhóm môn học, trong đó môn Lịch sử không còn là môn học bắt buộc.

Nguy cơ ít học sinh lựa chọn

Theo quy định ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bậc THPT là giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Bởi vậy, với chương trình phổ thông mới, từ lớp 10, học sinh sẽ lựa chọn 5 môn học từ ba nhóm cụ thể: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Bên cạnh đó, các môn học như Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương là các môn học bắt buộc.

Việc đưa Lịch sử vào môn học tự chọn với định hướng nghề nghiệp làm dấy lên nhiều lo ngại về việc sẽ có rất ít học sinh lựa chọn môn học này.

Lâu nay, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan trong công tác dạy và học khiến học sinh có tâm lý "sợ" Lịch sử. Thêm vào đó, các nghề nghiệp liên quan đến Lịch sử ở nước ta còn rất nghèo nàn về sự lựa chọn nên trên một số diễn đàn về giáo dục, nhiều người tỏ ra lo ngại môn học này sẽ dần bị "xóa sổ" khỏi lớp học.

Giải đáp những vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Lịch sử được bố trí dạy như sau:

"Ở cấp Tiểu học: Nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong các môn học Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, liên tục từ lớp 1 đến lớp 5, giúp học sinh làm quen với một số nội dung cơ bản của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới.

Ở cấp Trung học cơ sở: Nội dung chương trình phân môn Lịch sử được bố trí dạy ở tất cả các lớp (lớp 6, 7, 8, 9), trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp Trung học Cơ sở, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện.

Ở cấp Trung học Phổ thông: môn Lịch sử được bố trí là một môn trong tổ hợp xã hội. Bên cạnh đó, Giáo dục địa phương do các địa phương tự biên soạn đưa vào giảng dạy theo quy định chiếm 20% thời lượng chưng trình, trong đó có lịch sử địa phương được đưa vào giảng dạy bắt buộc ở tất cả các lớp từ lớp 6 đến lớp 12, đảm bảo đáp ứng được vai trò giáo dục lịch sử cho học sinh phổ thông".

Đổi mới thiết thực nhất là đổi mới phương pháp dạy Lịch sử

Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Đăng Duy (40 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội) cho rằng: "Việc giảm tải chương trình học, chú trọng phát triển năng lực theo khả năng sở trường của học sinh là tốt, nhưng không thể không học Lịch sử. Tại một số nước phát triển, Lịch sử thậm chí là môn thi bắt buộc để lấy Quốc tịch, điều đó có nghĩa là không lúc nào chúng ta được phép quên đi lịch sử của đất nước mình."

Đồng quan điểm trên, bạn Trần Việt Anh (22 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: "Tôi băn khoăn là nếu không bắt buộc học Lịch sử ở cấp 3 thì liệu học sinh cấp 1, cấp 2 có đủ khả năng phân tích và tổng hợp các kiến thức được học không. Lịch sử Thế giới có thể chỉ cần biết ở mức cơ bản nhưng nhất định phải hiểu về lịch sử Việt Nam".

Ngoài những lo ngại này, một vấn đề khác được đặt ra là trên thực tế, học sinh phải chọn 5 môn trong 3 nhóm, tức là ngoài 3 môn trong nhóm định hướng chính, các em chọn học thêm 2 môn trong 2 nhóm còn lại. Bởi vậy, sự mất cân bằng trong thời lượng giảng dạy giữa giáo viên Lịch sử với các bộ môn khác cũng là một vấn đề đáng lo ngại ở nhiều nhà trường.

Học Lịch sử sáng tạo (Ảnh: Trường Đoàn Thị Điểm)

Học Lịch sử sáng tạo (Ảnh: Trường Đoàn Thị Điểm)

Một giáo viên dạy Lịch sử xin được giấu tên chia sẻ, vai trò của Lịch sử không đơn thuần là lấy điểm cho các em "đẹp học bạ", mà nó sự kết nối giữa quá khứ với tương lai. Khi lịch sử không giữ được giá trị của nó trong giáo dục thì sẽ ngày càng nhiều người thờ ơ, xa hơn là mai một nguồn nhân lực giảng dạy kế cận.

Bên cạnh những quan ngại của nhiều người về nguy cơ môn Lịch sử bị "xóa sổ", một số ý kiến khẳng định điều đó là không thể. Thầy Đoàn Quang Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong (TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh) cho biết chuyện giáo viên bộ môn này thất nghiệp hay học sinh THPT bỏ học lịch sử là chuyện rất khó xảy ra.

“Chủ trương của nhà trường là tư vấn cho các em lựa chọn môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp, tuy nhiên phải đảm bảo phù hợp điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường. Vì vậy các trường sẽ xây dựng các tổ hợp 5 môn học thành nhiều “nguyện vọng” mà nhân lực và vật lực nhà trường có thể đáp ứng giảng dạy, nhằm đảm bảo không tạo sự chênh lệch lớn giữa số lượng giáo viên dạy các môn tự nhiên với giáo viên dạy các môn xã hội. Quan trọng là không để xảy ra tình trạng môn Lịch sử bị “xóa sổ” khỏi trường học như dư luận đang đồn đoán”, thầy Hải nói.

Rõ ràng, trên các kênh mạng xã hội làm đề tài về lịch sử bằng các hình thức mới mẻ như hình ảnh, phim tư liệu, thông tin súc tích, lượng người trẻ tương tác và để lại những bình luận tích cực rất lớn. Điều đó có nghĩa là không phải người trẻ quay lưng với lịch sử, mà cách tiếp cận thế nào để phù hợp với xu thế phát triển mới là điều quan trọng.

Bởi vậy, dù việc học Lịch sử có bắt buộc hay được tự chọn thì yếu tốt quyết định là phải đổi mới chương trình học vốn nặng lý thuyết, đổi mới cách thức dạy truyền thống, quá nhiều chữ viết và nghèo nàn hình ảnh, đổi mới hình thức học rập khuôn, thuộc vẹt và không có tính thực tiễn.

Hà A.N

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/lich-su-thanh-mon-hoc-tu-chon-o-bac-trung-hoc-pho-thong-nhung-y-kien-trai-chieu-8202222401229638.htm