Lịch sử thú vị của những mã vạch chúng ta nhìn thấy trên hàng hóa ngày nay

Mã vạch ở xung quanh chúng ta - có hơn 6 tỷ mã vạch được quét mỗi ngày. Nhưng chúng ta lại biết rất ít về lịch sử của mã vạch, cũng như nó đã phát triển ra sao.

Mã vạch ở xung quanh chúng ta - hơn 6 tỷ mã vạch được quét mỗi ngày. (Nguồn: CNN)

Mã vạch ở xung quanh chúng ta - hơn 6 tỷ mã vạch được quét mỗi ngày. (Nguồn: CNN)

Trong một bài viết đăng tải mới đây trên CNN, tác giả Jordan Frith đã tóm lược câu chuyện thú vị về lịch sử của những mã vạch mà chúng ta nhìn thấy - nhưng hầu như không được để ý đến - trên các sản phẩm hàng hóa ngày nay.

Jordan Frith là Giáo sư của Trung tâm Truyền thông Chuyên nghiệp Pearce tại Đại học Clemson ở Clemson, Nam Carolina (Mỹ). CNN lưu ý bài viết được “tái bản” từ The Coversation và thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Dưới đây là nội dung bài viết:

“Rất ít những thứ trên thế giới có thể nhận ra ngay lập tức hơn là mã vạch.

Xét cho cùng, mã vạch ở xung quanh chúng ta - hơn 6 tỷ mã vạch được quét mỗi ngày. Chúng có trên những cuốn sách chúng ta mua và những gói hàng được giao trước cửa nhà chúng ta.

Chúng đã trở thành một phần được chấp nhận trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, đến mức thật khó để tưởng tượng chúng có thể trông khác đi như thế nào.

Tôi đã nghiên cứu nhiều công nghệ khác nhau trong suốt sự nghiệp làm giáo sư nghiên cứu truyền thông của mình, nhưng phải đến khi tôi bắt đầu viết cuốn sách về lịch sử văn hóa của mã vạch, tôi mới nhận ra ngay cả những thứ ‘trần tục’ nhất trong cuộc sống của chúng ta ‘có hình dạng như chúng vẫn vậy’ vì những quyết định hầu như đã bị quên lãng trong lịch sử.

Khi tôi bắt đầu tìm hiểu kho lưu trữ lịch sử mã vạch tại Đại học Stony Brook, tôi nhận ra rằng chúng ta đã tiến gần đến một thế giới nơi chúng ta quét các biểu tượng hình mắt bò hoặc Mặt Trời để mua những món hàng tạp hóa của mình.

Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu vào năm 1949, khi Joseph Woodland và Bernard Silver nộp bằng sáng chế cho mã vạch đầu tiên. Bằng sáng chế đó mô tả cấu trúc cơ bản của việc sử dụng các cặp dòng kẻ để biểu thị các số vẫn được sử dụng trong công nghệ mã vạch hơn 70 năm sau.

 Mã vạch hình mắt bò được giới thiệu trong bằng sáng chế năm 1949 của Woodland và Silver. (Nguồn: CNN)

Mã vạch hình mắt bò được giới thiệu trong bằng sáng chế năm 1949 của Woodland và Silver. (Nguồn: CNN)

Tuy nhiên, bằng sáng chế của họ không bao gồm bất cứ thứ gì mà hầu hết mọi người ngày nay sẽ nhận ra là mã vạch. Trên thực tế, mã vạch đầu tiên hoàn toàn không bao gồm các đường thẳng đứng. Thay vào đó, nó sử dụng một loạt các vòng tròn đồng tâm có hình mắt bò.

Woodland và Silver ban đầu gặp khó khăn trong việc thu hút các công ty quan tâm đến phát minh của họ. Nhưng ‘vận mệnh’ của mã vạch bắt đầu thay đổi vào năm 1960, khi kỹ sư và nhà vật lý Theodore H. Maiman tạo ra tia laser hoạt động đầu tiên, giúp giải mã nhanh chóng những đường nét của mã vạch.

Không lâu sau, vào năm 1967, ngành đường sắt triển khai Kartrak - hệ thống mã vạch chính thức đầu tiên trên thế giới. Mã vạch Kartrak được phát triển để tự động nhận dạng các toa tàu khi chúng di chuyển qua máy quét, nhưng chúng sử dụng thiết kế gồm các đường có nhiều màu sắc khác nhau. Trông chúng giống một tác phẩm nghệ thuật hiện đại hơn là mã vạch mà chúng ta sử dụng ngày nay.

Nhưng Kartrak đã gặp khó khăn ngay từ đầu: Hệ thống không chính xác như mọi người mong đợi, và nó đã ngừng được sử dụng vào những năm 1970. Mặc dù là mã vạch đầu tiên được một ngành công nghiệp chính thức áp dụng nhưng thiết kế nhiều màu của biểu tượng Kartrak giờ đây chỉ còn là ‘dòng chú thích cuối trang’ trong lịch sử.

Cùng thời điểm Kartrak được ra mắt, ngành tạp hóa đã bắt đầu một chuỗi sự kiện mà cuối cùng dẫn đến sự ra đời của mã vạch mà chúng ta biết ngày nay. Vào cuối những năm 1960, các cửa hàng đã bắt đầu các dự án thí điểm về mã vạch sử dụng rất nhiều loại ký hiệu mã vạch khác nhau.

Một trong những biểu tượng là mã vạch mắt bò ban đầu, vào thời điểm đó thuộc sở hữu của RCA (vì họ đã mua bản quyền bằng sáng chế). Nhưng những cửa hàng khác lại sử dụng những biểu tượng do các công ty khác phát triển.

Ví dụ, một công ty có tên Carecogn đã phát triển một biểu tượng hình Mặt Trời; còn công ty Litton đã tạo ra một biểu tượng chiếc quạt… Ngành tạp hóa nhanh chóng nhận ra rằng giai đoạn thử nghiệm [như] ở ‘miền Tây hoang dã’ này sẽ không thể kéo dài.

Mã vạch có thể hoạt động như một cách để tự động hóa việc kiểm kê và thanh toán chỉ khi mọi người trong ngành tạp hóa nhất trí sử dụng cùng một biểu tượng. Nếu không, hệ thống sẽ quá phức tạp và tốn kém.

Vì vậy, vào năm 1971, ngành tạp hóa đã thành lập một ủy ban có nhiệm vụ phát triển tiêu chuẩn dữ liệu toàn ngành và chọn biểu tượng mà các cửa hàng đồng ý áp dụng.

Tiêu chuẩn dữ liệu mà ủy ban này phát triển - Mã Sản phẩm Chung (Universal Product Code) - được thiết kế để hoạt động với các loại ký hiệu mã vạch khác nhau.

Ủy ban sau đó phải chọn biểu tượng. Họ thu hút đơn đăng ký từ nhiều công ty khác nhau và thu hẹp danh sách xuống còn bảy ‘ứng viên’ lọt vào vòng chung kết. Đó là lúc ‘vở kịch thực sự bắt đầu.’

Bài dự thi của RCA dẫn đầu trong số bảy bài dự thi lọt vào vòng chung kết.

Xét cho cùng, mã vạch mắt bò là biểu tượng mã vạch ban đầu và RCA là một công ty hùng mạnh đã đầu tư nguồn lực đáng kể vào việc phát triển công nghệ.

Đối thủ cạnh tranh chính của RCA là ‘kẻ đến sau’ trong cuộc chiến giành ưu thế về mã vạch: Biểu tượng IBM được phát minh vào đầu những năm 1970 bởi George Laurier.

Từ năm 1971 đến năm 1973, ủy ban đã thử nghiệm rộng rãi bảy ‘ứng viên’ lọt vào vòng chung kết, lắng nghe ý kiến của mỗi công ty và gặp nhau nhiều lần để thảo luận về con đường phía trước.

Trong suốt quá trình này, RCA và IBM vẫn là những người dẫn đầu, và trong một ‘cú bẻ lái’ có phần trớ trêu, Joseph Woodland - ‘cha đẻ của mã vạch’ và là người phát minh ra biểu tượng mắt bò - đã ủng hộ biểu tượng IBM thay vì phát minh của chính mình.

 Bảy biểu tượng mã vạch lọt vào vòng chung kết - được hiển thị trong báo cáo nội bộ chính thức của ủy ban lựa chọn biểu tượng. (Nguồn: CNN)

Bảy biểu tượng mã vạch lọt vào vòng chung kết - được hiển thị trong báo cáo nội bộ chính thức của ủy ban lựa chọn biểu tượng. (Nguồn: CNN)

Nhận thấy biểu tượng của họ có thể không được chọn, RCA bắt đầu gây áp lực với ủy ban và dọa sẽ rút hoàn toàn khỏi ngành mã vạch nếu ‘mắt bò’ của họ không được chọn làm tiêu chuẩn.

Hạn chót của ủy ban để lựa chọn một biểu tượng là tháng 3/1973, và quyết định đã được đưa ra.

Trong cuộc họp cuối cùng, ủy ban đã chọn biểu tượng IBM bất chấp những lo ngại rằng - theo lời nhà sử học Stephen Brown - “bằng cách chọn biểu tượng vuông vắn thay vì hình mắt bò, ủy ban có thể đã làm chậm đáng kể tốc độ thực hiện” bởi áp lực từ RCA.

Biểu tượng IBM đã trở thành tiêu chuẩn công nghiệp, và mã vạch Mã Sản phẩm Chung đầu tiên đã được quét tại một cửa hàng tạp hóa ở Troy, Ohio, vào ngày 26/6/1974.

Điều đáng chú ý là biểu tượng IBM mà ủy ban đã chọn vẫn tồn tại mạnh mẽ gần 50 năm sau. Mã vạch bạn quét tại cửa hàng tạp hóa về cơ bản giống với mã vạch mà ai đó đã quét vào những năm 1970.

Dựa trên những ghi chú từ các cuộc họp lựa chọn biểu tượng, các thành viên ủy ban khi đó cảm thấy họ đang làm công việc quan trọng. Nhưng ngay cả trong những giấc mơ điên rồ nhất, họ cũng không thể tưởng tượng được kết quả cuối cùng từ quyết định của mình.

Thiết kế mã vạch mà họ chọn đã trở thành một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng nhất của chủ nghĩa tư bản và đã truyền cảm hứng cho những thiết kế xây dựng của các kiến trúc sư, tượng trưng cho sự tuân thủ theo ‘chủ nghĩa đen tối’ trong khoa học viễn tưởng, trở thành một hình xăm phổ biến và thậm chí còn truyền cảm hứng cho cộng đồng người hâm mộ trực tuyến.

Nhưng thiết kế đã thay đổi thế giới này gần như đã trở thành một phần lịch sử bị lãng quên. Nếu một vài người điều hành cửa hàng tạp hóa bỏ phiếu theo cách khác, có thể giờ đây chúng ta sẽ đang đi qua một thế giới đầy rẫy những ‘mắt bò.’”./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/lich-su-thu-vi-cua-nhung-ma-vach-chung-ta-nhin-thay-tren-hang-hoa-ngay-nay-post923506.vnp