Lịch sử tỉnh Hà Tĩnh - nơi hội lưu của 'Con đường tơ lụa trên biển' một thời
Ngày nay, Khu Kinh tế Vũng Áng và Cụm Cảng nước sâu Vũng Áng-Sơn Dương... ở tỉnh Hà Tĩnh chính là sự 'tiếp mạch' của dòng chảy lịch sử, tạo nên những đột phá cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Các phương tiện bốc dỡ hàng hóa tại cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh). (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)
Sau thời Bắc thuộc, vào giai đoạn đầu tự chủ của quốc gia Đại Việt (thế kỷ 12-15), mặc dù có những biến động về không gian lãnh thổ nhưng vùng Hoan Diễn nói chung, đặc biệt là vùng phía Nam (nay là tỉnh Hà Tĩnh) luôn là miền biên viễn, trọng trấn phương Nam.
Theo ý kiến chung của nhiều học giả, trong thế đối diện, đối thoại hằng xuyên với các quốc gia láng giềng, khu vực Nghệ-Tĩnh là đại diện, đồng thời là tuyến đầu, địa bàn chiến lược trong việc bảo vệ an ninh; thiết lập, mở rộng quan hệ với thế giới bên ngoài.
Trên phương diện kinh tế đối ngoại, Nghệ-Tĩnh là nơi hội lưu của các tuyến giao thương trên đất liền và trên biển, đặc biệt chiếm một vị trí quan trọng của “Con đường tơ lụa trên biển” với một hệ thống cảng biển từng sầm uất, tấp nập một thời.
Trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, biển Hà Tĩnh với vị thế địa-văn hóa hiếm có đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quan hệ giao thương của đất nước và trong giao lưu, tiếp biến văn hóa của dân tộc.
Hiện nay, trong bối cảnh đất nước Việt Nam đang tiến hành hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, Khu Kinh tế Vũng Áng và Cụm Cảng nước sâu Vũng Áng-Sơn Dương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh chính là sự “tiếp mạch” của dòng chảy lịch sử, tạo nên những đột phá cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Vị trí địa lý
Hà Tĩnh là một tỉnh ở dải đất miền Trung, nằm trong vùng du lịch Bắc Trung Bộ. Tỉnh Hà Tĩnh nằm cách Thủ đô Hà Nội 340km về phía Nam, ở phía Đông dãy Trường Sơn.
Phía Bắc Hà Tĩnh giáp tỉnh Nghệ An, phía Nam giáp tỉnh Quảng Bình, phía Tây giáp hai tỉnh Borikhamxay và Khammuane của Lào, phía Đông giáp Biển Đông với bờ biển dài 137km.
Tỉnh Hà Tĩnh có diện tích 6.055,6km2 với địa hình đa dạng - đủ các vùng đồi núi, trung du, đồng bằng và biển.

Bản đồ hành chính tỉnh Hà Tĩnh. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Tĩnh)
Theo kết quả điều tra dân số giữa kỳ năm 2024, tại thời điểm ngày 1/4/2024, tỉnh Hà Tĩnh có hơn 1,3 triệu người (cụ thể: 1.329.365 người).
Lịch sử hình thành
Trang Vietnam.vn tóm tắt sơ lược chặng đường lịch vẻ vang hơn 190 năm thành lập, xây dựng và phát triển của vùng đất Hà Tĩnh với những nội dung dưới đây:
Trên con đường thiên lý từ Bắc vào Nam qua cầu bến Thủy, từ Nam ra Bắc qua Hoành Sơn quan có một vùng đất được ví như chiếc đòn gánh, gánh hai đầu đất nước. Đó là Hà Tĩnh, một vùng đất “địa linh nhân kiệt” có truyền thống văn hóa, cách mạng, cùng bề dày gần hai thế kỷ chiến đấu, xây dựng và phát triển.
Hơn 190 năm đi qua (từ năm 1831- tỉnh Hà Tĩnh chính thức được thành lập đến nay), tên gọi Hà Tĩnh đã gắn liền với bao dấu ấn lịch sử quan trọng của dân tộc. Vùng đất cằn khô sỏi đá này luôn là cội nguồn của những áng văn thơ nổi tiếng, của những bài ca cất lên từ lao khổ và bom đạn chiến tranh.
Sự hình thành vùng đất Hà Tĩnh
Theo các tài liệu lịch sử và khảo cổ học, cách đây hàng nghìn năm, vùng đất Hà Tĩnh đã có người sinh sống; vùng Hồng Lĩnh ngày nay được gọi là Kinh đô Ngàn Hống - thủ đô đầu tiên của nước Xích Quỷ (tên gọi trước đây của Việt Nam) dưới thời vua Kinh Dương Vương. Thủa Vua Hùng dựng nước Văn Lang, vùng Hà Tĩnh thuộc Bộ Cửu Đức.

Năm 1831 vua Minh Mệnh bắt đầu chia định các tỉnh hạt từ Quảng Trị trở ra Bắc. Tỉnh Hà Tĩnh gồm hai phủ là Hà Hoa, Đức Thọ gồm sáu huyện Thạch Hà, Kỳ Hoa, Hương Sơn, Thiên Lộc, Nghi Xuân, La Sơn (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV/Vietnam.vn)
Năm 1831, vua Minh Mệnh thực hiện một cuộc cải cách hành chính quy mô lớn, chia cả nước thành 30 tỉnh. Tỉnh Hà Tĩnh ra đời trên cơ sở tách hai phủ Hà Hoa và Đức Thọ của trấn Nghệ An thành lập một tỉnh riêng.
Lần đầu tiên trong lịch sử, tên Hà Tĩnh xuất hiện như một đơn vị hành chính cấp tỉnh trực thuộc triều đình trung ương. Đây là một mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử Hà Tĩnh.
Khi mới thành lập, tỉnh Hà Tĩnh gồm hai phủ (Hà Hoa và Đức Quang), sáu huyện (Hương Sơn, La Sơn, Thiên Lộc, Nghi Xuân, Thạch Hà, Kỳ Hoa).
Là một tỉnh nhỏ nên Tổng đốc Nghệ An kiêm nhiệm cả Hà Tĩnh gọi là Tổng đốc An Tĩnh, dưới có Tuần phủ lãnh công việc Bố Chính và Án sát.
Năm 1853, vua Tự Đức bỏ tỉnh Hà Tĩnh, lập đạo Hà Tĩnh và đến năm 1875 lấy lại tên gọi hành chính là tỉnh Hà Tĩnh. Tỉnh thành Hà Tĩnh dời về xã Trung Tiết (thành phố Hà Tĩnh ngày nay).
Năm 1881, tỉnh thành được xây dựng lại kiên cố bằng gạch và đá ong. Hệ thống giao thông đường thủy và hệ thống dịch trạm cũng được nhà Nguyễn quan tâm xây dựng để đảm bảo liên lạc giữa triều đình Huế và các địa phương.
Nhà Nguyễn cũng đề ra một số chính sách khuyến nông, kêu gọi nhân dân phiêu tán trở về quê sản xuất, khuyến khích công việc khai khẩn dưới nhiều hình thức.
Hà Tĩnh trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc
Sau khi vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương lần thứ hai (tháng 7/1885), một làn sóng yêu nước đã dâng lên trong toàn tỉnh Hà Tĩnh. Người hưởng ứng Chiếu Cần vương đầu tiên ở Hà Tĩnh đó là Lê Ninh ở Trung Lễ, Đức Thọ.

Dụ ngày 10 tháng 5 năm Khải Định thứ 9 (tức ngày 11/6/1924) về việc thành lập Trung tâm đô thị Hà Tĩnh và xác định giới hạn của trung tâm đô thị này (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I/Vietnam.vn)
Tiếp đó là phong trào kháng chiến sôi nổi, diễn ra rộng khắp các địa phương trong tỉnh do các sỹ phu yêu nước lãnh đạo. Đặc biệt là cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng-Cao Thắng lãnh đạo kéo dài 11 năm (từ năm 1885-1896) đã trở thành một cuộc khởi nghĩa tiêu biểu và là đỉnh cao trong phong trào chống Pháp cuối thế kỷ 19 của nhân dân Hà Tĩnh nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.
Những năm đầu thế kỷ 20, nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục hưởng ứng các phong trào yêu nước chống Pháp như phong trào Duy Tân-Đông Du, phong trào chống thuế Trung Kỳ…
Từ khi có Đảng lãnh đạo (1930), các phong trào đấu tranh cách mạng của nước ta có bước tiến mới; cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh tích cực tham gia các cuộc đấu tranh cách mạng giành quyền sống, quyền tự do với phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh (1930-1931), phong trào đấu tranh dân chủ (1936-1939) và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc (1939-1945), góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, giành độc lập cho dân tộc. Hà Tĩnh là một trong bốn tỉnh của cả nước giành được chính quyền về tay nhân dân sớm nhất nước.
Hà Tĩnh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Hà Tĩnh là một trong những địa phương thực dân Pháp “không hề đứng chân nổi một giờ.” Nhân dân Hà Tĩnh dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã tích cực tham gia phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp một cách quyết liệt nhất.
Hà Tĩnh cũng là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành thanh toán nạn mù chữ trên phạm vi toàn tỉnh, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương Ðộc lập hạng Nhì.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, hơn 10 năm hòa bình (1955-1965), quân và dân Hà Tĩnh đã đoàn kết hoàn thành thắng lợi nhiều nhiệm vụ cách mạng nặng nề: phát động giảm tô và cải cách ruộng đất, đem ruộng đất về tay nông dân; chống âm mưu và hành động phá hoại của địch; khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế-văn hóa.
Về địa giới hành chính, từ năm 1948-1957, thị xã Hà Tĩnh không còn trực thuộc tỉnh, mà chỉ còn là đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Thạch Hà.
Ngày 21/11/1957, thị xã Hà Tĩnh được tái thiết trên cơ sở địa giới hiện tại. Từ năm 1962-1964, thị xã Hà Tĩnh tiếp tục được mở rộng với sự xuất hiện của nhiều khu phố mới.

Cuộc chiến đấu bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc diễn ra vô cùng ác liệt, đặc biệt từ đầu tháng 6 đến tháng 11/1968, với quyết tâm bảo đảm thông suốt tuyến giao thông chiến lược chi viện cho miền Nam. Ý nghĩa của Chiến thắng Đồng Lộc vẫn còn vẹn nguyên giá trị, khẳng định ý chí kiên cường, bất khuất, biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân Việt Nam. Trong ảnh: Tiểu đội 2 gồm toàn nữ thuộc Đại đội 551, Tổng đội 55 thanh niên xung phong Hà Tĩnh mở đường mới. (Ảnh: TTXVN)
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hà Tĩnh “Vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến.” Quân và dân Hà Tĩnh đã nêu cao tinh thần “Xe chưa qua, nhà không tiếc,” “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người,” “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng.”
Toàn tỉnh đã nở rộ phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang,” sản xuất giỏi, chiến đấu và phục vụ chiến đấu giỏi.
Nhiều địa danh đã vào lịch sử với những chiến công vang dội như là huyền thoại. Tiêu biểu như Ngã ba Ðồng Lộc, ghi danh Tiểu đội thanh niên xung phong mười nữ anh hùng liệt sỹ với khẩu hiệu “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm.”
Hà Tĩnh tự hào phát triển
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, để tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước về phương diện quản lý hành chính, Đảng và Nhà nước chủ trương hợp nhất các tỉnh nhỏ thành tỉnh lớn trong đó có việc hợp nhất hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An thành tỉnh Nghệ Tĩnh và thành phố Vinh được chọn để xây dựng trở thành trung tâm của tỉnh Nghệ Tĩnh. Từ đây, lịch sử Hà Tĩnh chuyển sang một thời kỳ mới, thời kỳ thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh.
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển lực lượng sản xuất, mở rộng quy mô hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Song song với việc mở rộng quy mô hợp tác xã ở Hà Tĩnh trong thời kỳ 1976-1980, chính quyền tỉnh đã có chủ trương chuyển dân lên vùng đồi núi để mở rộng diện tích canh tác, quy hoạch lại khu dân cư.
Sau hơn 15 năm nhập tỉnh, ngày 12/8/1991, Nghị quyết Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII quyết định tách trở lại tỉnh Nghệ Tĩnh thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Cho đến nay tỉnh Hà Tĩnh gồm một thành phố Hà Tĩnh, hai thị xã Hồng Lĩnh, Kỳ Anh và 10 huyện.
Qua 30 năm tái lập, Đảng bộ Hà Tĩnh đã xác định rõ các định hướng lớn “xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển, xã hội tiến bộ, quốc phòng-an ninh đảm bảo, trở thành một trong những tỉnh phát triển của vùng Bắc Trung Bộ; cải thiện toàn bộ đời sống nhân dân; đến năm 2025, tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân các tỉnh Bắc Trung Bộ, phấn đấu năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.”./.

Những làng lúa, làng hoa hiển hiện ngay giữa lòng thành phố Hà Tĩnh, tạo cảnh quan, điểm nhấn sinh thái cho đô thị ngày nay. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)
Bước ngoặt lịch sử
Sự kiện thành lập tỉnh Hà Tĩnh năm 1831 có ý nghĩa lịch sử to lớn, là bước ngoặt trong tiến trình lịch sử Hà Tĩnh, khẳng định vùng đất này đã phát triển và trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền Trung ương, sánh ngang với các tỉnh trong cả nước.
Việc thành lập tỉnh Hà Tĩnh cũng đã khẳng định việc trải qua hàng ngàn năm lịch sử, cư dân Hà Tĩnh đã đoàn kết gắn bó xây dựng nên truyền thống, nền văn hóa đặc sắc, vừa mang tính chất chung của văn hóa dân tộc, vừa đậm đà sắc thái địa phương, cốt cách Hà Tĩnh.
Sự ra đời của tỉnh Hà Tĩnh là một tất yếu lịch sử, khẳng định tầm vóc, vị thế của một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng; đồng thời mở ra một thời kỳ phát triển mới sau này với những thành tựu vô cùng vẻ vang…
(Nguồn: Trích Đề cương tuyên truyền tuyên truyền kỷ niệm 190 năm thành lập [1831-2021] và 30 năm tái lập [1991-2021] tỉnh Hà Tĩnh của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)