Lịch sử tỉnh Lai Châu - Vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh

Lai Châu có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia và phòng hộ đầu nguồn sông Đà.

Bản đồ hành chính tỉnh Lai Châu. (Nguồn: Cổng thông tin Điện tử tỉnh Lai Châu)

Bản đồ hành chính tỉnh Lai Châu. (Nguồn: Cổng thông tin Điện tử tỉnh Lai Châu)

Theo Nghị quyết số 22/2003/QH11 được thông qua ngày 26/11/2003 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XI, tỉnh Lai Châu (mới) được thành lập trên cơ sở tách một số huyện của tỉnh Lai Châu (cũ) và sáp nhập thêm huyện Than Uyên từ tỉnh Lào Cai. Tỉnh lỵ mới đóng tại thị xã Tam Đường (trước đó gọi là thị trấn Phong Thổ), lấy tên mới là thị xã Lai Châu (nay là thành phố Lai Châu).

Vị trí địa lý

Lai Châu là một tỉnh miền núi Tây Bắc Việt Nam; có tọa độ địa lý từ 21°41’ đến 22°50’ vĩ độ Bắc và từ 102°19’ đến 103°59’ kinh độ Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và tỉnh Lào Cai; phía Đông giáp các tỉnh Lào Cai, Yên Bái; phía Tây giáp tỉnh Điện Biên; phía Nam giáp tỉnh Điện Biên, Sơn La. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 9.068,78km2, đứng thứ 10 trong 63 tỉnh, thành cả nước.

Lai Châu có 265,165km đường biên giới Việt-Trung, có cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng và nhiều lối mở trên tuyến biên giới trực tiếp giao lưu với vùng lục địa rộng lớn phía Tây Nam của Trung Quốc; được gắn với khu vực tam giác tăng trưởng Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh bằng các tuyến quốc lộ 4D, 70, 32 và đường thủy sông Đà, tiềm năng phát triển dịch vụ-thương mại, xuất nhập khẩu và du lịch.

Tỉnh Lai Châu cũng có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Là vùng đầu nguồn rộng lớn và phòng hộ đặc biệt xung yếu của sông Đà, địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nên Lai Châu có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia mà trực tiếp là các công trình thủy điện lớn trên sông Đà và vùng châu thổ sông Hồng.

Vị trí địa lý của Lai Châu có ý nghĩa quan trọng về mặt tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh, quốc phòng; tạo ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế-xã hội và đặt ra nhiệm vụ trọng yếu trong bảo đảm an ninh, quốc phòng và chủ quyền biên giới quốc gia trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Lai Châu qua các thời kỳ lịch sử

Lai Châu là địa bàn có con người đến cư trú rất sớm. Tại các di chỉ khảo cổ học ở hang Thẩm Púa (Búng Lao), Thẩm Khương (Chiềng Sinh) thuộc huyện Tuần Giáo hay Nậm Phé, Nậm Tun thuộc huyện Phong Thổ đã tìm thấy các công cụ của thời kỳ đồ đá cũ, đồ đá giữa và đồ đá mới. Ngoài ra, các nhà khảo cổ, người dân còn tìm thấy ở Lai Châu những công cụ bằng đồng của nền văn hóa Đông Sơn thuộc thời đại Hùng Vương như: trống đồng Tuần Giáo, trống đồng Mường Thanh, trống đồng Na Ngum (Điện Biên), trống đồng Chiềng Nưa (Mường Lay), trống đồng Mường So (Phong Thổ)...

Thời Hùng Vương, Lai Châu thuộc bộ Tân Hưng; thời Lý thuộc lộ Đà Giang; thời Trần thuộc châu Ninh Viễn; thời Lê thuộc trấn Gia Hưng. Năm 1463, trấn Hưng Hóa được thành lập gồm ba phủ: Gia Hưng, Quy Hóa, An Tây gồm một vùng đất đai, sông núi rộng mênh mông tương đương với các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ ngày nay. Lai Châu lúc đó thuộc phủ An Tây. Phủ An Tây có 10 châu: Lai, Luân, Quỳnh Nhai, Chiêu Tấn, Tùng Lăng, Lễ Tuyền, Hoàng Nham, Hợp Phì, Tuy Phụ và Khiêm.

Đời Lê Cảnh Hưng (1740-1768) có sáu châu: Tùng Lăng, Hoàng Nham, Hợp Phì, Lễ Tuyền, Tuy Phụ và Khiêm bị nhà Thanh (Trung Quốc) đánh chiếm. Phủ An Tây chỉ còn bốn châu: Chiêu Tấn, Quỳnh Nhai, Lai và Luân. Thời Tây Sơn, Quang Trung đã làm một biểu gửi vua Thanh đòi lại sáu châu đã chiếm nhưng không được chấp nhận.

 Thành phố Lai Châu. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Thành phố Lai Châu. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Năm 1882, thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai, đã đặt kế hoạch đánh chiếm tỉnh Hưng Hóa. Theo Tổng mệnh lệnh số 4 ngày 11/6/1885 của Đờcuốcxy (Decourcy), tỉnh Hưng Hóa nằm trong Quân khu miền Tây, tiếp đó nằm trong Đạo quan binh thứ tư (theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 20/8/1891). Sau đó Đạo quan binh thứ tư tách thành Tiểu quân khu Vạn Bú và Tiểu quân khu Lai Châu.

Ngày 10/10/1895, hai tiểu quân khu trên sáp nhập thành tỉnh Vạn Bú. Ngày 7/4/1904, tỉnh lỵ tỉnh Vạn Bú chuyển về Sơn La. Đến ngày 23/8/1904, tỉnh Vạn Bú đổi thành tỉnh Sơn La.

Ngày 28/6/1909, Toàn quyền Đông Dương Klobukowski ra Nghị định thành lập tỉnh Lai Châu gồm: Đạo Lai (châu Lai, châu Quỳnh Nhai và phủ Luân Châu) và châu Điện Biên với phủ Tuần Giáo, dân số khoảng 4 vạn người.

Đến ngày 27/3/1916, tỉnh Lai Châu lại chuyển thành Đạo quan binh thứ tư theo chế độ quân quản. Mãi tới ngày 4/9/1943, chế độ quân quản ở Lai Châu mới bị bãi bỏ. Trong thời kỳ dài thống trị Lai Châu, thực dân Pháp đều đặt Lai Châu dưới chế độ quân quản, có một thời gian ngắn chúng áp dụng chế độ cai trị hành chính.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới chính thể mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Lai Châu có một số thay đổi về địa giới hành chính như sau:

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc mới bùng nổ, Lai Châu nằm trong Chiến khu 2 cùng với Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Hòa Bình, Ninh Bình, Sơn La. Sau đó Lai Châu nhập vào Chiến khu 10 và một phần Chiến khu 1 thành Liên khu Việt Bắc.

Năm 1948, Lai Châu và Sơn La hợp nhất thành tỉnh Sơn Lai. Ngày 12/1/1952, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 145-TTg tái lập lại hai tỉnh.

Ngày 26/1/1953, để củng cố căn cứ địa Tây Bắc mới giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 134-SL thành lập Khu Tây Bắc gồm các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu tách khỏi Liên khu Việt Bắc. Đồng thời, Khu ủy Tây Bắc cũng ra quyết định chuyển huyện Thuận Châu từ tỉnh Sơn La sang tỉnh Lai Châu.

Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Lai Châu được giải phóng, hòa bình được lập lại trên miền Bắc nước ta.

Ngày 29/4/1955, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 230-SL thành lập Khu tự trị Thái-Mèo, các châu (huyện trước đây) trực thuộc khu, không có cấp hành chính tỉnh.

Ngày 27/10/1962, kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa II đã ra Nghị quyết đổi tên Khu tự trị Thái-Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc và thành lập lại ba tỉnh trong khu là: Lai Châu, Nghĩa Lộ và Sơn La. Tỉnh Lai Châu lúc đó gồm 7 huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Tè, Mường Lay, Phong Thổ, Sình Hồ và thị trấn Lai Châu. Ngày 8/10/1971, thành lập thị xã Lai Châu.

Ngày 27/12/1975, Khu tự trị Tây Bắc giải thể. Tháng 12/1977, thành lập thị trấn Mường Lay và Sìn Hồ. Ngày 18/4/1992, thành lập thị xã Điện Biên Phủ. Ngày 7/10/1995 thành lập huyện Điện Biên Đông.

Đến năm 2003, tỉnh Lai Châu có 8 huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Tè, Mường Lay, Sìn Hồ, Phong Thổ, Điện Biên Đông; hai thị xã: Lai Châu và Điện Biên Phủ. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Điện Biên Phủ.

Theo Nghị quyết của Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ tư ra Nghị quyết số 22/2003 QH XI về việc chia và điều chỉnh địa giới một số tỉnh, tiếp đó, ngày 1/1/2004, tỉnh Lai Châu (mới) được thành lập trên cơ sở 4 huyện của tỉnh Lai Châu (cũ) gồm: Mường Tè, Sìn Hồ, Tam Đường, Phong Thổ và sáp nhập thêm huyện Than Uyên, tỉnh Lào Cai.

Để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới, theo đề nghị của tỉnh Lai Châu, ngày 10/10/2004, Chính phủ ra Nghị định số 176/2004/NĐ-CP về việc thành lập thị xã Lai Châu và thành lập thị trấn các huyện Tam Đường, Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Ngày 30/10/2008, Chính phủ ra Nghị định số 04/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Than Uyên để thành lập huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Ngày 2/11/2012 Chính phủ ra Nghị quyết số 71/NQ-CP về việc Điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện thuộc tỉnh Lai Châu, theo đó thành lập huyện Nậm Nhùn.

Ngày 27/12/2013, Chính phủ ra Nghị quyết số 131/NQ-CP về việc thành lập thành phố Lai Châu thuộc tỉnh Lai Châu. Sau khi thành lập thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu có 8 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm: Thành phố Lai Châu và các huyện: Tam Đường, Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên, Sìn Hồ, Mường Tè, Nậm Nhùn).

Phát triển Lai Châu từ những tiềm năng, lợi thế sẵn có

Lai Châu có vị trí địa lý nằm giữa hai điểm du lịch nổi tiếng là Sa Pa và Điện Biên Phủ, có các quốc lộ (QL) 4D, QL32, QL 12 và đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai nối Lai Châu với Hà Nội-Điện Biên-Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc); có hệ thống đường thủy Sông Đà và các hồ lớn tại các công trình thủy điện như: Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát và hiện nay đã có một số nhà đầu tư quan tâm, đến khảo sát để nghiên cứu xây dựng các khu điểm du lịch lòng hồ (như khu vực lòng hồ trung tâm xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn...).

 Lai Châu có nhiều lợi thế để phát triển. (Ảnh: TTXVN)

Lai Châu có nhiều lợi thế để phát triển. (Ảnh: TTXVN)

Lai Châu có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như: Động Tiên Sơn, thác Tác Tình huyện Tam Đường, động Pu Sam Cap Thành phố Lai Châu, núi Đá Ô tại Sìn Hồ, đặc biệt tại khu vực xã Nùng Nàng gần động Pu Sam Cáp đã có Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến khảo sát, nghiên cứu để xây dựng khu du lịch tâm linh.

Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều địa danh gắn liền với lịch sử như: Nhà văn hóa bản Lướt ở xã Mường Kim, huyện Than Uyên; Dinh thự Đèo Văn Long, Bia Lê Lợi thuộc huyện Nậm Nhùn...; những nét độc đáo của các phiên chợ vùng cao như: chợ San Thàng, chợ Dào San, chợ Mường So...; nhiều lễ hội đặc sắc, truyền thống của các dân tộc như: Lễ hội Gầu tào, Tú Tỉ, Nàng Han, Xòe Chiêng... Với bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội, ẩm thực phong phú của 20 dân tộc anh em là những tiềm năng, thế mạnh để khai thác, phát triển du lịch văn hóa.

Đặc biệt, Lai Châu có hệ thống thảm thực vật phong phú trong quần thể sinh thái khu vực đỉnh núi PuTaLeng, núi Ngũ Chỉ Sơn có độ cao 3.049m ở xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, thắng cảnh khu du lịch đèo Hoàng Liên Sơn, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao nguyên Sìn Hồ (có độ cao trên 1.500m) có chế độ khí hậu mát mẻ. Về phát triển du lịch cộng đồng đã hình thành và bắt đầu được các tạp chí Du lịch của thế giới và trong nước biết đến như các điểm du lịch cộng đồng: Sin Suối Hồ, Mường So (huyện Phong Thổ), Bản Hon, Hồ Thầu, Nà Tăm (huyện Tam Đường), Pú Đao (huyện Nậm Nhùn)… Hệ thống cảnh quan thiên nhiên do nhân tạo như ruộng bậc thang vùng cao của các huyện biên giới đã có từ lâu đời.

Trong lòng đất, Lai Châu được thiên nhiên ưu ái, ban tặng cho một kho báu tài nguyên khoáng sản như: Kim loại màu (đồng, vàng, chì). Đặc biệt, mỏ đất hiếm Đông Pao (huyện Tam Đường) có trữ lượng lớn nhất Việt Nam, 5 triệu tấn ôxít và thân quặng quý hiếm F3, F7 phục vụ cho ngành sản xuất công nghiệp điện tử.

Với lợi thế có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, Lai Châu cũng có nhiều tiềm năng để phát triển vùng trồng các loại rau, hoa và cây dược liệu có giá trị kinh tế cao ở các xã Bản Bo, Sơn Bình huyện Tam Đường, cao nguyên Sìn Hồ. Bên cạnh đó, Lai Châu vẫn còn nhiều diện tích đất trống chưa sử dụng có thể trồng, phát triển cây công nghiệp tập trung, quy mô lớn với hình thức liên kết sản xuất chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm như chè, cao su.../.

 (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

(Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/lich-su-tinh-lai-chau-vi-tri-chien-luoc-quan-trong-ve-quoc-phong-an-ninh-post1022190.vnp