Nghịch lý của Vũng Tàu

Giao thông kết nối TP.HCM - Vũng Tàu càng thuận tiện, du khách càng không có lý do nán lại Vũng Tàu. Đây là một lý do khiến lượng khách lưu trú tại địa phương ở mức thấp.

Nằm cạnh các đô thị lớn như TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương, thành phố biển Vũng Tàu từ lâu đã trở thành điểm đến quen thuộc cho những chuyến đi ngắn ngày của giới trẻ và các gia đình. Cứ mỗi dịp cuối tuần hay lễ, Tết, các bãi biển ở Vũng Tàu lại tấp nập du khách, những địa điểm check-in ken đặc, các quán ăn hải sản nhộn nhịp, rộn tiếng nói cười.

Tuy nhiên, một nghịch lý đang tồn tại: lượng khách đổ về Vũng Tàu rất đông, nhưng số người ở lại qua đêm lại không tương xứng.

Theo Phòng Văn hóa - Thông tin TP Vũng Tàu, quý I/2025, thành phố đón gần 2,2 triệu lượt khách, nhưng lượng khách lưu trú chỉ ước đạt 790.000 lượt, chiếm 35,9 % trên tổng lượng khách. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 3.093 tỷ đồng. Dù tỷ lệ khách lưu trú tăng so với năm 2024 (30,04%), con số này vẫn thấp so với các thành phố du lịch khác.

Là địa phương lân cận, Bình Thuận đón hơn 2,6 triệu lượt khách trong 3 tháng đầu năm, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 7.050 tỷ đồng, số ngày khách lưu trú đạt 5,02 triệu lượt ngày.

Cũng trong quý I/2025, TP Đà Lạt đón lượng khách tương tự Vũng Tàu (gần 2,1 triệu lượt), lượng khách lưu trú ước đạt 1,58 triệu lượt, chiếm 75,4% - gấp 2,1 TP Vũng Tàu.

Khi giao thông thuận lợi vô tình thành điểm yếu

Trao đổi với Tri Thức - Znews về lý do điểm đến có vị trí thuận lợi như Vũng Tàu lại gặp phải tình trạng "khách đến rồi đi", Tiến sĩ Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, cho rằng câu trả lời nằm ở nhiều yếu tố.

Từ vị trí địa lý, thói quen tiêu dùng, sự cạnh tranh đối với các thị trường lân cận, cho đến những hạn chế trong sản phẩm và dịch vụ du lịch của Vũng Tàu là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.

Một trong những nguyên nhân hàng đầu là vì Vũng Tàu có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, quãng đường di chuyển ngắn khiến nhu cầu ở lại của khách không cao. Khoảng cách di chuyển ngắn (khoảng 2 tiếng từ TP.HCM) biến Vũng Tàu trở thành điểm đến lý tưởng cho những chuyến đi trong ngày hoặc cuối tuần vội vã.

Đáng chú ý, những chuyến đi Vũng Tàu có lẽ sẽ càng vội vã hơn khi thời gian sắp tới, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi vào hoạt động, rút ngắn thời gian di chuyển TP.HCM - Vũng Tàu chỉ còn khoảng 70 phút.

 Gần 20 km cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ được thông xe kỹ thuật dịp 30/4. Ảnh: Quỳnh Danh.

Gần 20 km cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ được thông xe kỹ thuật dịp 30/4. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tranh thủ thời gian rảnh, Tân Đoàn (Đồng Nai) thường lái xe đưa gia đình đi biển đổi gió, trong đó có Vũng Tàu.

"Vũng Tàu sở hữu các bãi tắm công cộng sạch đẹp, tiện nghi, gia đình tôi chỉ đến chơi rồi về chứ ít khi ở lại, một phần vì nơi đây không có nhiều hoạt động vui chơi và để tiết kiệm chi", Tân chia sẻ.

Thay vào đó, gia đình Tân lại chọn Mũi Né để du lịch nghỉ dưỡng vì điểm đến này vẫn giữ được nét mộc mạc, yên tĩnh. Đến đây, cả gia đình còn có cơ hội tìm hiểu về văn hóa làng chài, thưởng thức hải sản tươi ngon với giá cả phải chăng.

Một yếu tố quan trọng khác khiến Vũng Tàu chưa thể giữ chân du khách lâu hơn là sự thiếu đa dạng trong các sản phẩm du lịch. Du khách đến Vũng Tàu thường chỉ "tắm biển, ăn hải sản rồi về", tạo thành thói quen khó thay đổi.

Du khách Bảo Ngân (ngụ TP.HCM) cho biết: "Tôi chỉ du lịch Vũng Tàu 1 ngày 1 đêm, đôi khi sáng đi chiều về. Các trải nghiệm chủ yếu là ăn uống, chụp ảnh check-in, cà phê... vì không còn gì mới mẻ để khám phá".

Chia sẻ về vấn đề trên, TS. Minh chỉ ra rằng Vũng Tàu có nhiều tiềm năng để phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, như nhà lớn Long Sơn, làng bè Như Ý,... Thay vì chỉ tập trung vào khai thác du lịch biển, Vũng Tàu cần "chuyển hóa nguồn lực" để khai thác thêm những hình thái du lịch khác, tạo ra trải nghiệm mới mẻ và sâu sắc hơn cho du khách.

 Đông nghịt khách tắm biển Vũng Tàu ngày 29//4/2024. Ảnh: Linh Huỳnh.

Đông nghịt khách tắm biển Vũng Tàu ngày 29//4/2024. Ảnh: Linh Huỳnh.

Vũng Tàu "hụt hơi"

Trong khi Vũng Tàu loay hoay giữ chân du khách, các điểm đến ven biển khác như Mũi Né, Phan Thiết hay Nha Trang lại tỏ ra vượt trội hơn trong việc thu hút khách lưu trú

Theo ông Dương Đức Minh, sự cạnh tranh một phần đến từ việc di chuyển thuận tiện nhờ các tuyến cao tốc. Năm 2023, các tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo và Cam Lâm - Nha Trang lần lượt đi vào hoạt động đã tạo nên cú hích cho ngành du lịch tỉnh Bình Thuận, làm tăng sức cạnh tranh của những điểm đến dọc theo tuyến đường kết nối.

"Khách đi biển muốn ở lại đêm thường chọn Phan Thiết, Mũi Né hoặc Nha Trang, Khánh Hòa. Cao tốc đã giúp việc di chuyển đến những điểm xa hơn trở nên thuận lợi", TS. Minh phân tích.

Bên cạnh đó, những điểm đến như Mũi Né, Phan Thiết đã phát triển thêm các hoạt động văn hóa, giữ chân du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn. Nổi bật như Fishermen Show: Huyền thoại làng chài, Bảo tàng nước mắm,... khiến du khách bị cuốn vào "ma trận liên hoàn" của chuỗi dịch vụ du lịch.

Du khách đến Vũng Tàu phần lớn chỉ để check-in, tắm biển, uống cà phê và thưởng thức hải sản. Ảnh: Linh Huỳnh.

Du khách đến Vũng Tàu phần lớn chỉ để check-in, tắm biển, uống cà phê và thưởng thức hải sản. Ảnh: Linh Huỳnh.

Nhiều du khách cũng chỉ ra những hạn chế của dịch vụ lưu trú ở Vũng Tàu. Bảo Ngân cho biết: "Khu vực Vũng Tàu có khá ít resort để lựa chọn, chất lượng dịch vụ không xứng đáng với số tiền bỏ ra. Tôi từng ở resort có giá 3 triệu đồng/đêm, nhưng resort chỉ có hồ bơi nhỏ, không có bãi biển riêng". Nữ du khách cho biết cô thích Mũi Né hơn vì nhiều resort đẹp, giá hợp lý, chỗ vui chơi và đồ ăn đa dạng hơn.

Theo ông Dương Đức Minh, phân khúc khách sạn cao cấp ở Vũng Tàu khá hạn chế, chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng phòng. Trong khi đó, các khách sạn 3 sao trở xuống chiếm đa số, chủ yếu phục vụ đối tượng khách bình dân. Resort cao cấp lại tập trung ở Hồ Tràm, Hồ Cốc (huyện Xuyên Mộc). Sự thiếu hụt lựa chọn lưu trú cao cấp tương xứng với giá tiền khiến Vũng Tàu khó cạnh tranh với các điểm đến khác.

 Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết góp phần tạo nên cú hích cho ngành du lịch tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Chí Hùng.

Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết góp phần tạo nên cú hích cho ngành du lịch tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Chí Hùng.

Tuy vậy, TS. Minh cho rằng tỷ lệ khách lưu trú thấp không hoàn toàn là một con số tiêu cực. Xét về mặt môi trường, việc khách không lưu trú dài ngày có thể giảm áp lực lên các nguồn tài nguyên như rác thải, nước, điện và hạ tầng.

Để cải thiện, Vũng Tàu có thể học hỏi kinh nghiệm từ các điểm đến tương tự, đặc biệt là Mũi Né. Địa phương không chỉ nên tập trung vào du lịch biển mà cần phát triển các hoạt động trải nghiệm gắn với giá trị địa phương để giữ chân du khách lâu hơn, từ đó nâng cao giá trị dịch vụ và sức hút của điểm đến.

Linh Huỳnh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nghich-ly-cua-vung-tau-post1542948.html