Lịch sử tỉnh Long An - điểm kết nối huyết mạch giữa Đông Nam Bộ-Tây Nam Bộ

Nằm ở vị trí cửa ngõ miền Tây, Long An là điểm kết nối huyết mạch giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, đồng thời có vai trò trong giao thương biên giới với Campuchia.

Toàn cảnh Khu công viên tượng đài Long An ở thành phố Tân An. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Toàn cảnh Khu công viên tượng đài Long An ở thành phố Tân An. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Long An là một tỉnh nằm ở cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long, mang vị trí địa-chính trị và địa-kinh tế quan trọng khi là cầu nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đồng thời giáp ranh với Campuchia qua vùng biên giới phía tây.

Nơi đây được biết đến với vẻ đẹp thanh bình của đồng lúa trải dài, những làng nghề truyền thống và truyền thống lịch sử đấu tranh kiên cường, là vùng đất ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Long An là thành phố Tân An.

Vị trí địa lý

Tỉnh Long An thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có tọa độ địa lý từ 105030' 30 đến 10647' 02kinh độ Đông và 10023'40 đến 11002' 00vĩ độ Bắc, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 45km theo Quốc lộ 1.

Tỉnh Long An phía bắc giáp Campuchia (ranh giới dài 137km) và tỉnh Tây Ninh (60km), phía nam giáp tỉnh Tiền Giang (64km), phía đông giáp Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (qua vùng biển Cần Giờ), phía tây giáp tỉnh Đồng Tháp (70km).

Tỉnh có diện tích 4.494km2, dân số trên 1,7 triệu người.

Long An giữ vai trò chiến lược trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, với đất đai phù sa màu mỡ, hệ thống sông ngòi phong phú và vị trí giáp Thành phố Hồ Chí Minh, là trung tâm giao thương, công nghiệp và nông nghiệp quan trọng.

Nằm ở vị trí cửa ngõ miền Tây, Long An là điểm kết nối huyết mạch giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, đồng thời có vai trò trong giao thương biên giới với Campuchia.

Tỉnh Long An có 15 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 13 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố; 186 đơn vị hành chính cấp xã gồm 160 xã, 11 phường và 15 thị trấn.

Lịch sử tỉnh Long An

Tên gọi Long An

Tên Long An được chiết tự và ghép thành từ tên của hai huyện Tân Long và Thuận An xưa, vốn là vùng đất căn bản của hai tỉnh Chợ Lớn và Tân An sau này hợp nhất thành tỉnh Long An với ước vọng về sự an lành và thịnh vượng.

Nhờ đất đai phù sa trù phú và vị trí chiến lược gần Sài Gòn, Long An từ một vùng đất hoang sơ đã phát triển thành nơi hội tụ của cộng đồng người Kinh, người Hoa và một số nhóm dân tộc thiểu số.

Khi đơn vị hành chính cấp tỉnh được thành lập, “Long An” được chọn làm tên gọi, thể hiện vị thế cửa ngõ của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Địa giới Long An qua các thời kỳ lịch sử

Các di chỉ khảo cổ học cho thấy ngay từ thời cổ đại, Long An đã là địa bàn quan trọng của vương quốc Phù Nam-Chân Lạp. Khi Nguyễn Hữu Cảnh vào khai phá miền Nam, đất Long An thuộc phủ Gia Định.

Thời Minh Mạng, đất Long An thuộc tỉnh Gia Định và một phần tỉnh Định Tường.

Đầu thời Pháp thuộc, Nam Kỳ được chia thành 21 tỉnh, đất Long An nằm trong địa bàn 2 tỉnh Tân An và Chợ Lớn.

Ngày 22/10/1956, chính quyền Sài Gòn lập tỉnh Long An trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Chợ Lớn và Tân An. Tỉnh lỵ đặt tại Tân An, về mặt hành chánh thuộc xã Bình Lập, quận Châu Thành.

Ngày 24/4/1957, tỉnh Long An bao gồm 7 quận: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Thủ Thừa, Tân Trụ.

Vào ngày 3/10/1957, quận Châu Thành được đổi tên thành quận Bình Phước.

Tiếp đó, vào ngày 3/3/1959, một quận mới là quận Đức Huệ được thành lập, bao gồm 3 xã.

Đến ngày 7/2/1963, quận Cần Đước đổi tên thành quận Cần Đức, và quận Cần Giuộc đổi thành quận Thanh Đức.

Ngày 15/10/1963, hai quận Đức Hòa và Đức Huệ được tách ra và nhập vào tỉnh Hậu Nghĩa.

Đến ngày 17/11/1965, quận Cần Đức được đổi tên lại thành quận Cần Đước, và quận Thanh Đức trở lại tên cũ là quận Cần Giuộc.

Vào ngày 7/1/1967, quận Rạch Kiến được thành lập mới, bao gồm 9 xã.

Sau năm 1975, quận Bình Phước đổi về tên cũ là Châu Thành, quận Rạch Kiến giải thể.

 Thành phố Tân An bên dòng kênh Bảo Định và ven sông Vàm Cỏ Tây. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thành phố Tân An bên dòng kênh Bảo Định và ven sông Vàm Cỏ Tây. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Năm 1976, tỉnh Long An hợp nhất với tỉnh Kiến Tường và 2 quận Đức Hòa, Đức Huệ của tỉnh Hậu Nghĩa thành tỉnh Long An mới. Toàn bộ đất của tỉnh Kiến Tường cũ trở thành huyện Mộc Hóa của tỉnh Long An. Cùng năm, xã Bình Lập, huyện Châu Thành được tách ra để thành lập thị xã Tân An - thị xã tỉnh lỵ tỉnh Long An. Tỉnh Long An bao gồm gồm thị xã Tân An và 9 huyện: Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Đức Hòa, Đức Huệ, Mộc Hóa, Tân Trụ, Thủ Thừa.

Ngày 11/3/1977, hợp nhất 2 huyện Thủ Thừa và Bến Lức thành huyện Bến Thủ, hợp nhất 2 huyện Tân Trụ và Châu Thành thành huyện Tân Châu.

Ngày 30/3/1978, chia huyện Mộc Hóa thành hai huyện: Mộc Hóa và Vĩnh Hưng.

Ngày 19/9/1980, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 298-CP, chia huyện Mộc Hóa thành 2 huyện: Mộc Hóa và Tân Thạnh, đổi tên huyện Tân Châu thành huyện Vàm Cỏ.

Ngày 14/1/1983, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 05-HĐBT, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Long An như sau: Chia huyện Bến Thủ thành 2 huyện: Bến Lức và Thủ Thừa; Mở rộng thị xã Tân An trên cơ sở nhập 3 xã của huyện Vàm Cỏ và 3 xã của huyện Bến Thủ, với tổng điện tích tự nhiên 7.794ha.

Ngày 4/4/1989, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 36/HĐBT, chia huyện Vàm Cỏ thành 2 huyện: Châu Thành và Tân Trụ.

Ngày 26/6/1989, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 74/HĐBT, thành lập huyện Thạnh Hóa từ một phần các huyện Mộc Hóa và Tân Thạnh.

Ngày 24/3/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 27-CP, chia huyện Vĩnh Hưng thành 2 huyện: Vĩnh Hưng và Tân Hưng.

Ngày 24/8/2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP, thành lập thành phố Tân An trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Tân An.

Ngày 18/3/2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP, thành lập thị xã Kiến Tường trên cơ sở điều chỉnh 20.428,20ha diện tích tự nhiên và 64.589 nhân khẩu của huyện Mộc Hóa.

Ngày 5/9/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1140/QĐ-TTg công nhận thành phố Tân An là đô thị loại II.

Ngày 25/8/2023, Bộ Xây dựng ra quyết định số 879/QĐ-BXD về việc công nhận thị xã Kiến Tường đạt tiêu chí đô thị loại III thuộc tỉnh Long An.

Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết định hợp nhất tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An, lấy tên là tỉnh Tây Ninh, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại tỉnh Long An.

 Một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng Long An - trèo xuồng ngắm cảnh miền sông nước. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng Long An - trèo xuồng ngắm cảnh miền sông nước. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Những điểm chung về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh và thành phố, trải dài từ Long An đến Cà Mau, với diện tích tự nhiên khoảng 40.548 km2, chiếm 12,25% diện tích cả nước.

Vùng này nằm ở hạ lưu sông Mekong, phía bắc giáp Campuchia, phía đông và nam giáp biển Đông, phía tây giáp vịnh Thái Lan.

Long An, với biên giới dài 137km giáp Campuchia, là tỉnh cửa ngõ quan trọng kết nối Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, đồng thời có vai trò trong phát triển kinh tế biên giới.

Với đặc điểm đất phù sa ngọt màu mỡ và hệ thống sông ngòi dày đặc, đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất Việt Nam, đồng thời nổi tiếng với các loại cây ăn trái. Đây cũng là khu vực giàu tiềm năng thủy sản và du lịch sinh thái./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/lich-su-tinh-long-an-diem-ket-noi-huyet-mach-giua-dong-nam-bo-tay-nam-bo-post1021590.vnp