Syganak: Thành phố cổ của Kazakhstan 'hồi sinh' trong lòng Trung Á

Nằm giữa vùng thảo nguyên rộng lớn ở miền Nam Kazakhstan, thành phố cổ Syganak không chỉ là một di tích khảo cổ quan trọng mà còn là minh chứng sống động cho sự giao thoa văn hóa, kinh tế và chính trị của khu vực các quốc gia Trung Á qua hàng thiên niên kỷ.

Thành phố cổ Syganak ở miền Nam Kazakhstan từng là thủ đô thịnh vượng ở Trung Á. (Nguồn: The Astana Times)

Thành phố cổ Syganak ở miền Nam Kazakhstan từng là thủ đô thịnh vượng ở Trung Á. (Nguồn: The Astana Times)

Với bề dày lịch sử, giá trị văn hóa và vị trí chiến lược, Syganak đang được đề xuất trở thành một phần của Di sản thế giới trong khuôn khổ đề cử xuyên quốc gia "Con đường tơ lụa: Hành lang Fergana–Syrdarya" do UNESCO khởi xướng.

Điểm giao thoa của các nền văn minh

Theo bài viết trên kênh tin tức Astana Times, Syganak từng là một thủ đô phồn thịnh và thành trì chiến lược trong khu vực Trung Á. Tọa lạc ở tỉnh Kyzylorda ngày nay, gần dòng sông Syr Darya, thành phố cách làng Sunak Ata (huyện Zhanakorgan) khoảng 15 km. Với diện tích gần 20 hecta, Syganak từng là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa, đóng vai trò như một "ngã tư" trên bản đồ các tuyến thương mại cổ xưa nối liền Đông – Tây.

Thành phố lần đầu xuất hiện trong sử sách vào thế kỷ X-XI, được biết đến như một khu định cư của người Oguz. Sang thế kỷ XII, Syganak trở thành thủ đô của nhà nước Kipchak – một cường quốc du mục có ảnh hưởng sâu rộng trong vùng. Tuy nhiên, bước ngoặt lịch sử đã đến vào năm 1220, khi thành phố phải đối mặt với cuộc xâm lược của quân Mông Cổ do Jochi, con trai Thành Cát Tư Hãn, chỉ huy. Theo sử gia Iran Ala ad-Din Ata-Malik Juvayni, Syganak đã bị bao vây trong bảy ngày, sau đó bị san phẳng, dân cư bị hành quyết – đánh dấu một giai đoạn bi thương nhưng cũng phản ánh vị thế trọng yếu của nơi này trong con mắt các thế lực đế quốc.

Không bị khuất phục bởi chiến tranh, Syganak từng bước hồi sinh trong thế kỷ XIII, trở thành thủ đô của Ak Orda (Bạch Trướng). Từ đống tro tàn, thành phố nhanh chóng lấy lại vai trò là trung tâm hành chính và kinh tế. Đặc biệt, việc phát hiện một xưởng đúc tiền hoạt động từ năm 1328 cho thấy Syganak đã khôi phục hoạt động tài chính mạnh mẽ và phát triển trở lại.

Trong các thế kỷ XIV–XV, Syganak tiếp tục là điểm nóng trong các cuộc tranh giành quyền lực giữa các lực lượng như Timur, người Uzbek và các nhóm Kazakh đang nổi lên. Năm 1423, Ulugh Beg – cháu nội Timur – từng nắm quyền kiểm soát nơi đây trước khi bị Barak Khan đánh bại. Sau đó, thành phố thuộc quyền kiểm soát của Abu’l-Khayr Khan – người sáng lập Hãn quốc Uzbek.

Bước sang thế kỷ XVI, Syganak được sáp nhập vào lãnh thổ Kazakh và tiếp tục giữ vai trò trung tâm đô thị đến thế kỷ XVIII. Các ghi chép thời kỳ này cho thấy vùng đất Syganak trù phú, nổi bật với hoạt động buôn bán ngũ cốc, hàng dệt may và vũ khí. Vị trí địa lý gần sông lớn và mạng lưới kênh đào phát triển cũng khiến nơi đây trở thành điểm trung chuyển quan trọng trong các tuyến thương mại xuyên lục địa.

Syganak là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Kazakhstan. (Nguồn: The Astana Times)

Syganak là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Kazakhstan. (Nguồn: The Astana Times)

Giá trị khảo cổ và di sản

Các cuộc khai quật quy mô lớn tại Syganak bắt đầu từ đầu những năm 2000, trong khuôn khổ chương trình Di sản văn hóa của Kazakhstan – kế thừa từ các nghiên cứu ban đầu thời Liên Xô. Các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều tàn tích quan trọng như nhà thờ Hồi giáo, trường học Hồi giáo (madrasas), công sự, tháp canh, cùng các hiện vật như đồ gốm, đèn dầu, công cụ kim loại và đá trang trí.

Nổi bật trong đó là hệ thống tường thành kiên cố từng cao đến 7 mét, trải rộng khoảng 7,2 ha với các cụm kiến trúc phòng thủ thể hiện kỹ thuật xây dựng vượt thời. Một số hiện vật được xác định có niên đại từ thế kỷ V đến thế kỷ VIII – cho thấy dấu vết cư trú sớm hơn nhiều so với các tài liệu lịch sử trước đây.

Các hiện vật này hiện được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử địa phương tỉnh Kyzylorda, đồng thời là nguồn tư liệu quý giá phục vụ cho các sáng kiến bảo tồn và quảng bá văn hóa quốc gia.

Syganak là một trong các địa danh then chốt trong đề cử xuyên quốc gia “Con đường tơ lụa: Hành lang Fergana–Syrdarya” – một phần mở rộng của mạng lưới Di sản thế giới về Con đường tơ lụa. Được bổ sung vào danh sách đề cử của UNESCO năm 2021, hành lang này trải dài qua Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Uzbekistan, đại diện cho dòng chảy lịch sử, tôn giáo và thương mại từng định hình văn minh Á – Âu trong suốt hơn một thiên niên kỷ.

Hiện Kazakhstan có sáu di sản đã được UNESCO công nhận, trong đó có Lăng mộ Khoja Ahmed Yasawi, Tranh khắc đá Tamgaly, thảo nguyên và hồ Saryarka ở phía Bắc, dãy núi Tây Thiên Sơn, vùng sa mạc lạnh giá Turan và phần hành lang Trường An–Thiên Sơn của Con đường tơ lụa. Việc Syganak được đề xuất ghi danh tiếp tục khẳng định nỗ lực của Kazakhstan trong việc bảo tồn di sản văn hóa và chia sẻ giá trị chung của nhân loại.

Dưới lớp bụi thời gian, Syganak vẫn hiện diện như một minh chứng cho sức sống của một nền văn minh từng rực rỡ nơi thảo nguyên Trung Á. Syganak còn là biểu tượng của sự phục sinh, hội nhập và khả năng kết nối xuyên biên giới – đúng với tinh thần của Con đường tơ lụa cổ đại.

Trong bối cảnh các giá trị lịch sử, văn hóa đang ngày càng được coi trọng như tài sản mềm của mỗi quốc gia, việc khôi phục, gìn giữ và quảng bá Syganak không chỉ có ý nghĩa với Kazakhstan mà còn với cộng đồng quốc tế. Di sản, nếu được UNESCO ghi nhận, sẽ trở thành nguồn cảm hứng lớn cho các thế hệ sau về sự trường tồn của văn minh – dù từng bị hủy diệt, vẫn có thể hồi sinh từ lòng đất.

Hồng Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/syganak-thanh-pho-co-cua-kazakhstan-hoi-sinh-trong-long-trung-a-313606.html