Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 7)

Trân trọng giới thiệu sách 'Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007)' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 7.

Vào cuối thế kỷ XIII, Vương triều Trần đã hết sức sống và bước vào cuộc khủng hoảng. Nguyên nhân khủng hoảng cũng giống như Vương triều Lý. Các vua con, vua cháu, quan con, quan cháu sau một thời gian đất nước hòa bình liền lao vào con đường ăn chơi sa đọa, ra sức cướp đoạt ruộng đất của nông dân, bóc lột họ một cách tàn khốc, không chăm lo phát trển kinh tế dẫn đến mất mùa đói khát. Nông dân bị đẩy đến bước đường cùng liên tục nổi dậy chống lại triều đình. Phía Nam, vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga nhiều lần tấn công Đại Việt, có lần uy hiếp cả kinh thành Thăng Long. Lại thêm nhà Trần nhiều lần gây xung đột với Ai Lao. Tất cả làm cho nền thống trị nhà Trần lung lay tận gốc, đứng bên miệng hố diệt vong. Quyền lực nhà nước tập trung vào tay Hồ Quí Ly. Năm 1397, Hồ Quí Ly buộc vua Trần Thuận Tông dời về thành An Tôn (Vĩnh Lộc-Thanh Hóa). Ngày 28 tháng 2 năm 1400 Hồ Quí Ly phế bỏ nhà Trần, lập ra Vương triều mới: triều Hồ.

Kinh thành Thăng Long xưa. Nguồn: Internet

Kinh thành Thăng Long xưa. Nguồn: Internet

Vương triều Trần do Trần Thủ Độ sáng lập tồn tại được 175 năm, qua 12 đời vua. Vua đầu là Trần Thái Tông(1225-1258) -33 năm .

Trần Thánh Tông (1258-1278 )-20 năm .

Trần Nhân Tông (1279-1293 )-14 năm .

Trần Anh Tông (1293-1314 )-21 năm .

Trần Minh Tông (1314-1329 )-15 năm .

Trần Hiến Tông (1329-1341 )-12 năm

Trần Dụ Tông (1341-1369 )-28 năm .

Trần Nghệ Tông (1370-1372-2 năm .

Trần Duệ Tông (1372-1377 ) –5 năm

Trần Phế Đế (1377-1388 )-11 năm .

Trần Thuận Tông (1388-1398 )-10 năm .

Trần Thiếu Đế (1398-1400 )-2 năm .

Hồ Quí Ly lên ngôi dời đô về Tây Đô (Thanh Hóa), đổi quốc hiệu từ Đại Việt thành Đại Ngu, Thăng Long được gọi là Đông Đô. Hồ Quí Ly đã tiến hành một loạt cải cách chính trị, kinh tế, văn hóa , quân sự mong cứu vãn sự khủng hoảng của chế độ đại điền trang thái ấp. Hồ Quí Ly thi hành chính sách hạn điền, hạn nô nhằm hạn chế việc cướp đoạt ruộng đất của quí tộc đối với nông dân, hạn chế việc biến nông dân thành nô tì. Nhà nước phát hành tiền giấy thay cho tiền đồng, chấn chỉnh việc học hành thi cử, dùng chữ nôm thay cho chữ Hán. Cải cách của Hồ Quí Ly là mạnh dạn, tích cực nhưng không đáp ứng được mong muốn của nhân dân. Cải cách chỉ đem lại quyền lợi cho họ Hồ. Tiền giấy ra đời không do nhu cầu phát triển kinh tế mà chỉ nhằm tăng ngân quĩ cho nhà nước, thu đồng về đúc súng đạn, ruộng đất, nô tì cuối cùng lại lọt vào tay họ Hồ. Về quân sự nhà Hồ chỉ chăm lo xây dựng thành quách, quân số quân đội đông đúc mà không chú ý dựa vào nhân dân để bảo vệ tổ quốc. Nhân dân không được lợi ích gì trong cải cách của Hồ Quí Ly. Cải cách bị quí tộc nhà Trần chống lại vì đụng chạm đến quyền lợi cố hưữ của chúng. Cải cách của Hồ Quí Ly thất bại và nhà Hồ bị cô lập giữa các thế lực giai tầng trong xã hội.

Trước khi nhà Hồ nắm quyền 32 năm, năm 1368 ở Trung Quốc đã thay đổi triều đại: Chu Nguyên Chương, một lãnh tụ kiệt xuất của phong trào nông dân đã lật đổ nhà Nguyên, lập ra nhà Minh. Nhà Minh thực hiện mưu đồ xâm lược nước ta, huy động 20 vạn quân tinh nhuệ, 60 vạn dân phu phục vụ với những tướng lĩnh dày dạn kinh nghiệm chiến đấu do Trương Phụ làm chủ soái. Ngày 19 tháng 11 năm 1406, quân Minh tràn vào nước ta. Ngày 20 tháng 1 năm 1407 thành Đa Bang dài 700 dặm (400km) ở bờ Bắc sông Cầu mà nhà Hồ dầy công xây dựng bị quân Minh phá vỡ. Ngày 22 tháng 1 năm 1407 giặc chiếm Thăng Long. Quân đội nhà Hồ thua to phải rút về Thanh Hóa. Trong một trận đánh quyết định trên bờ sông Liễu Giang (Kim Sơn-Vĩnh Lộc-Thanh Hóa) để bảo vệ Tây đô, quân ta đại bại và tan vỡ. Triều đình rút chạy về phía nam nhưng bị giặc bắt ở Thiên Cầm, Hà Tĩnh, trong đó có Thái Thượng Hoàng Hồ Quí Ly, vua Hồ Hán Thương, Tướng quốc Hồ Nguyên Trừng, các đại thần trong đó có cha con Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn phi Hùng.

Nhà Hồ do Hồ Quí Ly sáng lập tồn tại được bảy năm qua 2 đời vua; Hồ Quí Ly (1400) và Hồ Hán Thương (1401-1407).

Nguyên nhân thất bại của nhà Hồ nằm trong sự khủng hoảng tạm thời của chế độ phong kiến Việt Nam, ở chính sách cải cách thất bại không được lòng dân. Khi chiến tranh bùng nổ, nhà Hồ không phát động được cuộc chiến tranh nhân dân, không rút lui chiến lược để bảo toàn lực lượng, thực hiện kháng chiến lâu dài để chuyển biến đối sánh lực lượng có lợi cho ta, sau đó phản công chiến lược tiêu diệt địch, đè bẹp ý chí xâm lược của chúng, kết thúc chiến tranh thắng lợi. Nhà Hồ ngay từ đầu đã đưa toàn bộ quân đội lên chống giặc, tạo cho quân Minh phát huy được thế mạnh ban đầu của chúng, phá tan phòng tuyến, tiêu diệt chủ lực ta, bắt sống triều đình, nhanh chóng kết thúc chiến tranh xâm lược.

Thất bại của triều Hồ đẩy dân tộc ta vào thảm họa. Sau gần 500 năm độc lập, nước ta lại bị biến thành quận, huyện của Trung Quốc. Tháng 4 năm 1407, nhà Minh đổi Đại Ngu thành quận Giao Chỉ, thiết lập bộ máy cai trị phong kiến quân sự hà khắc. Trên cơ sở bộ máy bạo lực to lớn hung bạo, giặc Minh đàn áp, bóc lột, đồng hóa nhân dân ta một cách tàn bạo. Chúng cấm nhân dân ta không dược tích lũy, sản xuất vũ khí, mở các cuộc càn quét khủng bố giết chóc dã man bằng cách mổ bụng, thiêu sống, rán thịt người lấy mỡ. Chúng cướp bóc, vơ vét của cải, đánh nhiều thứ thuế vào mọi hạng người và vào mọi nghề nghiệp. Thuế ruộng tăng gấp 3 lần so với thời Hồ. Chúng nắm độc quyền mua bán muối, sắt để chi phối đời sống nhân dân ta. Phu phen tạp dịch nặng nề. Dân đinh từ 16 đến 60 tuổi phải đi lao dịch, cứ 2 suất đinh chúng bắt một suất lính. Thâm độc và bao trùm nhất là chính sách đồng hóa văn hóa dân tộc. Giặc Minh ra sức cướp và thủ tiêu tất cả sách vở, bia đá, di cảo của dân tộc ta. Chúng buộc nhân dân ta phải theo phong tục tập quán Trung Quốc như ăn mặc, trang sức . Chính sách áp bức bóc lột đồng hóa của nhà Minh đã đẩy dân tộc ta vào cuộc thử thách hiểm nghèo, đứng trước sự diệt vong.

Nhưng với truyền thống kiên cường quật khởi bất khuất, ý chí độc lập mạnh mẽ, nhân dân ta không khuất phục, đã liên tục đứng dậy đấu tranh giải phóng dân tộc. Khởi nghĩa Trần Ngỗi (1407-1409), khởi nghĩa Trần Quí Khoáng (1409-1413) ở Thanh Hóa, khởi nghĩa của nhà sư Phạm Ngọc (1419-1420) ở Hải Phòng, Lê Ngã (1419-1420) ở Quảng Ninh lan ra khắp miền Đông bắc.

Những cuộc khởi nghĩa đó bị đàn áp thất bại nhưng đã giáng những đòn mạnh mẽ vào nền thống trị của quân Minh, tạo tiền đề cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo bùng nổ năm 1418 và thắng lợi năm 1427, khôi phục lại nền độc lập đất nước và lập ra nhà Hậu Lê (1428-1789).

Nhà Hậu Lê do Lê Lợi (quê ở Lam Sơn , Thọ Xuân, Thanh Hóa ) sáng lập sau kết quả cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi. Năm 1428 Lê Lợi lên ngôi vua xưng là Lê Thái Tổ, quốc hiệu Đại Việt, định đô ở Thăng Long. Nhà Hậu Lê dựa trên nền kinh tế địa chủ tá điền và cơ sở xã hội là giai cấp địa chủ phong kiến mới: quí tộc và địa chủ. Bản thân Lê Lợi cũng xuất thân từ một địa chủ ở Lam Sơn. Chế độ tư hữu ruộng đất phát triển mạnh mẽ, kinh tế điền trang thái ấp hoàn toàn tan rã. Hình thức kinh tế mới, tầng lớp địa chủ mới đã mang lại một sức sống mới, khắc phục được tình trạng khủng hoảng tạm thời của chế độ phong kiến khi kinh tế điền trang thái ấp tan rã. Nhà Hậu Lê ra sức xây dựng một chế độ phong kiến tập quyền chuyên chế cao độ, hoàn bị về mọi mặt. Các vị vua thời Hậu Lê là người có quyền vô thượng và tuyệt đối. Dưới vua, trong triều đình chia làm hai ban văn võ: Đại tư đồ, Đại tư không, Đại tư mã, Thái bảo, Thái phó, Thái úy, Thiếu bảo, Thiếu phó, Thiếu úy. Các chức vụ này do hoàng thân quốc thích nắm giữ. Còn lập thêm Chính sự viện bao gồm các quan văn võ trông coi các công việc trọng yếu.

Ban văn có Đại hành khiển và ngũ Đại hành khiển đứng đầu, có các bộ do các Thượng thư đứng đầu. Dưới bộ lập thêm 6 khoa: lại, lễ , binh, hình, công, hộ có nhiệm vụ giám sát 6 bộ, còn có 6 tự:Thương bảo tự, Quang lộc tự, Hồng lô tự, Thái thường tự, Thái bộc tự, Đại lý tự.

Ban võ có Ngự tiền lục quân, Thiết đội ngũ quân, Ngũ đạo chư vệ quân. Còn có Đại tổng quản, Đại đô đốc, Đô tổng quản. Lại lập các chức quan chuyên trách như Nội mật viện, Hàn lâm viện, Ngũ hình viện, Ngự sử Đài (xét xử án và kiểm soát quan lại). Quốc tử giám trông coi giáo dục, Quốc sử viện biên soạn lịch sử, Tư thiên giám trông coi thiên văn lịch pháp. Nhà Hậu Lê không đặt chức Tể tướng để tập trung quyền lực vào tay vua.

Toàn bộ các cơ quan và quan lại đặt dưới sự điều hành của nhà vua. Vua là Thiên tử (con trời). Vua không chỉ cai trị thần dân mà còn thưởng phạt cả thần thánh. Dưới triều Hậu Lê xu hướng chuyên chế độc đoán ngày càng phát triển.

Ở địa phương quyền lực các quan bị hạn chế. Đời Lê Thánh Tông (1460-1497), cả nước chia thành 13 đạo, mỗi đạo do 3 ti phụ trách: Ti thừa trông coi hành chính, tài chính và tư pháp, Ti đô coi việc quân, Ti hiến dám sát công việc trong đạo. Sự phân chia như vậy nhằm làm giảm quyền lực địa phương, tăng quyền lực cho Trung ương. Cũng như triều Trần, nhà Lê tăng cường chính quyền cấp xã. Số quan lại nhà Lê tăng lên nhanh chóng. Năm 1471 quan lại có phẩm tước là 5.370 người, trong đó có 2.755 quan lại triều đình, 2.615 quan lại địa phương. Quí tộc tôn thất được ưu đãi, lương bổng cao nhưng muốn tham gia chính sự phải có tài năng. Quan lại nhà Lê được tuyển bằng khoa cử. Chế độ tuyển dụng và bổ nhiệm được xây dựng bằng qui chế chính qui chặt chẽ. Quan lại được cấp đất, một số tiền và thu thuế một số hộ làm lương bổng. Nhà Lê ra sức mở rộng ảnh hưởng của triều đình đến các dân tộc thiểu số miền núi, tranh thủ các tù trưởng, cho họ nhiều quyền hành rộng lớn, cai quản theo phong tục, tập quán địa phương. Triều đình kiên quyết trấn áp các tù trưởng phản loạn, cát cứ. Năm 1469 hoàn thành vẽ bản đồ cả nước: bản đồ Hồng Đức, xác định chặt chẽ lãnh thổ biên giới quốc gia. Nhà Lê xây dựng một quân đội hùng mạnh bao gồm hai thứ quân:quân thường trực và quân dự bị. Các vương hầu không được xây dựng lực lượng vũ trang riêng. Nhà Lê thi hành chính sách “Ngụ binh ư nông” để bảo đảm quốc phòng và sản xuất. Quân đội nhà Lê do đó hùng mạnh, tổ chức chặt chẽ, kĩ chiến thuật chiến đấu cao. Thời Lê Thái Tổ (tại vị 1428-1433) có 10 vạn quân thường trực, thời Lê Thánh Tông có (tại vị 1460-1497) có 16 vạn . Hoạt động lập pháp thời Hậu Lê được tăng cường. Năm 1483 nhà Lê ban hành bộ luật Hồng Đức gồm 6 quyển, 16 chương, 721 điều bao gồm luật dân sự , luật hình sự và tố tụng hình sự. Luật Hồng Đức (Lê triều hình luật) là bước phát triển mới của lịch sử pháp quyền Việt Nam. Nho giáo dưới thời Lê trở thành tư tưởng chính thống của nhà nước và giữ địa vị chủ yếu, chi phối mạnh mẽ đời sống xã hội tinh thần.

Tất cả những chính sách của nhà Hậu Lê, đặc biệt dưới thời Lê Sơ (1428-1527) đã đưa chế độ phong kiến phát triển toàn diện và cực thịnh vào thế kỷ XV, Đại Việt trở thành quốc gia hùng cường ở Đông Nam Á. Nhà Lê kiên quyết bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền quốc gia dân tộc.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao văn Liên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/lich-su-viet-nam-tu-tien-su-den-nam-2007-ky-7-a17146.html