Lịch tre - 'Báu vật' thời gian của người Mường
Trong hệ thống tri thức bản địa của các dân tộc thiểu số Việt Nam, bộ lịch tre của người Mường nổi bật như một hình thức ghi chép và quản lý thời gian mang đậm tính biểu tượng và thực tiễn. Đây không chỉ là công cụ để xác định chu kỳ canh tác, tổ chức lễ hội, hay đo lường thời tiết theo mùa, mà còn là một biểu hiện sâu sắc của thế giới quan, nhân sinh quan và mối quan hệ giữa con người với tự nhiên trong văn hóa Mường. Đây cũng chính là một 'cuốn sách' không lời nhưng chứa đựng cả hồn cốt văn hóa của người dân tộc Mường từ bao đời nay.

Bộ lịch tre được “phóng to” để giới thiệu tới du khách tham quan tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội). Ảnh: Thủy Lê
Sự ra đời của bộ lịch tre
Dân tộc Mường là một trong những cộng đồng dân tộc thiểu số lớn ở Việt Nam, cư trú chủ yếu tại vùng trung du và miền núi phía Bắc, tập trung đông nhất ở các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ và Sơn La. Với dân số đứng thứ 3 trong số 54 dân tộc Việt Nam, người Mường có nền văn hóa lâu đời và phong phú, được thể hiện rõ nét qua ngôn ngữ, phong tục tập quán, kiến trúc nhà sàn, nghệ thuật diễn xướng và kho tàng văn học dân gian, tiêu biểu là sử thi Mo Mường...
Nền kinh tế truyền thống của người Mường gắn bó chặt chẽ với canh tác nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa nước, kết hợp với chăn nuôi, đan lát và săn bắt. Trong môi trường sống nơi khí hậu, thời tiết và chu kỳ mùa vụ có ảnh hưởng sâu sắc đến việc canh tác lúa nước và hoạt động lao động, nên người Mường đã phát triển một hệ thống lịch riêng để ghi nhận và tiên đoán các hiện tượng tự nhiên, từ đó, định hướng hoạt động sản xuất cũng như các nghi lễ tâm linh. Người Mường có nhiều loại lịch khác nhau để tính ngày tháng, mùa vụ, thời tiết tốt xấu như: lịch Đá rò (lịch Rùa), lịch cơm mới, lịch Khao roi (có nơi gọi là Khao đoi), lịch Con rác (lịch Con nước)... Mỗi bộ lịch căn cứ vào hiện tượng tự nhiên mà hình thành cách tính. Ví dụ như lịch Khao roi thì dựa vào sự dịch chuyển của sao Roi (sao Tua Rua/sao Khuê) trong tháng để tính toán, còn lịch Đá rò căn cứ vào mùa và thời tiết, hay như lịch Con rác thì dựa vào con nước lên xuống theo các tháng trong năm...
Trong số đó, lịch Khao roi được khắc trên các thanh tre (chính vì vậy, người ta gọi là bộ lịch tre) được xem là quý giá nhất. Lịch tre không chỉ là một di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, mà còn là một minh chứng sống động cho khả năng lưu giữ và truyền tải tri thức qua nhiều thế hệ bằng phương thức phi văn tự. Đây cũng là một biểu tượng tiêu biểu cho khả năng thích ứng và sáng tạo của người Mường trong quá trình sinh tồn và phát triển.
Theo truyền thống dân gian, bộ lịch tre được hình thành bởi các già làng, thầy mo, hoặc những người có tri thức sâu sắc về thiên nhiên, kinh nghiệm sống và được truyền lại qua nhiều thế hệ bằng cả hình thức vật thể (ống tre khắc ký hiệu) và phi vật thể (ghi nhớ, truyền khẩu). Để làm được bộ lịch tre, người ta thường dùng ống tre già, chẻ đôi, sau đó khắc trên mặt nguyên vẹn, với các dấu khắc, chủ yếu là những nét vạch, chấm, hình tròn hay các biểu tượng hình học khác được sắp xếp theo hàng lối nhất định, tương ứng với từng ngày, tuần trăng hoặc tiết khí. Mỗi ký hiệu mang ý nghĩa riêng biệt: ngày lành, ngày dữ, ngày tổ chức lễ hội, ngày cúng tổ tiên, thời điểm gieo trồng, thu hoạch... Điều đáng chú ý là những ký hiệu này không chỉ mang tính quy ước, mà còn phản ánh mối quan hệ kinh nghiệm giữa con người và môi trường tự nhiên qua quá trình quan sát lâu dài.
Việc sử dụng bộ lịch tre không mang tính cá nhân mà gắn chặt với sinh hoạt cộng đồng, cho thấy vai trò của nó không chỉ là công cụ đo lường thời gian, mà còn là thiết chế văn hóa - xã hội, góp phần duy trì tính cố kết, thống nhất và bản sắc riêng biệt của người Mường qua nhiều thế hệ.
“Báu vật” của người Mường
Bên bếp lửa bập bùng, ông Trương Khắc Ấu, năm nay đã hơn 80 tuổi, là một trong những già làng của đồng bào Mường ở xứ Thanh cho chúng tôi biết, đồng bào Mường ở tỉnh Thanh Hóa sống tập trung chủ yếu ở vùng miền núi phía Tây, láng giềng của họ là bà con dân tộc Thái, Dao, Mông, Tày, Nùng... Ở Thanh Hóa, hình thành các mường lớn và có nguồn gốc lâu đời là Mường Khô, Mường Ai, Mường Ống ở huyện miền núi Bá Thước; Mường Phẩm, Mường Trám ở huyện Cẩm Thủy; Mường Rặc, Mường Mèn ở huyện Ngọc Lặc... Các dòng họ chủ yếu là Cao, Trương, Quách, Bùi, Đinh...; các dòng họ chia nhau cai quản các vùng. Đứng đầu mỗi mường có các lang cun, dưới là các lang xóm hoặc đạo xóm. Giữa đại ngàn núi rừng Tây Bắc, nơi tiếng suối róc rách hòa quyện cùng nhịp chiêng cồng vang vọng núi rừng, người Mường vẫn lặng lẽ gìn giữ một báu vật tưởng chừng mộc mạc mà thấm đẫm tri thức, đó chính là bộ lịch tre. Không phải là những cuốn lịch hiện đại in màu rực rỡ, lịch tre của người Mường được khắc thủ công trên những ống tre già, ghi dấu thời gian bằng ký hiệu dân gian và ký ức tổ tiên.

Bộ lịch tre của người Mường. Ảnh: Thủy Lê
“Lịch tre được coi là báu vật của người Mường, vì nó hội tụ ba giá trị cơ bản: tri thức, văn hóa và tâm linh. Về mặt tri thức, nó là kho dữ liệu sống động về khí hậu, mùa màng và kinh nghiệm tổ chức cuộc sống. Về mặt văn hóa, nó phản ánh cách tư duy biểu tượng, lối sống và tổ chức xã hội của người Mường. Về mặt tâm linh, lịch tre là biểu hiện của sự kết nối giữa con người với vũ trụ và tổ tiên, là “la bàn” chỉ dẫn để sống hài hòa với trời đất. Trong bối cảnh hiện đại, khi các giá trị truyền thống đang bị mai một, lịch tre càng trở nên quý giá, bởi không chỉ là di sản vật chất mà còn là biểu tượng của bản sắc, ký ức và tinh thần độc lập của một dân tộc” - ông Ấu cho biết thêm.
Trong thực tiễn đời sống, lịch tre đóng vai trò như một “cẩm nang thời gian” không thể thiếu của người Mường. Trước mỗi mùa vụ, người đứng đầu cộng đồng, thường là thầy mo hoặc trưởng bản sẽ tra lịch tre để xác định ngày thích hợp cho các hoạt động trọng đại như phát rẫy, gieo mạ, xuống giống hay làm lễ cầu mưa. Lịch cũng là căn cứ để tổ chức các nghi lễ vòng đời (cưới xin, tang ma), lễ hội truyền thống (như Lễ hội Khai hạ, cầu mùa) và chọn ngày tốt cho dựng nhà, đi xa, làm ăn lớn. Ở một số nơi, lịch tre còn được dùng để dạy cho lớp trẻ cách tính thời gian và hiểu biết về phong tục, như một hình thức giáo dục văn hóa truyền thống.
Lịch tre của người Mường là minh chứng tiêu biểu cho sự phong phú và chiều sâu của tri thức bản địa Việt Nam. Từ một công cụ tính thời gian đơn sơ, lịch tre đã trở thành biểu tượng văn hóa, nơi kết tinh tri thức, tín ngưỡng và bản sắc dân tộc. Việc bảo tồn và nghiên cứu lịch tre không chỉ góp phần gìn giữ một di sản văn hóa quý báu, mà còn giúp chúng ta hiểu hơn về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, giữa truyền thống và hiện đại trong dòng chảy phát triển bền vững của văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam.