Lịch trình di chuyển phức tạp của ca mắc mới lây nhiễm cộng đồng ở Quảng Ninh
Từ ngày 7 đến 22/1, bệnh nhân đi làm từ nhà đến nơi làm việc bằng xe riêng, tiếp xúc 44 người đội an ninh sân bay Vân Đồn, 2 nhân viên căng tin sân bay, đổ xăng 1 lần tại cây xăng cột 8 và tiếp xúc với 1 nam nhân viên nhưng chưa rõ danh tính. Tại gia đình tiếp xúc gần 5 người (bố mẹ đẻ, em gái ruột, vợ và con trai), tại BV Vinmec tiếp xúc 37 người.
Bệnh nhân 1553 được xác định là P.T.D (31 tuổi, trú tổ 1, khu 6, phường Hồng Hà, TP Hạ Long), nhân viên an ninh Cảng hàng không Vân Đồn.
Ngày 9/1, bệnh nhân đi họp lớp tại nhà hàng Talata, sau đó hát karaoke tại quán Hải Âu, uống cà phê tại quán cafe Cam và ăn đêm tại quán Đông Hồ (tất cả đều ở phường Hồng Hải, TP Hạ Long).
Từ 19 đến 22h ngày 19/1, bệnh nhân tham gia hội nghị điện máy miền Bắc tại khách sạn Mường Thanh Luxury (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long). 23 đến 24h cùng ngày đi mua đồ ở cửa hàng Circle K (phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long).
Tiếp đó, 18 đến 21h ngày 21/1, bệnh nhân tham gia liên hoan tất niên cảng vụ tại nhà hàng Trung Sún, huyện Vân Đồn.
14 đến 15h ngày 21/1, bệnh nhân đi họp tại văn phòng đội (tầng 5, khu điều hành Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn). 19h10 cùng ngày, bệnh nhân đi mua thuốc tại hiệu thuốc đối diện Trung tâm y tế huyện Vân Đồn). Ngày 23 đến 27/1, bệnh nhân khám và điều trị tại Bệnh viện Vinmec.
Theo dõi sát sức khỏe nam nhân viên sân bay Vân Đồn mắc COVID-19 đề phòng diễn biến nặng
BN1553 (31 tuổi, nam nhân viên Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh) do có bệnh lý nền nên các bác sĩ đang phải theo dõi rất sát sao.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay hiện hai bệnh nhân 1552 và 1553- hai ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng vừa được Bộ Y tế công bố sáng 28/1, đang điều trị tại khoa Nội tổng hợp của Bệnh viện.
Trong đó, sức khỏe của BN1552 (nữ công nhân 34 tuổi ở Hải Dương) bình thường.
Riêng trường hợp BN1553 (31 tuổi, nam nhân viên Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh), do có bệnh lý nền (đái tháo đường) nên các bác sĩ đang theo dõi rất sát sao, để kịp thời có điều chỉnh trong phác đồ, đề phòng tình huống bệnh diễn biến nặng lên.
Các số liệu thống kê cho thấy người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)… có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn, bệnh cảnh nặng nề hơn, điều trị kéo dài hơn với chi phí tốn kém hơn...
Theo Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam, đối với người có bệnh đái tháo đường, SARS-CoV-2 có thể gây nên một số tác động trực tiếp, nguy cơ cao đối với sức khỏe người bệnh.
Đơn cử, người bệnh đái tháo đường dễ mắc bệnh và bệnh trầm trọng hơn do sức đề kháng giảm. Cơ địa bệnh đái tháo đường và các biến chứng làm hạn chế khả năng điều trị bệnh cấp tính. Bệnh cấp tính cũng khiến việc kiểm soát đường huyết trở nên khó khăn và dễ có các biến chứng cấp tính của đái tháo đường...