Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang: Góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013
Ngày 21-5, Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Hội nghị chú trọng góp ý vào quá trình sửa đổi, bổ sung Điều 9 và Điều 10 của Hiến pháp, những điều khoản liên quan trực tiếp đến tổ chức Công đoàn Việt Nam. Việc này cũng là dịp để thể hiện tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, đề xuất những nội dung nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của họ trong Hiến pháp sửa đổi.
Quang cảnh hội nghị.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang Lê Minh Hùng đã định hướng một số nội dung góp ý trọng tâm, bao gồm: Điều 9 (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội): Dự thảo khẳng định Mặt trận Tổ quốc là bộ phận của hệ thống chính trị, do Đảng lãnh đạo, bổ sung vai trò "tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc" và "phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân". Các tổ chức chính trị - xã hội như Công đoàn Việt Nam sẽ trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hoạt động theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận.
Điều 10 (Công đoàn Việt Nam): Dự thảo khẳng định Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và người lao động, trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, bổ sung quy định "là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về Công đoàn".
Điều 84 (Quyền trình dự án luật, pháp lệnh): Dự thảo không tiếp tục quy định quyền trình dự án luật, pháp lệnh cho các cơ quan trung ương của tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp nhận, tổng hợp kiến nghị và quyết định việc trình dự án khi cần thiết.
Điều 110 (Tổ chức đơn vị hành chính): Dự thảo sẽ không quy định chi tiết các cấp hành chính, xác định "Các đơn vị hành chính gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương". Các quy định khác về chính quyền địa phương: Thống nhất thuật ngữ "chính quyền địa phương" và bỏ quy định đại biểu HĐND chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân để phù hợp với việc tinh gọn bộ máy tư pháp.
Điều 2 (Hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp): Quy định Nghị quyết có hiệu lực thi hành và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trên cả nước.
Hội nghị đã kêu gọi các đại biểu phát huy trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, góp phần vào việc hoàn thiện bản Hiến pháp sửa đổi. Mọi ý kiến trao đổi sẽ được tổng hợp đầy đủ, trung thực và gửi tới các cơ quan có thẩm quyền, góp phần hoàn thiện dự thảo nghị quyết một cách toàn diện, đồng bộ, sát với thực tế.