Phát huy vai trò các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức thành viên trực thuộc MTTQ Việt Nam

Ngày 21/5, sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở tổ.

Quy định các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên trực thuộc MTTQ Việt Nam

Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam trình Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Tờ trình trước Quốc hội. Ảnh: Quang Vinh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Tờ trình trước Quốc hội. Ảnh: Quang Vinh.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, việc xây dựng Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhất là Đề án sắp xếp, tinh gọn hợp nhất cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã (theo Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng). Bám sát và cụ thể hóa đầy đủ các quy định được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 2013 liên quan trực tiếp tới MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan trực tiếp đến vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm, tổ chức bộ máy và hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.

Dự thảo Luật gồm 5 điều, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung 11/41 điều của Luật MTTQ Việt Nam; Điều 2 sửa đổi, bổ sung 9/37 điều của Luật Công đoàn; Điều 3 sửa đổi, bổ sung 2/41 điều của Luật Thanh niên; Điều 4 sửa đổi, bổ sung 31/91 điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Điều 5 Hiệu lực thi hành.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật MTTQ Việt Nam gồm: Quy định về vị trí, vai trò, nguyên tắc tổ chức, hoạt động và tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam, trong đó khẳng định MTTQ Việt Nam là 1 bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quy định rõ MTTQ Việt Nam giữ vai trò chủ trì, các tổ chức chính trị - xã hội cùng với các tổ chức thành viên khác phối hợp, đồng thời phát huy sự chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức trong hiệp thương dân chủ, thống nhất hành động; quy định các tổ chức chính trị - xã hội, các hội do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ là các tổ chức thành viên trực thuộc MTTQ Việt Nam, được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Ủy ban MTTQ Việt Nam nhằm bảo đảm quy định tại Điều 9, Điều 10 Hiến pháp năm 2013 (sau sửa đổi, bổ sung).

Đồng thời quy định về tổ chức MTTQ Việt Nam ở cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức ở cấp huyện để đồng bộ với việc sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của MTTQ Việt Nam trong tiếp xúc cử tri, cử bào chữa viên nhân dân, bầu hội thẩm nhân dân, trong chủ trì và thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Công đoàn gồm: quy định về vị trí, nhiệm vụ của Công đoàn, trong đó khẳng định Công đoàn “là tổ chức thành viên trực thuộc MTTQ Việt Nam”, là “đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn” để cụ thể hóa Điều 10 Hiến pháp năm 2013 (sau sửa đổi, bổ sung). Các quy định liên quan đến hệ thống tổ chức của Công đoàn để đồng bộ với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và điều chỉnh tổ chức công đoàn trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp hưởng 100% lương từ ngân sách nhà nước để thực hiện chủ trương kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức Việt Nam, tổ chức công đoàn chủ yếu ở các doanh nghiệp, công đoàn ngành, được tổ chức theo hướng mở, linh hoạt theo đặc thù của tổ chức công đoàn. Quy định về thẩm quyền trong trình các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết và trong hoạt động giám sát của Công đoàn để phù hợp với khoản 1 Điều 84 Hiến pháp năm 2013 (sau sửa đổi, bổ sung), thống nhất với nội dung sửa đổi tại Luật MTTQ Việt Nam. Cùng với đó là quy định liên quan đến đối tượng đóng kinh phí công đoàn và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn để phù hợp với điều chỉnh về tổ chức công đoàn sau sắp xếp, tinh gọn.

Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Thanh niên, trong đó khẳng định Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức thành viên trực thuộc MTTQ Việt Nam; mối quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với Đoàn thanh niên trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, bảo đảm thống nhất với nội dung sửa đổi của Luật MTTQ Việt Nam.

Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm: Các quy định để thực hiện chủ trương kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; các quy định liên quan tới tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và trách nhiệm của Bộ Nội vụ tiếp nhận các nhiệm vụ quản lý về thực hiện dân chủ trong các tổ chức có sử dụng lao động khi không còn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; bãi bỏ các quy định về trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, Ban chấp hành công đoàn tại các cơ quan, đơn vị không có tổ chức công đoàn cơ sở khi thực hiện chủ trương chấm dứt hoạt động của Công đoàn Viên chức Việt Nam (Nghị quyết số 60-NQ/TW).

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Tờ trình trước Quốc hội. Ảnh: Quang Vinh

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Tờ trình trước Quốc hội. Ảnh: Quang Vinh

Về hiệu lực thi hành quy định Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025 và có quy định chuyển tiếp về tổ chức và hoạt động của công đoàn, Ban chấp hành công đoàn nơi có tổ chức công đoàn cơ sở tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Thẩm tra dự án Luật trên, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội cho biết, Ủy ban Văn hóa - Xã hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung 4 Luật với các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đã được nêu tại Tờ trình của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam với phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan trực tiếp đến sắp xếp tổ chức bộ máy; vị trí, vai trò, chức năng, nguyên tắc và tổ chức hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ tại Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Đồng thời, Ủy ban Văn hóa - Xã hội cũng tán thành việc xây dựng, ban hành dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 50 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đầy đủ theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 51 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo ĐBQH Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội), hiện có 2 luồng ý kiến về việc các Hội, tổ chức chính trị - xã hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ là thành viên hay thành viên “trực thuộc”. “Trong quá trình tinh gọn bộ máy, Trung ương thống nhất có 4 Đảng bộ: Đảng bộ Chính phủ, Đảng bộ Quốc hội, Đảng bộ các ban Đảng khối Nội chính và Đảng bộ MTTQ, các đoàn thể trung ương. Tất cả các Đảng bộ lãnh đạo toàn diện các tổ chức chính trị xã hội và hội quần chúng, cho nên quy định này phải có từ trực thuộc” - ông Cừ nêu rõ quan điểm và cho hay lâu nay khi chưa có cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, tất cả các hội cũng đã là thành viên của Mặt trận nhưng trước đây ví dụ Hội Người cao tuổi về biên chế là do Bộ Nội vụ quản lý, tài chính do Bộ Tài chính và nhiệm vụ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định. Nhưng bây giờ quy về một mối, từ tài chính, con người, tổ chức bộ máy và nhiệm vụ. Cho nên phải có từ “trực thuộc”. Trực thuộc là đúng vì Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể trung ương do Đảng lãnh đạo toàn diện.

Quy định trách nhiệm giải trình của các cơ quan trước những kiến nghị của Mặt trận

Theo ĐBQH Trần Kim Yến (Đoàn TPHCM), khi chúng ta thực hiện việc sắp xếp thì các tổ chức chính trị - xã hội sẽ về với Mặt trận. Bà Yến đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu các nội dung này để đảm bảo được việc tổ chức độc lập tương đối của các tổ chức chính trị - xã hội khi về với Mặt trận.

Về giám sát và phản biện xã hội, đặc biệt là giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong thời gian qua, theo bà Yến giám sát của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đã được nâng lên. Bên cạnh đó, kết luận giám sát của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội được gửi đến các cơ quan, đơn vị và các cơ quan, đơn vị đã báo cáo, cũng như thực hiện các kết luận này rất tốt, tuy nhiên không phải là tất cả.

Từ đó bà Yến đề xuất dự thảo luật cần bổ sung thêm một cụm từ nữa là “giao cho Chính phủ, Đảng và chính quyền các cấp phải thực hiện nghiêm kết luận giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội”. “Đây là một nội dung rất cần thiết, chúng ta phải thay đổi về mặt nhận thức đối với kết quả hoạt động giám sát. Giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội không phải là giám sát theo giám sát nhà nước như hoạt động của Hội đồng nhân dân, của Quốc hội mà là giám sát của nhân dân. Trong thời gian vừa qua một số cấp ủy, chính quyền đã triển khai, coi trọng các kết luận giám sát của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội nhưng không phải tất cả. Cho nên tôi đề xuất trong nội dung này cần phải có quy định rõ để thể hiện được trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện các kết luận giám sát của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội” – bà Yến nêu rõ.

ĐBQH Trương Thị Ngọc Ánh (Đoàn Cần Thơ) tán thành việc sửa đổi luật vì mục đích đảm bảo phù hợp việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Vấn đề sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc MTTQ phải đảm bảo phù hợp, nhất quán với Hiến pháp.

Bà Ánh cũng đồng tình với một số sửa đổi trong điều khoản cụ thể, nhất trí bổ sung làm rõ nguyên tắc và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam, đó là hiệp thương dân chủ, thể hiện tính tôn trọng của MTTQ Việt Nam đối với các tổ chức thành viên khi bàn bạc, thảo luận và luôn tôn trọng nhiều ý kiến phản ánh tâm tư nguyện vọng của các tổ chức thành viên và thống nhất bàn bạc để đi đến chương trình chung.

Về giám sát, phản biện xã hội, theo bà Ánh, dự thảo sửa đổi Luật MTTQ Việt Nam quy định tính thống nhất trong hoạt động giám sát giữa Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đảm bảo không trùng về nội dung, địa bàn, đối tượng. Nhưng trong sửa đổi Luật Công đoàn lại quy định Công đoàn chủ trì giám sát dựa trên sự thống nhất của UBTƯ MTTQ Việt Nam theo quy định của Luật Mặt trận và các luật khác có liên quan là chưa chặt chẽ.

Bà Ánh nhìn nhận, khi đã đảm bảo hiệp thương dân chủ, thống nhất hành động thì tất cả các hoạt động giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội đều phải dưới sự chủ trì của UBTƯ MTTQ Việt Nam. Có như vậy mới đảm bảo tính thống nhất để làm sao khi luật ban hành có sự tương đồng giữa các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động thống nhất, trong UBTƯ MTTQ Việt Nam và các nội dung sửa đổi phải phù hợp với các nội dung sửa đổi của Hiến pháp đang cho ý kiến.

ĐBQH Tô Thị Bích Châu (Đoàn TPHCM) cho rằng, cốt lõi của Mặt trận là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện và đi cùng với tính chất tự nguyện để đi đến mục tiêu thống nhất trong một sự đa dạng chứ không phải như các cấp chính quyền.

Bà Châu khẳng định: Điều này được chứng minh từ lúc thành lập Mặt trận cho đến khi thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam thì tôn chỉ mục đích này cốt lõi không thay đổi.

Theo bà Châu, đặt trong tình hình hiện nay phải tinh gọn, thực chất, hiệu quả thì Mặt trận không thể đứng ngoài dòng chảy của lịch sử. Mặt trận phải tinh gọn hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, và phải được chế định trong luật, trong các hướng dẫn, điều lệ. Do đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhiều điều có sự liên thông để đảm bảo vai trò thực hiện của Mặt trận. Từ lúc thành lập Mặt trận cho đến nay, Mặt trận không có hội viên, chỉ có tổ chức thành viên, còn mạnh hay không là do hoạt động của tổ chức thành viên và những ủy viên của Mặt trận. Khi chọn lựa những ủy viên Mặt trận chọn lựa những người tiêu biểu có sức quy tụ, có thể đoàn kết tập hợp khi cần thiết và có uy tín trong nhân dân, xã hội, và kể cả quốc tế, đối với cả đồng bào ta ở nước ngoài, nhất là một số vị việt kiều tiêu biểu chúng ta chọn theo tiêu chí như thế. “Thực ra bản chất không thay đổi là phục vụ nhân dân, làm sao để gần dân, sát dân, mang tiếng nói của người dân, của Mặt trận đến các cấp chính quyền cũng như phục vụ sự tiến bộ của xã hội và phát triển đất nước” – bà Châu nói.

Liên quan đến giám sát và phản biện xã hội, trách nhiệm giải trình, theo bà Châu nên chăng đưa vào trong luật quy định trách nhiệm giải trình của các cơ quan trước những đề nghị của Mặt trận thì mới thực sự nâng cao vai trò của Mặt trận, đúng như vai trò mà Đảng đã lãnh đạo và giao cho nhiệm vụ chính trị của Mặt trận. Khi đưa vào các quy định đó, định chế và thậm chí là chế tài chẳng hạn trong năm đó Mặt trận gửi bao nhiêu lần nhưng không có phản hồi, không có sự giải trình thỏa đáng hoặc không có báo cáo đầy đủ thì cơ quan đó phải bị đánh giá thi đua.

Đại biểu Quốc hội Trương Thị Ngọc Ánh (Đoàn Cần Thơ):

Cần bổ sung cụm từ MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước CHXHCN Việt Nam. Bởi Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ và Đại hội Đảng đã quy định rõ MTTQ là một bộ phận của hệ thống chính trị Nhà nước Việt Nam, là một thể chế chính trị của nước CHXHCN Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bà Ánh lý giải, việc bổ sung cụm từ này cũng là để khẳng định tính chất đó và nguyên lý đó, không để bị các thế lực khác lợi dụng và cho rằng MTTQ Việt Nam là một thể chế đứng ngoài, hoặc đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam. Qua đó, khẳng định hoạt động của MTTQ Việt Nam luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

Sáng 21/5, với 449/449 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, bằng 93,93%, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Theo đó, Quốc hội quyết nghị Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 là Chủ nhật, ngày 15/3/2026.

Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XVI được triệu tập chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày bầu cử. Kỳ họp thứ nhất của HĐND nhiệm kỳ 2026 - 2031 được triệu tập chậm nhất là 45 ngày, kể từ ngày bầu cử.

T.S

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/phat-huy-vai-tro-cac-to-chuc-chinh-tri-xa-hoi-to-chuc-thanh-vien-truc-thuoc-mttq-viet-nam-10306348.html