Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa-Du lịch Đất Tổ 2023 diễn ra từ ngày 21-28/4 tại Phú Thọ, Liên hoan các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân và du khách.
Đây là lần đầu tiên Liên hoan các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh được tổ chức, thu hút 15 đoàn nghệ nhân dân gian đến từ 13 tỉnh, thành phố nơi có các di sản tiêu biểu.
Có thể kể đến như: Nhã nhạc cung đình Huế; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; dân ca quan họ Bắc Ninh; nghệ thuật ca trù; hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc; nghệ thuật hát xoan; tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ...
...dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; nghi lễ và trò chơi kéo co; thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; nghệ thuật bài chòi Trung Bộ; thực hành then của người Tày, Nùng, Thái; nghệ thuật xòe Thái; nghệ thuật làm gốm của người Chăm.
Tính đến nay, Việt Nam có 15 di sản VHPVT được UNESCO ghi danh; trong đó có 13 di sản được ghi danh vào danh mục di sản VHPVT đại diện của nhân loại, 2 di sản được ghi danh vào danh mục cần bảo vệ khẩn cấp.
Những năm qua, các cấp, ngành; các tỉnh, thành phố nơi sở hữu di sản đã nỗ lực bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị tinh hoa của các loại hình di sản, song việc hội tụ các di sản thành một liên hoan thì lần đầu tiên mới được tổ chức tại Phú Thọ dịp này.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại lễ hội.
Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2013.
Liên hoan nhằm tôn vinh, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng trình diễn, giới thiệu và quảng bá các di sản.
Liên hoan cũng là dịp thể hiện nỗ lực, vai trò của Việt Nam trong thực hiện cam kết khi tham gia Công ước 2003 của UNESCO đối với việc nghiên cứu, nhận diện, truyền dạy, quảng bá và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể sau khi được UNESCO ghi danh.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Ngoài những buổi trình diễn phục vụ nhân dân và du khách, liên hoan có các hoạt động nhằm cổ vũ việc truyền dạy của các nghệ nhân dân gian tới thế hệ trẻ...
...Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất vừa bảo tồn và truyền dạy để di sản VHPVT của chúng ta được sống, được lưu truyền trong cộng đồng theo Công ước của UNESCO năm 2003 về bảo vệ di sản VHPVT”./.
Phương Anh/VOV.VN