Liên Hợp Quốc: Dịch bệnh đẩy hơn 11 triệu người Mỹ Latin vào cảnh thất nghiệp

Kiểm tra thân nhiệt cho hành khách tại bến xe buýt ở Santiago, Chile, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)

* Một số nước tiếp tục lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế

Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế khu vực Mỹ Latin và Caribe của Liên Hợp Quốc (ECLAC) cùng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố ngày 21/5, cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến 11,5 triệu người tại Mỹ Latin rơi vào cảnh thất nghiệp.

Số người thất nghiệp tại Mỹ Latin hiện đã tăng lên gần 38 triệu người. Báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ Latin sẽ giảm ở mức 5,3%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1930, dẫn tới những tác động tiêu cực về tình trạng thất nghiệp.

Tỉ lệ thất nghiệp trong khu vực được dự báo sẽ tăng từ 8,1% trong năm ngoái lên 11,5% trong năm nay.

Báo cáo cho rằng chất lượng việc làm cũng sẽ giảm mạnh, ảnh hưởng đến nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong khu vực, khi có một nửa lực lượng lao động tại Mỹ Latin đang làm việc trong khu vực phi chính thức.

ILO cho rằng số giờ làm sẽ giảm hơn 10%, ảnh hưởng tới 32 triệu người. Tỉ lệ nghèo đói và nghèo đói cùng cực của Mỹ Latin sẽ tăng lần lượt ở mức 4,4% và 2,6% so với năm ngoái. Điều này đồng nghĩa rằng khoảng gần 35% dân số Mỹ Latin (tương đương 215 triệu người) sẽ sống trong nghèo đói, trong khi nhóm người nghèo đói cùng cực chiếm tới 13% dân số (80 triệu người).

Cả ECLAC và ILO đều cho rằng thị trường lao động sẽ phục hồi chậm, cần tới nhiều nguồn lực để thúc đẩy hoạt động đào tạo và giáo dục. Theo thống kê của hãng tin Pháp AFP, Mỹ Latin hiện đã ghi nhận 600.000 ca nhiễm và 33.000 ca tử vong do COVID-19.

* Bộ Giáo dục Thái Lan ngày 21/5 cho biết cơ quan này đang phối hợp với Bộ Y tế lên kế hoạch cho các trường học trên toàn quốc mở cửa trở lại từ ngày 1/7 tới cũng như đảm bảo an toàn cho học sinh trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Giới chức Bộ Y tế Thái Lan cho rằng chính học sinh là những đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh ở trường học cao hơn những người đi mua sắm tại các trung tâm thương mại vì học sinh có đến 5-6 giờ đồng hồ mỗi ngày tiếp xúc gần nhau ở trường.

Do đó, việc đảm bảo học sinh tuân thủ những khuyến cáo y tế như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách là thách thức không nhỏ đối với các giáo viên.

Có 3,8% số ca nhiễm bệnh tại Thái Lan là ở độ tuổi 10-19 tuổi, trong đó hầu hết lây nhiễm từ các thành viên khác trong gia đình. Bộ Giáo dục Thái Lan cũng đã phát sổ tay hướng dẫn các trường học thực hiện giãn cách xã hội và ưu tiên vệ sinh cá nhân. Giới chức Thái Lan cũng kêu gọi phụ huynh không lo lắng và hướng dẫn con em mình cách tự bảo vệ bản thân và phòng chống dịch bệnh.

Tại Myanmar, chính phủ nước này cũng đang lên kế hoạch mở cửa trở lại các trường học từ giữa tháng 7. Bộ Giáo dục Myanmar ngày 21/5 cho biết thông thường năm học ở nước này bắt đầu từ tháng 6 sau 3 tháng nghỉ hè, nhưng năm học 2020 sẽ bắt đầu muộn hơn 1 tháng.

Bộ Giáo dục Myanmar cũng đang phối hợp với Bộ Y tế và Thể thao triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tại các trường học và phụ huynh học sinh được yêu cầu hỗ trợ con em họ phòng dịch.

Hiện trên cả nước Myanmar có khoảng 48.000 trường học, trong đó một số cơ sở được sử dụng làm địa điểm cách ly. Đến nay, Myanmar đã ghi nhận tổng số 199 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 6 ca tử vong.

Tại Úc, bang đông dân nhất New South Wales cho biết những biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan sẽ được nới lỏng nhằm cho phép các quán càphê và nhà hàng có thể đón tối đa 50 khách từ ngày 1/6 tới.

Giới chức bang New South Wales cho biết việc nới lỏng các biện pháp hạn chế mà hiện nay quy định các nhà hàng và quán cà phê chỉ được phép đón tiếp 10 khách hàng, là cần thiết nhằm khôi phục hoạt động kinh tế.

Trong tháng 4 vừa qua, 221.000 người tại New South Wales bị mất việc làm. Trong khi trên cả nước, gần 600.000 người bị thất nghiệp trong tháng 4 do các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh.

L.H (tổng hợp từ Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/240110/lien-hop-quoc--dich-benh-day-hon-11-trieu-nguoi-my-latin-vao-canh-that-nghiep.html