Sửa Luật Đầu tư công: Đề xuất sửa đổi 5 nhóm chính sách
Ngày 9/9, tại Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo lấy ý kiến các tỉnh, thành phố thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và vùng Tây Nguyên về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Đây là hội thảo thứ hai trong chuỗi 3 hội thảo lấy ý kiến góp ý của các địa phương trên toàn quốc đối với dự thảo Luật, ngay sau hội thảo tại Hà Nội tuần trước.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xây dựng các hồ sơ liên quan dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Bộ cũng báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) theo quy trình một kỳ họp.
Dự thảo Luật sửa đổi lần này bao hàm 29 chính sách mới, trong đó đề xuất sửa đổi 5 nhóm chính sách chính. Bao gồm, thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp Nhà nước. Thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật.
Tham gia ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình đánh giá cao dự thảo Luật và cơ bản tán thành với các nhóm chính sách sửa đổi chính.
Đối với vấn đề phân cấp, phân quyền, để thuận lợi và phù hợp, theo ông Bình, dự thảo cần có quy định ghi rõ nếu các luật quy định khác thì cần áp dụng theo luật (Đầu tư công sửa đổi - pv) này.
Chẳng hạn, trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định rất rõ thẩm quyền của từng cấp, song nếu Luật Đầu tư công (sửa đổi) được triển khai thì có một số điều có liên quan sẽ thay đổi. Do vậy, cần có quy định cụ thể hơn, luật nào ra đời sau thì áp dụng theo luật đó.
Đối với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp, cần rà soát lại thẩm quyền quyết định cũng như chi tiết từng cấp, ông Bình đề nghị.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên cũng đánh giá cao dự thảo trong việc phân cấp, phân quyền. Đại diện cơ quan này tại hội thảo cũng đề cập vấn đề, quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tuy nhiên, thực tế xảy ra tình trạng phải kéo dài thời gian bố trí vốn; hoặc một số dự án đã chuẩn bị rồi nhưng chưa thể bố trí vốn nên bị chậm lại hoặc phải dừng hẳn. Do đó, cơ quan soạn thảo cần có mục quy định thủ tục để dừng lại những dự án không thể triển khai.
Có chung quan điểm, đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam cũng đề xuất bổ sung quy định dừng dự án. Cơ quan, thẩm quyền ai quyết định chủ trương đầu tư thì quyết định dừng để bảo đảm quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 6/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tổ chức một hội thảo tại Hà Nội để lấy ý kiến các tỉnh, thành phố thuộc vùng miền núi phía bắc và đồng bằng sông Hồng đối với dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).