Liên hợp quốc gia hạn các biện pháp trừng phạt ở Mali

Tại một cuộc họp trực tuyến, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 2541 (2020), theo đó gia hạn các biện pháp trừng phạt ở Mali đến ngày 31/8/2021.

Phát ngôn viên của lực lượng binh biến ở Mali, Thiếu tá Ismael Wague (giữa) trong cuộc họp báo tại Kati, gần Bamako (Mali) ngày 19/8. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phát ngôn viên của lực lượng binh biến ở Mali, Thiếu tá Ismael Wague (giữa) trong cuộc họp báo tại Kati, gần Bamako (Mali) ngày 19/8. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 31/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông báo quyết định gia hạn thêm một năm các biện pháp trừng phạtMali, đồng thời thông qua nghị quyết gia hạn sứ mệnh của nhóm chuyên gia về vấn đề này.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, tại một cuộc họp trực tuyến, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 2541 (2020), theo đó gia hạn các biện pháp trừng phạt ở Mali đến ngày 31/8/2021, bao gồm áp đặt lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản của các cá nhân gây cản trở tiến trình thực thi Hiệp định Hòa bình và hòa giải ở Mali.

Hội đồng Bảo an tái khẳng định các biện pháp này được áp đặt đối với các cá nhân và thực thể theo chỉ định của Ủy ban Trừng phạt được thành lập theo Nghị quyết 2374 (2017).

Tại cuộc họp, Hội đồng Bảo an cũng quyết định gia hạn nhiệm vụ của nhóm chuyên gia về vấn đề Mali đến ngày 30/9/2021, đồng thời kêu gọi Phái bộ Ổn định tích hợp đa chiều của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) hỗ trợ nhóm chuyên gia.

Tình hình Mali bắt đầu trở nên căng thẳng từ đầu tháng 7 vừa qua khi Phong trào Đối lập tháng 5 (M5-RFP) ở nước này tổ chức biểu tình diện rộng yêu cầu Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita từ chức, coi đây là điều kiện tiên quyết cho mọi cuộc thương lượng giải quyết các khác biệt chính trị trong tương lai.

Ngày 18/8, nhóm binh sỹ tự xưng CNSP đã nổi loạn bên ngoài thủ đô Bamako, bắt giữ Tổng thống Keita và Thủ tướng Boubou Cisse cùng một số thành viên trong chính phủ.

Chỉ vài giờ sau khi bị các binh sỹ bắt giữ, Tổng thống Keita đã tuyên bố từ chức và giải tán Quốc hội.

CNSP tuyên bố nắm quyền lãnh đạo Mali và sẽ tiến hành tổng tuyển cử trong thời gian tới. Phong trào M5-RFP đã phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với nhóm tiến hành binh biến này.

Các tổ chức trong khu vực và thế giới cùng nhiều nước đã lên án cuộc binh biến tại Mali và yêu cầu trả tự do cho những lãnh đạo bị bắt giữ. Ngày 27/8, CNSP thông báo cựu Tổng thống Keita đã được trả tự do./.

Hữu Thanh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/lien-hop-quoc-gia-han-cac-bien-phap-trung-phat-o-mali/660573.vnp