Liên Hợp Quốc: Khủng hoảng Sudan khiến 100.000 dân thường chạy trốn chiến sự
Các quan chức cảnh báo về một 'thảm họa toàn diện' nếu giao tranh không chấm dứt.
Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết hơn 100.000 người đã chạy trốn khỏi Sudan kể từ khi giao tranh ác liệt nổ ra giữa các lực lượng đối địch vào ngày 15/4.
Hơn 334.000 người khác đã phải di dời chỗ ở tại Sudan. Các quan chức cảnh báo về một "thảm họa toàn diện" nếu giao tranh không chấm dứt.
Giao tranh đang tiếp diễn ở thủ đô Khartoum giữa quân đội và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF), bất chấp một lệnh ngừng bắn tạm thời đang có hiệu lực.
Hôm thứ Hai, đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Sudan, ông Volker Perthes nói với hãng tin AP rằng hai bên đã đồng ý tham gia đàm phán để thương lượng một lệnh ngừng bắn "ổn định và đáng tin cậy".
Ông nói thêm rằng Ả Rập Saudi là một địa điểm tiềm năng cho các cuộc đàm phán trên. Nếu các cuộc đàm phán diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa hai bên kể từ khi xung đột bắt đầu.
Theo Bộ Y tế Sudan, hơn 500 người đã thiệt mạng và hơn 4.000 người bị thương trong cuộc giao tranh.
Một loạt các lệnh ngừng bắn tạm thời đã không được duy trì khi quân đội tiếp tục không kích thủ đô Khartoum nhằm làm suy yếu lực lượng RSF.
Giao tranh dữ dội cũng diễn ra ở Darfur phía tây Sudan.
Trả lời các phóng viên tại Geneva, người phát ngôn của cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc Olga Sarrado cho biết có tổng số 100.000 người, bao gồm những người từ Sudan, công dân Nam Sudan trở về nhà và những người đã tị nạn ở Sudan, chạy trốn khỏi cuộc chiến. Dân tị nạn cũng chạy trốn qua biên giới của Sudan với Ai Cập ở phía bắc và Chad ở phía tây.
Hầu hết các quốc gia châu Âu đã hoàn thành việc sơ tán công dân của họ. Nga hôm thứ Ba cho biết họ đã gửi bốn máy bay quân sự để đưa hơn 200 người, bao gồm công dân Nga và những người đến từ "các quốc gia thân thiện", rời khỏi Sudan.
Ở thủ đô Khartoum, lương thực, nước và điện đang cạn kiệt, tuy nhiên hàng viện trợ do Liên Hợp Quốc vận chuyển đến Cảng Sudan đang bị lưu kho vì bạo lực. Tình trạng cướp bóc tràn lan khiến việc vận chuyển bị đình trệ hoàn toàn.
Giám đốc khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Ahmed al-Mandhari cho biết các cơ sở y tế ở Khartoum đã bị tấn công và một số nơi đang được sử dụng làm căn cứ quân sự.
"Cho đến nay đã có khoảng 26 vụ tấn công vào các cơ sở y tế. Một số vụ tấn công sát hại các nhân viên y tế và dân thường tại một số bệnh viện," ông nói với BBC.
“Bạn cũng biết một số bệnh viện này được sử dụng làm căn cứ quân sự và họ đã đuổi nhân viên và bệnh nhân ra khỏi nơi đây này,” ông nói thêm.
Hôm thứ Hai, Điều phối viên Nhân đạo của LHQ tại Sudan, Abdou Dieng, nói rằng sau hơn hai tuần giao tranh tàn khốc, cuộc khủng hoảng nhân đạo của đất nước này có nguy cơ biến thành một "thảm họa toàn diện".
"Ngay cả trước cuộc khủng hoảng hiện nay, gần 16 triệu người – một phần ba dân số Sudan cần viện trợ nhân đạo. Khoảng 3,7 triệu người đã phải di dời trong nước, chủ yếu ở Darfur," ông nói.