Liên Hợp Quốc: 'Tiêm phòng là cách duy nhất để thế giới thoát khỏi đại dịch'

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân tại Brasilia, Brazil ngày 13/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

* WHO khuyến nghị người chưa tiêm chủng không đến khu vực lây nhiễm

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 30/11 nhận định “cách duy nhất để thế giới thoát khỏi đại dịch, tình trạng bất công và khủng hoảng nhân đạo là thông qua một chiến dịch tiêm chủng toàn cầu”.

Phát biểu tại cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao Nhóm các nước đang phát triển (G77) và Trung Quốc tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục tàn phá các nước phát triển và các nước đang phát triển.

Ông cho biết Liên Hợp Quốc đang hỗ trợ chiến lược tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với mục tiêu tiêm cho 40% dân số thế giới vào cuối năm nay và 70% vào giữa năm 2022.

Cùng với việc kêu gọi ủng hộ cơ chế Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT-A) và cơ chế chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX, người đứng đầu Liên Hợp Quốc cho rằng mọi người dân trên thế giới đều có quyền tiếp cận vắc xin ngừa COVID-19, quyền được xét nghiệm và điều trị.

Về đại dịch COVID-19, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương và vai trò của thể chế đa phương lớn nhất thế giới trong ứng phó đại dịch. Ông cho biết Nhóm các cơ quan Liên Hợp Quốc (UNCT) vừa qua đã công bố kế hoạch ứng phó trên lĩnh vực kinh tế - xã hội cho 139 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 3 tỉ USD sẽ dành cho các ưu tiên hỗ trợ khẩn cấp, ngoài ra sẽ huy động thêm 2 tỉ USD.

Ông cho rằng những cải cách gần đây cho phép Liên Hợp Quốc điều chỉnh và phản ứng nhanh chóng. Kết quả là hơn 90% chính phủ các nước cho rằng sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc phù hợp nhu cầu phát triển của các nước hơn so với ba năm trước đây.

Cũng tại cuộc họp trên, Tổng thư ký Guterres cho biết kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng 5,9% trong năm nay, song tốc độ hồi phục giữa các quốc gia không đồng đều.

Liên quan nỗ lực toàn cầu triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, ông kêu gọi các nước tăng cường nỗ lực trong “thập kỷ hành động” này và điều này đặc biệt quan trọng để đạt được toàn cầu hóa một cách công bằng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ngăn chặn xung đột.

Ông cũng lưu ý rằng kết quả Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa qua tại Glasgow (Anh) là "kết quả tối thiểu" cần đạt được nhằm duy trì cam kết giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Trong diễn biến khác, người chưa hoàn thành tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 và có nguy cơ cao lây nhiễm không nên đến các khu vực có lây nhiễm trong cộng đồng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra khuyến nghị trên ngày 30/11 trong bối cảnh xuất hiện biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 mà cơ quan này đánh giá là có nguy cơ "rất cao" lây lan toàn cầu.

Khuyến cáo của WHO nêu rõ: "Những người chưa tiêm đầy đủ vắc xin hoặc không có xác nhận đã nhiễm SARS-CoV-2 và có nguy cơ bệnh trở nặng và tử vong, trong đó có người từ 60 tuổi trở lên hoặc người có bệnh lý nền, nên dừng các kế hoạch đến những khu vực có lây nhiễm cộng đồng”.

Ngoài ra, WHO khuyến nghị các nước áp dụng cách tiếp cận dựa trên tình hình dịch bệnh thực tế và bằng chứng rõ ràng khi đưa ra các biện pháp đối với hoạt động đi lại. Cụ thể, các nước xuất cảnh, quá cảnh và nhập cảnh có thể áp dụng các biện pháp giúp giảm thiểu nguy cơ biến thể Omicron xâm nhập, trong đó có các biện pháp kiểm tra thân nhiệt, xét nghiệm và cách ly.

Khuyến nghị của WHO nhấn mạnh "tất cả các biện pháp cần phải tương xứng với nguy cơ lây nhiễm, hạn chế thời gian áp dụng và tôn trọng phẩm giá, quyền con người và các quyền tự do cơ bản”. Ngoài ra, "hoạt động đi lại quốc tế thiết yếu", bao gồm các sứ mệnh nhân đạo, vận chuyển hàng thiết yếu, phải luôn được ưu tiên trong thời kỳ dịch bệnh này.

WHO đánh giá rằng các lệnh cấm đi lại đại trà không ngăn được biến thể Omicron lây lan trên toàn cầu trong khi những lệnh cấm như vậy tạo gánh nặng đối với đời sống của người dân. Ngoài ra, những biện pháp như vậy có thể ảnh hưởng đến các nỗ lực y tế toàn cầu vì khiến các nước không muốn thông báo và chia sẻ dữ liệu về dịch bệnh.

WHO cho biết tính đến ngày 28/11 có 56 quốc gia được cho là đã thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại để ngăn chặn biến thể Omicron, trong đó co việc tạm thời cấm nhập cảnh đối với người đến từ những nước đã phát hiện các ca nhiễm biến thể này.

Tổng Giám đốc WHO Adhanom Ghebreyesus ngày 30/11 kêu gọi các nước bình tĩnh và có sự phối hợp trong việc thực hiện các biện pháp hợp lý ứng phó với Omicron, tránh tình trạng làm trầm trọng thêm vấn đề khi ở thời điểm hiện tại vẫn chưa rõ các nguy cơ từ biến thể này.

Theo TTXVN/Vietnam+

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/268110/lien-hop-quoc--tiem-phong-la-cach-duy-nhat-de-the-gioi-thoat-khoi-dai-dich.html