Liên kết bát nháo kĩ năng sống, tiếng Anh, du lịch trá hình trong nhà trường: Cần thẳng tay loại bỏ

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiêm cấm các trung tâm bên ngoài liên kết với nhà trường trong việc dạy kĩ năng sống, tiếng Anh và du lịch trá hình… để cải thiện môi trường giáo dục trở lại 'trong lành'.

Nhiều trung tâm tiếng Anh "tay không bắt giặc"?

Một phụ huynh ở Nghệ An chia sẻ, vài năm nay các con của phụ huynh này đang phải đóng mỗi tháng từ 500.000 đồng đến 700.000 đồng cho việc học "tiếng Anh tăng cường" với thời lượng là 2 tiết/tuần. Chương trình "tiếng Anh tăng cường" do một trung tâm Anh ngữ hợp tác với nhà trường để triển khai.

Vị phụ huynh này cũng cho biết, hiện tại trung tâm này đang hợp tác với khoảng 100 trường học. Điều kinh ngạc các trung tâm tiếng Anh liên kết với trường nào thì giáo viên trường ấy dạy, chứ trung tâm tiếng Anh liên kết chỉ có khoảng hơn 20 giáo viên, không thể dạy nổi chừng đó học sinh.

Thu số tiền khổng lồ hàng tỉ đồng/tháng (tính theo đầu học sinh), nhưng mỗi tiết dạy, giáo viên nhà trường chỉ được trả từ 50.000 đồng đến 80.000 đồng.

"Tay không bắt giặc", không cần xây dựng trường lớp, không cần tuyển dụng giáo viên, chỉ cần lập ra một cái "trung tâm" rồi bắt tay với hiệu trưởng các trường theo một cơ chế "hai bên cùng có lợi" thì tất cả cơ sở vật chất và con người trong hệ thống giáo dục quốc dân liền biến thành công cụ "làm tiền" của tư nhân. Sai phạm này cần sớm phải dẹp bỏ.

Lần theo tên của trung tâm Anh ngữ này, có thể thấy ngay cả cái tên trung tâm cũng mập mờ, không thấy mã số thuế, website cũng không, chỉ có một trang Facebook với lèo tèo mấy lượt like mỗi bài đăng.

Một thầy giáo khác chia sẻ trên diễn đàn, anh cũng đã từng được những trung tâm kiểu này đề nghị hợp tác với hoa hồng lợi nhuận là 40%, nhưng anh từ chối, vì biết rõ ràng rằng nó không mang lại lợi ích gì cho học trò cả, thậm chí còn làm khổ các em vì bị tước thêm thời gian và học hành láo nháo chỉ cho qua chuyện nhằm thu tiền.

Cần một cuộc "tổng vệ sinh" loại bỏ các tiết học liên kết vắt kiệt tiền phụ huynh

Hiện nay, những chương trình "liên kết", "hợp tác", "tăng cường" kiểu này do sự bắt tay giữa hiệu trưởng và các trung tâm ma bên ngoài đang đổ bộ vào các trường học ở khắp nơi trên cả nước, tạo ra một thị trường chợ đen phá nát giáo dục từ bên trong.

Hình thức của kiểu làm ăn này rất đa dạng, phức tạp, có nơi thô bạo, có chỗ tinh vi bằng nhiều chiêu trò. Có trường chỉ cần thông báo một cách mập mờ khiến tất cả học sinh phải tham gia; có trường thì cho đăng ký, nhưng lại dạy vào buổi học chính khóa, em nào không đăng ký sẽ bị đưa ra khỏi lớp. Cha mẹ nào nỡ để con bơ vơ một mình trên sân trường, thế là chẳng biết có lợi lộc gì không nhưng cũng cắn răng mà đóng tiền cho con được ngồi trong lớp.

Bên cạnh phong trào "trăm hoa đua nở" của việc lạm thu, tận thu đã thành một thứ dịch bùng phát trên khắp cả nước trong hàng chục năm nay, thì những chương trình như STEM, Kỹ năng sống, tiếng Anh... đang tràn vào các nhà trường như một cơn lũ giữa thanh thiên bạch nhật, biến những nơi thiêng liêng ấy thành chợ trời, chợ đen.

"Phá hỏng môi trường giáo dục, vắt kiệt sức lực của phụ huynh, đày ải hàng triệu học trò chỉ vì mối lợi quá lớn và quá dễ kiếm này, đó là tình trạng đang công nhiên diễn ra mà rất hiếm khi thấy bóng dáng của các "cơ quan chức năng", "cơ quan quản lý", cứ như chốn không người vậy.

"Tôi nghĩ, nếu không có một cuộc "tổng vệ sinh" bằng cách mở cuộc điều tra trên toàn quốc, quét sạch để lập lại kỷ cương trong các nhà trường, thì giáo dục sẽ bị băng hoại hoàn toàn" - thầy giáo L.T.T. tại Thanh Hóa bức xúc nói.

Cần sự vào cuộc nhanh chóng của ngành giáo dục

Thầy giáo L.T.T. cũng đưa ra đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan chức năng tổng rà soát lại tình trạng liên kết giữa các trung tâm (tiếng Anh, kỹ năng sống, lữ hành...) với hệ thống nhà trường trên cả nước.

Bởi vì, các trung tâm này có chất lượng ra sao, ai kiểm soát, công tác giảng dạy được tiến hành thế nào, ai đánh giá kết quả học tập của học sinh; việc "liên kết" này có làm ảnh hưởng đến chương trình giáo dục quốc dân hay không, có hay không sự ép buộc học sinh tham gia, ai cho phép xếp xen kẽ các tiết "tăng cường" vào giữa buổi học; mức học phí dựa trên quy định nào,..? Có hay không việc thao túng của những trung tâm đầy thế lực đang bao trọn hệ thống trường lớp của cả một địa phương?

"Tại sao chúng ta đã có một chương trình giáo dục từ sự huy động trí tuệ của cả một đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu, tiến hành soạn thảo, tập huấn, đổ hàng trăm nghìn tỉ đồng tiền ngân sách để thực hiện mà bây giờ lại phải cần các trung tâm bên ngoài vào làm thay cho nhà trường? Phải chăng hệ thống giáo dục quốc dân đã không thực hiện được sứ mạng của mình, để đến nỗi phải giao phó cho những trung tâm trôi nổi kia đảm trách?

Chương trình giáo dục với cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên được đào tạo chính quy đang vận hành bằng những khoản tiền thuế khổng lồ của người dân. Các phụ huynh đề nghị phải chấn chỉnh việc các trung tâm bên ngoài hiên ngang đi vào để biến trường lớp quốc dân thành sân nhà và ngang nhiên làm tiền trên đầu hàng triệu học sinh và phụ huynh khắp cả nước.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/lien-ket-bat-nhao-ki-nang-song-tieng-anh-du-lich-tra-hinh-trong-nha-truong-can-thang-tay-loai-bo-179231007084332326.htm