Liên kết các tỉnh để phát triển du lịch

Chiều 16/8, tại Vĩnh Phúc, Sở VHTT&DL Thái Nguyên phối hợp với Vĩnh Phúc, Phú Thọ tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch năm 2024.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Đây là hoạt động nhằm kích cầu du lịch nội địa và tăng cường giới thiệu, quảng bá về vùng đất, con người, tiềm năng, thế mạnh cùng các sản phẩm du lịch của 3 tỉnh. Qua đó, liên kết, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, hợp tác phát triển du lịch trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, Ông Lê Ngọc Linh - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên nêu rõ: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ là 3 tỉnh có nhiều điều kiện tương đồng nhau về văn hóa, xã hội và phát triển kinh tế, phát triển du lịch, về vị trí địa lý.

Hiện nay, việc kết nối giao thông giữa 3 tỉnh và với thủ đô Hà Nội có nhiều thuận lợi. Đây là tiền đề, cơ sở quan trọng trong phát triển du lịch của 3 tỉnh nói riêng và kết nối với các tỉnh trong vùng nói chung.

“Trong những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Phú Thọ đã và đang phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững. Các sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng mới của du khách. Các địa phương đã phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa để thu hút khách du lịch. Trong đó, có nhiều điểm chung như cùng nhau khai thác phát triển du lịch dựa vào cảnh quan, tài nguyên khu rừng quốc gia Tam Đảo của tỉnh Thái Nguyên và Vĩnh Phúc hay cùng phát huy giá trị cây chè và văn hóa Trà trong phát triển du lịch của Thái Nguyên và Phú Thọ”, ông Lê Ngọc Linh nhấn mạnh.

Tại hội nghị, các địa phương đều giới thiệu thế mạnh trong phát triển du lịch. Đồng thời bàn luận, đưa ra các giải pháp tăng cường liên kết, quảng bá chéo hình ảnh giữa các địa phương với nhau nhằm tăng lượng khách du lịch trong thời gian tới.

 Sở VHTT&DL Thái Nguyên giới thiệu sản phẩm du lịch tới đại biểu.

Sở VHTT&DL Thái Nguyên giới thiệu sản phẩm du lịch tới đại biểu.

Về thế mạnh, tỉnh Thái Nguyên có trên 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt; gần 300 làng nghề, trên 200 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao. Thái Nguyên còn là cái nôi cách mạng với những “địa chỉ đỏ” như: Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa; Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái…

Ngoài ra, nơi đây còn có những danh thắng nổi tiếng như Hồ Núi Cốc, hồ Ghềnh Chè, hang Phượng Hoàng - Suối Mỏ Gà, những dòng suối, thác nước, bãi đá hoang sơ nơi sườn đông Tam Đảo, những đồi chè xanh ngát thơ mộng. Cây chè và sản phẩm trà gắn bó với đất và người Thái Nguyên từ lâu đời, được vinh danh là “Đệ nhất danh trà”, nghệ thuật thưởng trà đã trở thành nét văn hóa rất riêng của người Thái Nguyên.

Đối với Vĩnh Phúc, tỉnh có hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn phong phú mang giá trị cao như: Khu Di tích Danh thắng Tây Thiên, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, tháp Bình Sơn – chùa Vĩnh Khánh, Khu Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu… các lễ hội truyền thống và các sản phẩm thủ công, làng nghề, trò chơi dân gian đặc sắc là sức hút du khách.

Về tỉnh Phú Thọ, nơi đây có hệ thống các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú với 967 di tích lịch sử văn hóa (trong đó Khu di tích Đền Hùng là Di tích quốc gia đặc biệt) và hệ thống các lễ hội dân gian, diễn xướng nghệ thuật đặc trưng của vùng đất Tổ.

Phú Thọ cũng là tỉnh giàu tài nguyên du lịch tự nhiên với nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú như: Vườn quốc gia Xuân Sơn, mỏ nước khoáng nóng Thanh Thủy, đầm Ao Châu, đầm Vân Hội...

Long Anh - Minh Sơn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lien-ket-cac-tinh-de-phat-trien-du-lich-post696966.html