Liên kết - 'chìa khóa vàng' để cất cánh

Khu vực duyên hải miền Trung có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển kinh tế biển, mà ít có khu vực nào của Việt Nam sánh được. Mục tiêu đến năm 2050, duyên hải miền Trung sẽ là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về du lịch và kinh tế biển. Đẩy mạnh liên kết chính là chìa khóa cho kinh tế biển khu vực duyên hải miền Trung cất cánh.

Cần liên kết theo hướng đầu tư đồng bộ, có chiều sâu để phát triển du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung. Ảnh minh họa

Cần liên kết theo hướng đầu tư đồng bộ, có chiều sâu để phát triển du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung. Ảnh minh họa

Thế mạnh, nhưng chưa có sự liên kết về chiều sâu

Vùng duyên hải miền Trung không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh mà đặc biệt có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cần có chủ đề, chủ điểm du lịch xuyên suốt

Thời gian qua, giữa các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung chưa có sự liên kết về chiều sâu, chỉ mới chú trọng khai thác trước mắt hơn là phát triển và đầu tư sản phẩm du lịch. Điểm yếu của du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung là việc quảng bá du lịch trong toàn vùng không có một chủ đề, chủ điểm, hình ảnh thống nhất, do đó chưa truyền tải được đầy đủ đặc trưng văn hóa - du lịch khu vực này.

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2050, duyên hải miền Trung là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển; hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, xanh, thông minh; hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, có kiến trúc tiêu biểu, giàu bản sắc, xanh, văn minh, hiện đại, thông minh, có khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển bền vững kinh tế biển miền Trung có ý nghĩa và vai trò quyết định đối với phát triển kinh tế biển của cả nước, bởi đây là khu vực có 14/28 tỉnh, thành phố giáp biển của cả nước, với bờ biển dài gần 2.000 km, chiếm hơn 55% bờ biển của cả nước (3.260 km).

Với 14 tỉnh và thành phố giáp biển, duyên hải miền Trung có nhiều bãi biển, vùng biển và đảo đẹp, cùng với nhiều tài nguyên thiên nhiên quý và hệ sinh thái đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, du lịch, vận tải và có tiềm năng trong việc phát triển các cảng biển lớn, điện gió. Bên cạnh đó, văn hóa của các tỉnh duyên hải miền Trung là những tài sản vô giá in đậm dấu tích về lịch sử về con người và vùng đất nơi đây.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, duyên hải miền Trung hiện vẫn là vùng có nhiều chỉ số phát triển thấp hơn mức trung bình của cả nước. Nhiều tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là lợi thế về kinh tế biển chưa được khai thác, phát huy hiệu quả để trở thành một nguồn nội lực quan trọng cho phát triển. Các khu kinh tế ven biển, cảng biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Việc quy hoạch du lịch "ồ ạt" lúc đầu rồi sau đó “giậm chân tại chỗ” đã khiến chất lượng dịch vụ kém đồng bộ, giảm sức hấp dẫn của sản phẩm và thương hiệu du lịch.

PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định dù các tỉnh vùng duyên hải miền Trung đều nỗ lực tối đa để tận dụng lợi thế của mình để phát triển, nhưng đến nay, vì nhiều lý do, các lợi thế đó vẫn chưa được phát huy hiệu quả.

Rõ ràng, nếu chỉ trông cậy vào lợi thế tự nhiên, dù to lớn đến mấy, cũng là không đủ. Các địa phương duyên hải miền Trung vẫn "mạnh ai nấy làm", chưa liên kết chặt chẽ vùng, do đó cần nhận thấy được thế mạnh của nhau để hỗ trợ và tránh lặp lại.

Đổi mới tư duy, xem liên kết vùng là xu hướng tất yếu

Từ thực tế nêu trên, để phát triển du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung cần liên kết theo hướng đầu tư đồng bộ, có chiều sâu, đồng thời phải đặt lợi ích vùng trong mối quan hệ hài hòa với lợi ích từng địa phương.

Việc liên kết đồng bộ để phát triển du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung không phải chỉ là việc kết nối các sự kiện, mà phải dựa trên những quy tắc nhất định. Lấy lợi thế và bản sắc của địa phương này để vực dậy điểm yếu của địa phương kia, sẽ từng bước mang lại sự phát triển đi lên đồng bộ, hài hòa.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, để phát triển du lịch bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của từng địa phương và toàn vùng duyên hải miền Trung trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch, huy động tối đa nguồn lực của từng địa phương và tranh thủ sự hợp tác trong nước, hỗ trợ quốc tế... phải tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng chất lượng cao.

“Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách; tạo môi trường thông thoáng, khuyến khích doanh nghiệp phát huy vai trò động lực thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút đầu tư vào các địa bàn du lịch trọng điểm; mở rộng các loại hình dịch vụ giải trí, nhất là các dịch vụ cao cấp; xây dựng cơ sở lưu trú cao cấp với quy mô lớn. Ngoài ra, cần phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; tạo bước đột phá trong triển khai những công trình có ảnh hưởng quyết định, tạo ra liên kết phát triển du lịch vùng” - PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ.

Cũng theo PGS. TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, thành viên Tổ chuyên gia Tư vấn quy hoạch quốc gia, "Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau", vậy nên sự liên kết du lịch vùng duyên hải miền Trung là điều cấp thiết. Ðó cũng là mối quan tâm của các địa phương trong khu vực để cùng nhau đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

"Giải pháp để tạo sự liên kết, sản phẩm chung của vùng duyên hải miền Trung là thu hút đầu tư du lịch với cơ chế ưu đãi nhất theo quy định hiện hành, bảo đảm đến năm 2025 sẽ hoàn chỉnh ít nhất ba khu du lịch biển, đảo có sức cạnh tranh quốc tế, bao gồm: Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và bắc Cam Ranh (Khánh Hòa); xây dựng ba tổ hợp mua sắm, vui chơi giải trí dành cho du khách; đầu tư xây dựng giao thông với các tuyến đường ven biển, cao tốc, sân bay, đường sắt kết nối với Tây Nguyên", PGS. TS Phạm Trung Lương chia sẻ.

Tận dụng thời cơ để quảng bá hình ảnh bằng bản sắc văn hóa riêng

Theo các chuyên gia kinh tế, việc xây dựng thương hiệu du lịch kết nối với vùng duyên hải miền Trung cần phải có "nhạc trưởng" và mỗi địa phương phải biết tận dụng thời cơ để quảng bá hình ảnh bằng bản sắc văn hóa riêng, có điểm nhấn riêng.

Hiện nay, có 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Ðà Nẵng - Quảng Nam đã thực hiện hợp tác trong lĩnh vực du lịch theo hình thức hoạt động là mỗi địa phương luân phiên làm trưởng nhóm liên kết theo từng năm, nhóm trưởng sẽ là địa phương đưa ra kế hoạch và chủ trì các hoạt động dưới sự thống nhất của cả ba địa phương. Chính sự liên kết đã giúp các địa phương có sự liên thông, hỗ trợ, bảo đảm an toàn cho du khách khi đến 3 địa phương này.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh liên kết trong quy hoạch, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị văn hóa di sản, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến và quảng bá du lịch; chú trọng xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Song song với sự nỗ lực của các tỉnh, thành phố trong khu vực duyên hải miền Trung thì cũng rất cần sự quan tâm, hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để thúc đẩy hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch... Bên cạnh đó, rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển vùng nhằm xác định lại không gian và hệ thống hạ tầng của vùng, nhất là khu du lịch để tránh chồng chéo, khắc phục hiện tượng đầu tư dàn trải kém hiệu quả.

Lạc Nguyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/lien-ket-chia-khoa-vang-de-cat-canh-158433.html