Liên kết đào tạo - hiệu quả bất ngờ
Để nâng cao chất lượng đầu ra của quá trình đào tạo, chất lượng nguồn tuyển đóng vai trò quan trọng. Thế nhưng, điều này không hẳn đúng với chương trình liên kết bởi sinh viên tuy đầu vào không cao nhưng chất lượng đầu ra lại tốt.
Lý giải vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, mấu chốt nằm ở chỗ thiết kế chương trình đào tạo phù hợp và quản trị ĐH hiệu quả.
Đa dạng chương trình liên kết
Trường ĐH Quốc Tế (IU) - ĐH Quốc gia TPHCM ký kết và vận hành 15 chương trình liên kết với các trường ĐH ở nước ngoài, trong đó có trường thuộc tốp đầu thế giới: ĐH New South Wales (Australia), ĐH Nottingham (Anh quốc)… Trường thu hút hơn 2.000 sinh viên theo học các chương trình liên kết đào tạo quốc tế.
Theo ThS Nguyễn Hữu Trí - Phó phòng Đào tạo hợp tác nước ngoài IU, nhằm tăng số lượng sinh viên chuyển tiếp hàng năm, nhà trường triển khai các chương trình chuyển đổi tín chỉ và được công nhận tín chỉ của 20 trường có uy tín và thứ hạng cao trên thế giới. Số lượng sinh viên chuyển tiếp năm 2019 tăng hơn 110% so với năm 2017. Đồng thời, các trường đại học đối tác đã đồng ý cấp 19 suất học bổng trong năm 2020 tương đương 4 tỷ đồng cho sinh viên có thành tích học tập tốt và xuất sắc của trường.
Tương tự, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) sớm liên kết đào tạo với các trường ĐH nước ngoài. Hiện trường có 14 chương trình liên kết đào tạo quốc tế từ kỹ thuật, kinh tế, logistics và tài chính ngoại thương, quản lý nhà hàng khách sạn với các đối tác Anh, Mỹ, Singapore và Hàn Quốc.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng TPHCM (TDTU) cũng có 13 chương trình liên kết đào tạo quốc tế với 10 đại học nước ngoài và 28 chương trình đào tạo chất lượng cao. Trong đó, một số chương trình liên kết đào tạo quốc tế theo dạng cấp song bằng.
Chất lượng do đâu?
Phần lớn SV theo học chương trình liên kết đào tạo quốc tế có xuất phát điểm (đầu vào) không cao so với SV thuộc hệ đào tạo chính quy đại trà, nhưng sau khi tốt nghiệp, SV hệ này lại thể hiện năng lực, kỹ năng nổi bật trong công việc. Số liệu từ HCMUTE cho thấy: Gần 100% SV học hệ liên kết đào tạo quốc tế có việc làm trong vòng ba tháng sau khi tốt nghiệp hoặc tiếp tục học lên trình độ ThS và TS.
Lý giải điều này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng HCMUTE cho rằng: Phần lớn chương trình liên kết đào tạo do trường đối tác đưa sang, thậm chí GV do họ cung cấp. "Chương trình tập trung phát năng lực tự học của SV và tư duy phản biện, đồng thời trình độ tiếng Anh là yếu tố then chốt. Ngoài ra, SV các chương trình liên kết quốc tế học ít môn hơn SV hệ chính quy đại trà. Khi học quá nhiều môn, tư duy sáng tạo của SV bị yếu đi. Trong quá trình hợp tác liên kết đào tạo với các đơn vị, nhà trường cũng tiếp thu, cập nhật lại chương trình đào tạo hệ đại trà để phù hợp với xu thế phát triển chung..." - PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.
Nói về quản lý để bảo đảm chất lượng đầu ra chương trình đào tạo thuộc diện chất lượng cao, ThS La Vũ Thùy Linh - Phó Trưởng phòng Đại học TDTU - cho rằng: Hầu hết thí sinh trúng tuyển vào trường đều đạt ngưỡng bảo đảm chất lượng, đủ năng lực để học tập, rèn luyện theo yêu cầu của chương trình đào tạo. Đặc biệt, chương trình chất lượng cao của trường được xây dựng với chuẩn đầu ra định lượng và các chuẩn (kỹ năng ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm, nghề nghiệp, thái độ…) đều cao hơn so với chương trình đại trà.
"Điều kiện để triển khai chương trình đào tạo chất lượng cao được bảo đảm từ hệ thống giáo trình, tài liệu cập nhật của trường ĐH tốp 100 thế giới, phòng học năng động, phòng thực hành, thực tập, mô phỏng hiện đại; khu vực tự học, các phòng thuyết trình, học nhóm… đều được chú ý tạo môi trường tốt nhất cho người học. Điều quan trọng, đội ngũ giảng viên phải đạt các tiêu chí về chất lượng và quản trị chương trình đào tạo hiệu quả nhằm triển khai theo đúng cam kết về chất lượng từ các bên liên quan…" - ThS La Vũ Thùy Linh chia sẻ.
Từ kinh nghiệm quản lý các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, ThS Lý Thiên Trang - Giám đốc Trung tâm Hợp tác đào tạo quốc tế HCMUTE, cho hay: Phương pháp giảng dạy, cách thức đánh giá và điều kiện về cơ sở vật chất, quá trình quản lý, dịch vụ hỗ trợ... là yếu tố then chốt góp phần thay đổi quá trình giảng dạy. Ngoài ra, phương pháp đánh giá đòi hỏi SV không chỉ nhớ, hiểu mà phải biết vận dụng, phân tích, tổng hợp và đánh giá được thông tin, vấn đề...
"Những năm gần đây, các đối tác trường ĐH ở Anh quốc cập nhật chương trình theo hướng: Tích hợp (lồng ghép kiến thức liên môn, liên ngành nhiều hơn); Phát triển kỹ năng số thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học theo PP Blended - Learning (dạy trên lớp kết hợp dạy online); Phát triển kỹ năng sẵn sàng làm việc hay kỹ năng mềm (kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy, sáng tạo, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, lãnh đạo, quản lý thời gian); Đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp theo hướng Work-Based Learning…" - ThS Lý Thiên Trang cho biết.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lien-ket-dao-tao-hieu-qua-bat-ngo-20200715101248792.html