Liên kết để cùng thịnh vượng
Liên tiếp những tin vui đến với ngành hàng lúa gạo Việt Nam khi giá gạo xuất khẩu luôn ở mức cao, gạo Việt tiếp tục được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị lúa gạo quốc tế TRT 2023 diễn ra tại Philippines mới đây. Có thể khẳng định, cây lúa đang 'mở đường lớn' để Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo top đầu thế giới. Tuy nhiên, ngành hàng lúa gạo vẫn còn một số điểm nghẽn cần khắc phục để có thể phát triển bền vững.
Những ngày này, tại Đồng Tháp, bà con nông dân đang tất bật thu hoạch vụ lúa Thu Đông 2023. Cũng giống như nhiều địa phương vùng ĐBSCL, niềm vui ngày thu hoạch đong đầy trên gương mặt người nông dân Đồng Tháp.
Cây lúa mở đường lớn
Cảnh mua bán diễn ra nhộn nhịp. Thương lái tìm đến tận đầu bờ thửa ruộng. Lúa vừa cắt được bà con chuyển ngay ra cho thương lái đưa xuống ghe chở đi. Hiện giá lúa tiếp tục duy trì mức 9.500 - 9.700 đồng/kg.
Giá lúa gạo tăng từng ngày, diện tích gieo trồng vụ Thu Đông tại nhiều địa phương vì thế cũng tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2023, xuất khẩu gạo tăng mạnh trong bối cảnh thị trường lúa gạo nhiều biến động. Tính đến tháng 11/2023, xuất khẩu gạo Việt Nam ước đạt 7,75 triệu tấn về sản lượng và 4,41 tỷ USD về giá trị, tăng tương ứng 16,2% và 36,3% so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng ước đạt 568 USD/tấn, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Tỷ trọng giống lúa chất lượng cao của Việt Nam tăng từ 50% năm 2015 lên 74% năm 2020. Khối lượng gạo xuất khẩu được giữ ở mức 6 triệu tấn và có xu hướng tăng trưởng qua các năm, với giá trị xuất khẩu liên tục trên 3 tỷ USD mỗi năm. Hiện thị trường số một của Việt Nam tiếp tục là Philippines (chiếm khoảng 35%), xếp sau là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi.
Theo ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), thị trường xuất khẩu gạo cuối năm 2023 và nửa đầu năm 2024 sẽ tiếp tục diễn biến thuận lợi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã và người dân cần đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhận định, từ cảnh lo toan “chạy gạo từng bữa” ở nhiều thập niên về trước, cây lúa hôm nay đã mở ra “đường lớn”, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu về sản lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, theo ông Hoan, trước những thách thức của biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng, chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo cần có những thích ứng linh hoạt để trở nên chuyên nghiệp từ đó phát triển bền vững. Theo đó, không chỉ tạo ra các sản phẩm chất lượng cao mà còn góp phần kiến tạo nên một hệ sinh thái ổn định, an lành.
Nhận diện điểm nghẽn
Điểm ra những vấn đề đang là điểm nghẽn của ngành lúa gạo, ông Cao Đức Phát - Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu lúa quốc tế IRRI, nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, thách thức lớn nhất là nâng cao thu nhập của người trồng lúa và thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững. Đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL vừa được Chính phủ phê duyệt là hướng đi tích cực cho ngành hàng lúa gạo. Tuy nhiên, cần có những giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện.
PGS.TS Nguyễn Phú Son (trường Đại học Cần Thơ) nhấn mạnh, có 10 điểm nghẽn chính đang cản trở mục tiêu phát triển chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng trách nhiệm và bền vững. Trong đó phải kể đến điểm nghẽn trong liên kết. Theo ông Son, các tác nhân tham gia chuỗi giá trị chưa nhận thức được đúng và đầy đủ về bản chất của liên kết. Mục tiêu liên kết của họ chỉ dừng lại ở chỗ đạt được lợi nhuận trong ngắn hạn dẫn đến hợp đồng liên kết chỉ mang tính thời vụ. Điểm nghẽn nữa là tư duy sản xuất kinh doanh của các tác nhân trong chuỗi chưa được chuyển đổi theo hướng thị trường và bền vững. Thiếu sự chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị.
Một điểm nghẽn nữa là qui mô sản xuất nhỏ dẫn đến thiếu vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, chất lượng cao…
"Có 4 giải pháp nhằm phát triển chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng trách nhiệm và bền vững. Đó là, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu lúa tập trung, chuyên canh lúa chất lượng cao theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh. Nghiên cứu và phát triển các mô hình liên kết bền vững giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo. Cắt giảm chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo. Xây dựng dự án nghiên cứu phát triển giống lúa và phát triển thương hiệu gạo chung của Việt Nam" - ông Son đề xuất.
“
Theo PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam: Một trong những hạn chế của ngành lúa gạo là thiếu gắn kết giữa các tác nhân tham gia chuỗi giá trị. Trong đó, nổi lên là sự thiếu gắn kết giữa nông dân với nhau, giữa nông dân với thị trường. Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam ra đời nhằm tạo ra sự liên kết, để tất cả cùng nhau phát triển và đưa ra một cách tiếp cận mới, hệ sinh thái mới cho ngành hàng lúa gạo.
Nhiệm vụ của hiệp hội, trước hết là tạo ra sự liên kết của các tác nhân với phương châm: “Thịnh vượng khởi đầu từ người trồng lúa”. Đầu tiên là sự liên kết giữa nông dân với nhau, rồi liên kết với thị trường thông qua các doanh nghiệp; Liên kết với các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế để có sự hoạt động hiệu quả và đảm bảo môi trường, giảm phát thải.
“
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) hoạt động sản xuất và chế biến lúa gạo Việt Nam đã có sự dịch chuyển lớn về phân khúc sản phẩm. Khu vực ĐBSCL nhìn chung nên tiếp tục ưu tiên sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm chủ lực như các bộ giống OM (5451, 18), Đài Thơm 8, Jasmine 85, nếp và các loại giống đặc sản như VD20, ST 24, ST25, RVT, Nàng Hoa… để đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các thị trường. Công tác nghiên cứu và phân phối giống lúa thuần chủng đến nông dân cần được chú trọng đầu tư để đạt được mục tiêu “ổn định” về cả sản lượng lẫn chất lượng trong dài hạn.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lien-ket-de-cung-thinh-vuong-10269038.html