Liên kết để gia tăng xuất khẩu xanh
Các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam Bộ đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với kinh tế đối ngoại, ngoại thương của Việt Nam. Xuất khẩu của các địa phương trong vùng chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của cả nước và đã mở rộng thị trường tới nhiều quốc gia.

Các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội giao thương tại Hội chợ Hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu năm 2025 diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 27 đến 29-3. Ảnh: V.Gia
Để phát triển bền vững, bài toán đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) cũng như các địa phương trong vùng là liên kết, cộng đồng sức mạnh để sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của thế giới.
Chuyển đổi sản xuất là con đường vươn ra biển lớn
Đối với DN, đặc biệt là các DN sản xuất và xuất khẩu, chuyển đổi xanh đã trở thành điều kiện tất yếu. Nếu không thực hiện chuyển đổi xanh, hàng hóa của DN sẽ khó có thể lưu thông trên thị trường quốc tế trong tương lai. Chuyển đổi sản xuất nhằm đáp ứng các xu hướng tiêu dùng mới như: thực phẩm xanh, sản phẩm thay thế, hay yêu cầu cao về truy xuất nguồn gốc… cũng sẽ tạo ra lộ trình phát triển đầy tiềm năng cho cộng đồng DN.
Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam, người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường, trong khi các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế đang siết chặt yêu cầu về phát thải và bền vững. Càng chuyển đổi sớm, DN sẽ càng có lợi thế cạnh tranh, tiếp cận thị trường toàn cầu hơn so với những đơn vị còn chần chừ, do dự.
Công ty CP Thực phẩm Bình Tây (Bình Tây Food - Thành phố Hồ Chí Minh) có thị trường xuất khẩu chiếm từ 70-80%, còn lại là thị trường nội địa. Chủ tịch HĐQT công ty Lê Thị Ngọc Giàu cho hay, DN đã dành rất nhiều chi phí để đầu tư nhà máy hiện đại theo hướng kinh tế tuần hoàn. DN coi đây là xu hướng tất yếu để đạt tiêu chuẩn của các thị trường nước ngoài khó tính. Xuất khẩu mỗi năm khoảng 50 triệu USD, Bình Tây Food tiếp tục với giấc mơ chinh phục xuất khẩu nên ngoài nhà xưởng quy mô lớn trong Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), công ty đã nhận chuyển giao dây chuyền, công nghệ sản xuất của một đơn vị tại Đài Loan và đầu tư xây dựng nhà máy tại Trảng Bom (Đồng Nai) trị giá hơn chục triệu USD.
Đối với DN ngành gỗ, việc xanh hóa sản xuất lại càng cấp thiết. Thời gian gần đây, các DN sản xuất gỗ ở Đồng Nai đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: thay đổi mẫu mã đa dạng, mở rộng thị trường, đổi mới công nghệ.
Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai Võ Quang Hà chia sẻ, ngành gỗ của tỉnh đang hợp tác, liên kết với các địa phương có quy mô sản xuất gỗ lớn trong cả nước để hướng tới sản xuất xanh bền vững. Đồng thời, các DN trong ngành cũng tập trung đầu tư cho máy móc, công nghệ mới, xây dựng vùng nguyên liệu đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn bảo vệ rừng khắt khe của các thị trường khó tính.
Liên kết để tạo sức mạnh cho thương hiệu Việt
Được mệnh danh là “vua” xuất khẩu trái cây Việt Nam nhưng Tổng giám đốc Vina T&T Group (Thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Đình Tùng nhìn nhận xuất khẩu nông sản của Việt Nam còn gặp nhiều thách thức. Điều này đặc biệt đúng với Vina T&T Group, vì DN này quyết định chọn Hoa Kỳ, một thị trường cực kỳ khó tính, để khai thác tiềm năng xuất khẩu.
Theo ông Tùng, Hoa Kỳ kiểm soát chặt chẽ trái cây tươi nhập khẩu về dư lượng của thuốc trừ sâu, các tác nhân gây bệnh, vi khuẩn. Nếu hàng nhập vào bị phát hiện có chứa chất bảo quản không cho phép, nhiễm nấm bệnh sẽ bị kiểm tra toàn bộ và có nguy cơ mất luôn thị trường, bởi sẽ vào danh sách đen. Không chỉ vậy, Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu chung trong lĩnh vực nông sản trên sân chơi quốc tế. Để nông sản Việt có thể ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế, cần phải xây dựng một ngôi nhà chung; điều này cũng đúng với các mặt hàng khác.
Theo đó, mỗi một doanh nhân, DN dù có thương hiệu nào đi nữa thì khi ra quốc tế cũng đều là thương hiệu chung Việt Nam, là sản phẩm Việt Nam, cùng hỗ trợ nhau nếu không sẽ bị cạnh tranh một cách khốc liệt từ các đối thủ quốc tế.
“Chúng tôi có đại diện ở nhiều quốc gia, vì thế không chỉ xuất khẩu trái cây mà chúng tôi cũng đại diện cho các DN khác bán những sản phẩm của họ. Nếu chúng ta biết liên kết, từ sức mạnh của cá thể riêng lẻ có thể tạo thành một khối thống nhất, khai thác một cách tốt nhất tiềm năng thị trường đối tác” - ông Tùng nhận định.
Theo các chuyên gia, ngoài vấn đề nỗ lực đầu tư cho chất lượng sản phẩm, tìm đối tác hợp tác thì một trong những giải pháp tốt là DN xuất khẩu bắt tay, đưa hàng hóa của mình vào chuỗi bán lẻ của đối tác. Việc có thể hợp tác được với những thương hiệu bán lẻ lớn của thế giới như: Aeon, Central Retail, Mega Market, Lotte… sẽ tạo thêm cho DN cơ hội đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng, từ đó xuất khẩu thành công ra nhiều thị trường thông qua các kênh phân phối.