Liên kết để phát triển

Nông dân chỉ cần chuyên tâm sản xuất ra sản phẩm có chất lượng, khâu chế biến sau thu hoạch, kết nối thị trường, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đã có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu. Nhờ đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết mà nhiều nông sản của huyện Bát Xát đã vươn xa chinh phục thị trường.

Ông Lục Như Trung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát chia sẻ: Nếu muốn phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy mô hàng hóa thì vấn đề tìm thị trường tiêu thụ là bài toán khó, bởi việc tiêu thụ nông sản hiện nay đã khác trước rất nhiều. Nếu nông dân phải làm cả 2 khâu vừa sản xuất vừa lưu thông thì không hiệu quả.

Dây chuyền sơ chế củ hoàng sin cô của Công ty TNHH dược liệu Tây Bắc (đặt tại xã Trịnh Tường).

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững, những năm qua, huyện Bát Xát đã đẩy mạnh xây dựng chuỗi nông sản, đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành một số chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, như mô hình liên kết trồng và tiêu thụ chuối tại các xã Trịnh Tường, Nậm Chạc với hơn 1.100 ha; trồng và sản xuất củ hoàng sin cô tại các xã Trịnh Tường, Y Tý, A Lù với hơn 140 ha; trồng dong riềng và sản xuất miến đao tại các xã Bản Xèo, Mường Vi, Dền Thàng với 135 ha; sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa Séng cù Mường Vi với 1.400 ha…

Gạo Séng cù Mường Vi được biết đến là sản phẩm truyền thống của huyện Bát Xát. Tuy nhiên, để hạt gạo Mường Vi được thị trường trong và ngoài tỉnh biết đến, sử dụng, ưa chuộng lại là cả một quá trình kỳ công của nhiều cấp, ngành xây dựng chuỗi liên kết. Cái thời gạo xát đóng bao không nhãn mác, mua bán bằng niềm tin đã qua khi Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi đứng ra làm khâu trung gian kết nối cung, cầu tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm được chế biến sau thu hoạch theo quy trình khép kín từ khâu sấy thóc, xay xát, đánh bóng hạt gạo, hút ẩm, đến đóng gói sản phẩm với nhãn mác đầy đủ thông tin, thiết kế đẹp mắt, hấp dẫn người tiêu dùng.

Anh Cao Xuân Diễn, Giám đốc Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi cho biết: Chúng tôi liên kết với người dân xã Mường Vi xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Séng cù. Hợp tác xã ký kết với hơn 70 hộ, hơn 65 ha lúa trong việc sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Các hộ được hợp tác xã ứng trước tiền giống, hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, vật tư nông nghiệp. Sản phẩm gạo Séng cù của hợp tác xã đã được chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh và có giá bán cao, thị trường tiêu thụ ổn định.

Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ chuối giữa Công ty TNHH Hoàng Bằng với gần 300 hộ ở xã Trịnh Tường và xã Cốc Mỳ rộng 1.100 ha. Mối liên kết này được thực hiện từ năm 2011 theo phương thức doanh nghiệp đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, người dân góp đất canh tác và công lao động. Đến thời điểm xuất bán, giá thu mua phía nước bạn được thông báo cho người trồng chuối, doanh nghiệp lo toàn bộ thủ tục, giao dịch với đối tác. Nông dân được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, quả chuối được cấp mã số vùng trồng, có tem truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch. Những năm qua, việc sản xuất và tiêu thụ chuối tương đối thuận lợi. Doanh nghiệp và người dân cùng chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro nên mối liên kết được duy trì bền chặt. Tham gia chuỗi liên kết sản xuất, nhiều hộ tại Trịnh Tường, Cốc Mỳ đã ổn định thu nhập, có việc làm, thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương, góp phần không nhỏ trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Huyện Bát Xát có nhiều thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, việc sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm chưa thực sự hiệu quả, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Từ khi các chuỗi liên kết nông nghiệp trên địa bàn huyện ra đời là lời giải cho bài toán gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ. Không những thế còn góp phần thay đổi thói quen sản xuất, cách suy nghĩ của người sản xuất, kinh doanh về sản xuất bền vững.

Ông Lục Như Trung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát cho biết thêm: Huyện đang định hướng, giúp người dân yên tâm sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp mạnh dạn liên kết, đầu tư, trong đó có việc thực hiện tốt các chính sách về tích tụ đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Chú trọng việc liên kết giữa các vùng để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với xây dựng các thương hiệu, sản phẩm hàng hóa đặc hữu. Đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp xây dựng cơ sở, nhà máy chế biến nông, lâm sản; liên kết với các hộ nông dân từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết.

Trên cơ sở các chuỗi liên kết đã và đang hình thành, huyện Bát Xát đề ra mục tiêu đến năm 2025 hình thành thêm 8 chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, chú trọng vào phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương như chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu, sản phẩm chè, rau ôn đới, cây ăn quả, cá nước lạnh, sản phẩm gia súc (ngựa, dê...), nâng cao giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác đạt trên 85 triệu đồng...

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/353951-lien-ket-de-phat-trien