Liên kết để phát triển

Bài 2:
CẦN “CÚ HÍCH”
TRONG LIÊN KẾT VÙNG

BPO - Sau khi các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh ký thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025 với chủ đề “Liên kết - Phát triển - Bền vững” thì đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn mọi hoạt động du lịch trong toàn vùng nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, nhờ có sự thống nhất cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đào tạo nguồn, phát triển sản phẩm du lịch và sự cố gắng của các cấp, ngành, du lịch vùng Đông Nam Bộ đã có những kết quả rất đáng phấn khởi.

Những con số ấn tượng

Thời điểm 2020-2022 là giai đoạn du lịch thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 hoành hành. Tuy nhiên, nhờ các tỉnh, thành phố trong vùng đã chủ động tổ chức nhiều tour, tuyến du lịch liên kết với nhau nên khách du lịch đến các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ đạt hơn 74 triệu lượt (trong đó có 3,1 triệu lượt khách quốc tế), tổng doanh thu hơn 262.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong thời gian này, dù bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid-19 nhưng các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ đã tổ chức được 8 sự kiện du lịch tiêu biểu, có sự tham gia đầy đủ của đại diện lãnh đạo các địa phương trong vùng. Thông qua sự kiện, các địa phương đã trưng bày, quảng bá, xúc tiến du lịch cũng như giới thiệu những sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh, thành đến khách tham quan trong và ngoài nước. Riêng tỉnh Bình Phước tổ chức được 3 sự kiện: “Không gian trưng bày, quảng bá văn hóa, du lịch và giới thiệu ẩm thực đặc trưng các địa phương vùng Đông Nam Bộ (tháng 1-2021) trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày giải phóng Phước Long (6-1); tọa đàm với chủ đề “Giới thiệu điểm đến du lịch vùng Đông Nam Bộ”; hội thảo “Tiềm năng và giải pháp phát triển du lịch Bình Phước”.

Du lịch dã ngoại đang là thế mạnh của Bình Phước. Trong ảnh: Du khách khám phá, trải nghiệm tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội chợ du lịch trực tuyến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2021 và 2022 trên sàn thương mại điện tử. Tỉnh Bình Dương tổ chức thành công cuộc thi “Ảnh đẹp du lịch Bình Dương”; cuộc thi “Thuyết minh, giới thiệu các điểm đến du lịch tỉnh Bình Dương” và “Viết cảm nhận về du lịch Bình Dương”. Các hoạt động nêu trên có sự tham gia của các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ. Hoạt động quảng bá du lịch được các tỉnh, thành phố phối hợp đăng tải, đưa tin trên các cơ quan báo chí địa phương, cổng thông tin điện tử, trang mạng xã hội, các group cộng đồng… đặc biệt là ứng dụng công nghệ số vào quảng bá du lịch.

Cùng với đó, việc đào tạo, nâng chất lượng nguồn nhân lực cũng được các địa phương trong vùng ưu tiên, liên kết với nhau. Các chuyên đề về hướng dẫn viên du lịch; quản lý điểm đến và phát triển sản phẩm du lịch; quản lý mô hình khách sạn nhỏ và homestay được tổ chức đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch của từng tỉnh, thành. Trong đó, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã chủ trì, phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức được 3 chuyên đề bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; 10 lớp đào tạo nghiệp vụ cho học viên thuộc các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ.

Cần những chiến lược mới

Rào cản lớn nhất ảnh hưởng đến liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ thời gian qua chính là dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp làm cho ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề. Nhiều nơi trong nước và ngay cả vùng Đông Nam Bộ, không ít doanh nghiệp kinh doanh du lịch phải tạm dừng hoạt động trong thời gian dài. Một số cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phải ngưng hoạt động, rút vốn; bị thiệt hại nặng nề về tài chính, lực lượng lao động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch mất việc làm, giảm thu nhập. Việc kết nối sản phẩm du lịch thành tour, tuyến chưa hiệu quả, do chưa có sự kết nối liên thông giữa các công ty du lịch, doanh nghiệp lữ hành với các địa phương. Các tỉnh như Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt để thu hút khách du lịch. Vì vậy, liên kết để phát triển là xu hướng tất yếu đối với hoạt động du lịch trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ, đã có những con số thống kê rất ấn tượng nhưng vẫn có một số việc chưa triển khai thực hiện được do dịch Covid-19. Do đó, ngay lúc này, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực, quyết liệt, quyết tâm cao trong liên kết nhằm tạo ra sức mạnh nội sinh cho hoạt động du lịch ở mỗi địa phương phát triển xứng tầm, thúc đẩy du lịch Đông Nam Bộ, du lịch Việt Nam vươn ra biển lớn.

Núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh), điểm đến về du lịch tâm linh đang thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước - Ảnh: Tiến Dũng

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: Trong liên kết để phát triển bền vững, du lịch Đông Nam Bộ còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, mỗi tỉnh, thành phố phải xây dựng một môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn về thực phẩm; phải tạo ra những sản phẩm đặc thù, riêng biệt của từng địa phương. Các tỉnh, thành phố phải chọn những điểm nhấn để quảng bá về tiềm năng, sản phẩm du lịch đồng thời phải quảng bá, quảng cáo du lịch vùng ra thị trường trong nước và quốc tế. TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu, có trách nhiệm hướng dẫn, chủ động kết nối, mở đường và tạo ra những sản phẩm quảng bá, quảng cáo cho du lịch Đông Nam Bộ nói chung. Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh chính là nơi cung cấp nguồn nhân lực, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch để hỗ trợ cho toàn vùng.

Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Saco Travel (TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: Trước đây, các địa phương xúc tiến liên kết về du lịch chưa đồng bộ. Quảng bá du lịch không mang tính toàn vùng, chỉ đơn lẻ theo từng địa phương, chưa tuyên truyền và quảng cáo sản phẩm du lịch cho nhau; chưa có được sản phẩm du lịch liên kết các vùng thật đặc sắc; tiêu chuẩn dịch vụ và chất lượng phục vụ ở từng địa phương trong vùng có sự chênh lệch rõ nét. Vì vậy, để du lịch Đông Nam Bộ phát triển ngày một hiệu quả, vùng phải có những đột phá mới như cần tìm ra chiến lược mới. Đẩy mạnh hơn nữa sự kết nối giữa các địa phương về phát triển du lịch, thường xuyên tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá chung cho toàn vùng và các tỉnh, thành phố cần quan tâm phát triển mạnh hơn nữa đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, hạ tầng các khu điểm du lịch để thu hút du khách.

Cơ quan chuyên môn về du lịch của các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ phải chủ động hơn nữa trong việc tham mưu triển khai thực hiện các nội dung đã ký kết. Vùng Đông Nam Bộ cần có các chương trình, đề án phát triển du lịch chung, gắn kết các sản phẩm du lịch của địa phương với nhau để tạo nên thế mạnh du lịch chung của vùng. Đặc biệt là đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến quảng bá nhằm kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước
TRẦN TUYẾT MINH

Như vậy, có thể nói trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, hợp tác, liên kết để phát triển du lịch luôn là vấn đề quan trọng được quan tâm đặc biệt từ cấp địa phương đến quốc gia. Hợp tác, liên kết sẽ khắc phục được tình trạng phát triển nhỏ lẻ, manh mún, không chuyên nghiệp, bổ sung, hỗ trợ các nguồn lực để cùng nhau phát triển ngành du lịch. Hoạt động hợp tác, liên kết của các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ thời gian qua đã góp phần đưa ngành “công nghiệp không khói” của Việt Nam phát triển lên tầm cao mới. Điều này sẽ tạo thêm những “cú hích” cho du lịch Bình Phước “cất cánh”.

T.Hòa - T.Thùy - P.Dung

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/20/141955/lien-ket-de-phat-trien