Liên kết để phát triển các mô hình kinh tế nhỏ do phụ nữ làm chủ

Với việc tham gia vào tổ hợp tác (THT) do phụ nữ quản lý, nhiều chị em ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) 'ăn nên làm ra' nhờ được sẻ chia kinh nghiệm, tương tác lẫn nhau.

Nuôi hươu vốn được coi là nghề truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Hương Sơn. Vì thế, nhiều hộ gia đình ở thôn Động Eo, xã Sơn Tiến lựa chọn hướng đi này để phát triển kinh tế. Để hỗ trợ nhau về kinh nghiệm, lao động, các hộ nuôi đã thành lập THT Chăn nuôi hươu thôn Động Eo.

Từ khi vào THT Chăn nuôi hươu, mọi trở ngại của chị Phan Thị Hằng về kinh nghiệm sản xuất, nguồn vốn đều được tháo gỡ.

Từ khi vào THT Chăn nuôi hươu, mọi trở ngại của chị Phan Thị Hằng về kinh nghiệm sản xuất, nguồn vốn đều được tháo gỡ.

“Gia đình tôi có 10 con hươu (5 đực, 5 cái), nhiều nhất trong THT. Mỗi năm, đàn hươu của gia đình cho thu nhập trên 100 triệu đồng từ bán hươu giống và nhung. Tham gia vào THT, chúng tôi hỗ trợ nhau mọi lúc, nhất là tăng cường lao động mùa cao điểm thu hoạch nhung. Vào mùa thu hoạch, nhà ai cắt nhung thì chỉ cần báo trước mấy ngày là các thành viên trong tổ tham gia hỗ trợ nên mọi việc đều hanh thông” - chị Phan Thị Hằng (SN 1977), thành viên THT Chăn nuôi hươu thôn Động Eo chia sẻ.

Đối với chị Phan Thị Vân (SN1988, trú cùng thôn), việc tham gia vào THT chăn nuôi là điều sáng suốt. Không chỉ được vay vốn 10 triệu đồng từ Quỹ Phụ nữ huyện với lãi suất ưu đãi 0,5%/năm để tăng quy mô đàn hươu của gia đình lên 5 con mà quan trọng là chị thường xuyên được các thành viên lớn tuổi như: ông Phan Văn Lan (SN 1952), bà Phan Thị Nhường (SN 1958), có thâm niên hơn 30 năm trong nghề sẻ chia những kinh nghiệm về kỹ thuật, cách phòng tránh những rủi ro thông qua những buổi sinh hoạt THT và các chương trình tập huấn.

Chị Phan Thị Vân chăm sóc đàn hươu của gia đình.

Chị Phan Thị Vân chăm sóc đàn hươu của gia đình.

Chị Vân, chị Hằng là 2 trong số 12 thành viên THT chăn nuôi hươu Động Eo được thành lập vào tháng 7/2022. Tuy mới thành lập nhưng theo bà Đường Thị Như Trang - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Tiến, hiệu quả đạt được khá cao, việc tìm kiếm tìm mối tiêu thụ cũng dễ dàng, thuận lợi.

Phát triển kinh tế qua liên kết những hộ gia đình có cùng ngành nghề được coi là hướng phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt, việc tham gia vào các THT, các thành viên sẽ nhận được sự hỗ trợ của các cấp hội từ huyện đến tỉnh về nguồn vốn, quy trình kỹ thuật, cơ chế chính sách...

THT Nuôi ong thôn 4, xã Sơn Lĩnh ra mắt vào tháng 8/2022 gồm 16 thành viên. Tại lễ ra mắt, THT được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ việc đóng chai, in nhãn mác; Hội LHPN huyện tạo cơ chế cho vay 120 triệu đồng với lãi suất ưu đãi.

Chỉ sau khoảng thời gian ngắn, gia đình chị Nguyễn Thị Liên, thôn 4, xã Sơn Lĩnh tăng từ 20 đàn ong lên 32 đàn ong.

Chỉ sau khoảng thời gian ngắn, gia đình chị Nguyễn Thị Liên, thôn 4, xã Sơn Lĩnh tăng từ 20 đàn ong lên 32 đàn ong.

Bà Nguyễn Thị Liên - Tổ trưởng THT nuôi ong thôn 4, xã Sơn Lĩnh cho biết: “Trước khi thành lập, mỗi thành viên có trung bình từ 7 - 20 đàn ong. Đến nay, tất cả các thành viên đều tăng đàn, hộ ít nhất có 14 đàn, hộ nhiều nhất là 32 đàn. Sản lượng sản xuất mật ong của THT đạt trên 250 lít, cao hơn 80 lít so với trường đây".

Các thành viên THT nuôi ong thôn 4, xã Sơn Lĩnh đóng chai, chuẩn bị xuất mật ong ra thị trường.

Các thành viên THT nuôi ong thôn 4, xã Sơn Lĩnh đóng chai, chuẩn bị xuất mật ong ra thị trường.

Chị Liên cũng chia sẻ, hiện nay, thương hiệu mật ong Sơn Lĩnh đã được rất nhiều khách hàng biết đến và ưa chuộng. Sản phẩm của THT thu hoạch đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. THT đang xây dựng kế hoạch phát triển đàn ong tăng gấp đôi thời điểm hiện tại để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện Hương Sơn thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hộ hướng đến liên kết trong sản xuất kinh doanh, giai đoạn 2022 - 2026”. Đề án do Hội LHPN tỉnh xây dựng nhằm hỗ trợ chị em giải quyết những khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế trong hội viên.

Thương hiệu mật ong Sơn Lĩnh hiện được nhiều người dân ưa chuộng.

Thương hiệu mật ong Sơn Lĩnh hiện được nhiều người dân ưa chuộng.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập được 10 mô hình THT với 135 thành viên tham gia tại 7 địa phương: Sơn Tiến, Sơn Lĩnh, Sơn Châu, An Hòa Thịnh, thị trấn Phố Châu, Tân Mỹ Hà, Sơn Trung. Hội LHPN huyện Hương Sơn đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức 8 lớp tập huấn nghề nghiệp và giải ngân cho vay 1,4 tỷ đồng với lãi suất 0,5%/năm (trong 2 năm) từ nguồn vốn Quỹ tín dụng Phụ nữ huyện.

Theo bà Võ Thị Hương - Chủ tịch Hội Phụ nữ Hương Sơn, phát triển kinh tế hộ gia đình, hướng đến liên kết trong SXKD giai đoạn 2022 - 2026 là chủ trương của Hội LHPN Hà Tĩnh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của các hội viên thông qua các mô hình THT, HTX. Hương Sơn được xác định có 4 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, gồm: hươu, ong, chè, cam bù. Hiện, 2 sản phẩm chè, cam bù đều đã hình thành các THT, HTX sản xuất theo hướng VietGAP nên 10 THT ở Hương Sơn chỉ còn 2 sản phẩm hươu và ong. Dù mới thành lập nhưng các THT đều hoạt động hiệu quả. Năm 2023, Hội dự kiến sẽ thành lập mới thêm 5 THT tại các xã trên toàn huyện.

Tin liên quan:

Hoài Nam

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/khoi-nghiep/lien-ket-de-phat-trien-cac-mo-hinh-kinh-te-nho-do-phu-nu-lam-chu/248479.htm