Liên kết để phát triển rừng trồng theo hướng bền vững
Nông dân huyện Sông Hinh thu hoạch gỗ rừng trồng - Ảnh: ANH NGỌC
Thời gian qua, diện tích rừng trồng ở Phú Yên phát triển rất nhanh, mức thu nhập của người dân sống dựa vào rừng cũng được cải thiện. Tuy nhiên, việc phát triển rừng trồng vẫn còn nhiều bất cập, chưa mang lại hiệu quả cao và bền vững.
Nằm trong chuỗi hoạt động Trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ lĩnh vực nông, lâm, thủy sản năm 2019, UBND tỉnh đã tổ chức hội thảo chuyên đề về phát triển rừng trồng tại Phú Yên, với mong muốn đổi mới công nghệ theo chuỗi để phát triển rừng trồng theo hướng bền vững.
Nhiều chuyển biến
Theo Sở NN-PTNT, sau 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành Lâm nghiệp của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả rõ nét, tạo chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, kinh tế.
Trong những năm qua, diện tích rừng trồng phát triển rất nhanh, mức thu nhập và đời sống của người dân sinh sống dựa vào rừng cũng được cải thiện. Hiện diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp ở Phú Yên khoảng 276.045ha, đến nay đã có khoảng 103.465ha rừng trồng, năng suất bình quân khoảng 17m3/ha/năm.
“UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương rà soát, quy hoạch lại toàn bộ diện tích rừng, đất rừng và có giải pháp cụ thể để quản lý, bảo vệ rừng, phát huy tối đa chức năng rừng. Phú Yên đang đẩy mạnh chủ trương hợp tác, liên kết đầu tư trồng rừng theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động cung ứng dịch vụ môi trường rừng, phát triển thị phần gỗ và sản phẩm gỗ, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ sau chế biến.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế”
Ông Trần Văn Điện ở xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa), cho biết: Thời gian trồng rừng có chu kỳ rất dài (khoảng 5-7 năm), nếu đầu tư cùng lúc thì không đủ năng lực nên gia đình tôi song song trồng các loại cây ngắn ngày nhằm lấy ngắn nuôi dài. Với phương châm trồng rừng theo kiểu “cuốn chiếu”, đến nay gia đình tôi đã có khoảng 200ha rừng trồng đủ lứa tuổi (từ 1-7 năm).
Khó khăn nhất là mấy năm đầu vì vừa thiếu vốn lại chậm thu hoạch, nhưng khi đã ổn định thì thu nhập từ rừng trồng là rất lớn. Gia đình tôi đang tìm doanh nghiệp để liên kết từ trồng, chế biến, tiêu thụ gỗ rừng nhằm chủ động hơn và tạo nguồn thu ổn định hơn. Đối với rừng trồng từ 3 năm trở lên, tôi đang đầu tư chăm sóc một số diện tích để phát triển thành rừng gỗ lớn, nâng cao giá trị.
Theo Sở NN-PTNT, hiện nay trên địa bàn tỉnh số tổ chức, cá nhân trồng và quản lý rừng theo hướng bền vững chưa nhiều nên nguồn nguyên liệu đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững còn hạn chế. Việc liên kết theo chuỗi từ khâu tạo giống đến chế biến, xuất khẩu giữa người trồng rừng với doanh nghiệp chưa chặt chẽ; hạ tầng lâm sinh chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa trong sản xuất lâm nghiệp giữa các ban quản lý rừng phòng hộ với các doanh nghiệp chưa được triển khai do thiếu cơ chế chính sách.
Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Phú Yên hiện có 7 doanh nghiệp đầu tư vốn, công nghệ vào trồng rừng với diện tích hơn 10.055ha, trong đó có 3 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ rừng FSC (quản lý rừng theo hướng bền vững) với tổng diện tích khoảng 8.635ha gồm Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên, Công ty TNHH Bình Nam và Công ty TNHH Trồng rừng Trường Thành OJI.
Tạo điều kiện để phát triển
Ông Võ Văn Dự, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chủ tịch Hội Chủ rừng phát triển bền vững (FOSDA) tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: Thừa Thiên - Huế có khoảng 67.000ha rừng keo do hộ gia đình quản lý. Tất cả sản phẩm gỗ sau 4-5 năm các hộ này khai thác bán gỗ dăm giấy, hiệu quả kinh tế không cao. Để thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh đã phát triển rừng trồng gỗ lớn và tham gia chứng chỉ rừng FSC.
Đến nay, FOSDA có 35 chi hội với hơn 945 hội viên là hộ gia đình và 6 hội viên là các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị rừng trồng keo bao gồm cả gỗ lớn và gỗ nhỏ tận dụng làm dăm, có chứng chỉ rừng FSC theo tiêu chí quản lý rừng bền vững. Chiến lược quản lý rừng bền vững của FOSDA đến năm 2020 là có ít nhất 5.000ha rừng trồng keo gỗ lớn của khoảng 1.250 lâm hộ có chứng chỉ FSC; thành lập 30 HTX lâm nghiệp bền vững từ các chi hội hiện có.
Ông Trần Đăng Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên, cho biết: Công ty hiện có trên 3.500ha diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh, trong đó có gần 2.000ha rừng đã được cấp chứng chỉ FSC. Hiện công ty có 2 nhà máy chế biến gỗ rừng trồng và đang liên doanh với Tập đoàn Econecol (Nhật Bản) đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất viên nén gỗ hiện đại, dự kiến nhà máy này đưa vào hoạt động trong năm 2021.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy này, công ty đang liên kết với các chủ rừng để mở rộng và phát triển vùng nguyên liệu theo hướng bền vững. Theo đó, công ty sẽ tham gia là thành viên của 11 HTX lâm nghiệp kiểu mới với diện tích rừng trồng từ 8.000-10.000ha.
Đây là điều kiện để công ty tham gia góp vốn, hỗ trợ cây giống, kỹ thuật cho các HTX trồng rừng và cam kết bao tiêu 100% sản lượng gỗ khai thác của HTX, thành viên HTX lâm nghiệp với giá ổn định từ 10-20 năm. Ngoài ra, đối với diện tích rừng có chứng chỉ FSC thì giá thu mua cao hơn giá thị trường từ 5-15%, đồng thời hỗ trợ làm chứng chỉ rừng bền vững cho các HTX lâm nghiệp này.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Việc sản xuất lâm nghiệp có chu kỳ kinh doanh dài, vốn đầu tư lớn, mức độ rủi ro cao, do đó việc thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực trồng rừng. Để thu hút được doanh nghiệp có nguồn lực tham gia vào chuỗi, cần rà soát, đánh giá lại một cách khoa học toàn bộ diện tích rừng trồng theo từng điều kiện lập địa, tương ứng với từng đối tượng chủ rừng để có giải pháp thực hiện hiệu quả.
Bên cạnh đó tỉnh cũng cần có những cơ chế, chính sách đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp, sự hỗ trợ từ các sở, ngành và địa phương. Các chủ rừng cần xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, lấy doanh nghiệp chế biến làm trung tâm các chuỗi theo định hướng tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp tỉnh.