Liên kết làm nông nghiệp sạch, HTX giúp kinh tế nông thôn ở Tây Ninh ngày một khấm khá
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đang có nhiều chuyển biến trong công tác xóa đói giảm nghèo. Một trong những điểm nhấn thành công trong công tác này là việc nhiều HTX đã giúp người nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp sạch, chủ động liên kết với các thành phần kinh tế khác để phát triển, tiêu thụ sản phẩm.
HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Bình (thị xã Trảng Bàng) là một điển hình trong câu chuyện này. Thời gian qua, HTX liên kết với Tập đoàn Lộc Trời sản xuất lúa giống mới với diện tích 20 ha. Sản lượng sau thu hoạch bán lại cho Tập đoàn Lộc Trời hoặc thỏa thuận để lại cho thành viên HTX tiếp tục sản xuất lúa thương phẩm nhằm nâng cao năng suất, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống thành viên.
Liên kết sản xuất giúp nông dân thoát nghèo
Ngoài ra, HTX còn sản xuất lúa thương phẩm, liên kết với Công ty Lúa Vàng Việt sản xuất lúa OM 5451, OM 18 với tổng diện tích 174 ha; mỗi năm sản xuất 2 vụ. HTX còn liên kết với người dân ngoài thành viên HTX để mở rộng diện tích sản xuất, tạo tiền đề để mở rộng, kết nạp thành viên mới, tăng quy mô của HTX.

Liên kết trồng lúa đang giúp các HTX trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đạt được những thành công mới, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Ông Cao Văn Thả- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Bình cho biết, HTX được lựa chọn là một trong những mô hình HTX kiểu mới hiệu quả. Ngoài sản xuất lúa, HTX còn hoạt động dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp và dịch vụ đầu mối bao tiêu nông sản cho thành viên. Mỗi năm, HTX cung cấp cho thành viên trên 156 tấn phân bón và các loại thuốc bảo vệ thực vật đáp ứng khâu đầu vào trong sản xuất; đồng thời hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho thành viên mỗi năm gần 1 tấn.
Một HTX khác là HTX Giống cây trồng và Dịch vụ Nông nghiệp xã Bàu Đồn cũng là một điển hình trong câu chuyện này. Thời gian qua, HTX đã và đang khẳng định vai trò là một “cầu nối” vững chắc giữa người nông dân và các doanh nghiệp. Bằng việc chú trọng vào liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật và tạo ra nhiều cơ hội việc làm, HTX Bàu Đồn không chỉ nâng cao thu nhập cho các thành viên mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của địa phương.
Một trong những chiến lược then chốt của HTX là chủ động tìm kiếm và ký kết các hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Thông qua các hợp đồng này, HTX đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm của các thành viên với mức giá hợp lý, giúp người nông dân yên tâm sản xuất và có thu nhập bền vững.
Bên cạnh đó, HTX còn chú trọng đến việc cung cấp giống cây trồng chất lượng cao, được kiểm định rõ ràng, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. HTX cũng tích cực phối hợp với các cơ quan khuyến nông, các nhà khoa học để chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng dẫn người nông dân áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh tế.
Một thành viên của HTX, chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống rất vất vả. Từ khi tham gia HTX và canh tác theo hướng dẫn, lại có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, thu nhập của gia đình tôi đã ổn định hơn rất nhiều. Tôi đã có tiền để sửa sang nhà cửa và cho con cái đi học đầy đủ. Tôi rất biết ơn HTX đã giúp gia đình tôi thoát nghèo”.
Kinh tế tập thể ngày một vững mạnh
Nhờ sự nỗ lực, tận tâm trong phát triển KTTT, HTX của tỉnh, huyện và Liên minh HTX tỉnh Tây Ninh mà thời gian qua, khu vực HTX đã có những chuyển biến rõ rệt. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 130 HTX nông nghiệp, trong đó có 31 HTX trồng trọt, 7 HTX chăn nuôi, 2 HTX nuôi trồng thủy sản, 10 HTX dịch vụ thủy lợi, 80 HTX nông nghiệp tổng hợp. Các HTX nông nghiệp từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, tiền đề quan trọng thúc đẩy hình thành các tổ hợp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản quy mô vừa và nhỏ hướng đến quy mô lớn.

Nhờ chiến lược đúng đắn và sự hỗ trợ từ các chính sách phát triển nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh, KTTT, HTX trên địa bàn ngày một phát triển. Ảnh BTN
Hiện nay, các chính sách hỗ trợ lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX đã được tỉnh quan tâm, cụ thể hóa bằng nghị quyết để triển khai thực hiện thuận lợi hơn; các chính sách hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp cũng được lồng ghép để hỗ trợ tổ hợp tác, HTX trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể.
Ngày càng nhiều tổ hợp tác, HTX nỗ lực, khắc phục khó khăn, định hướng thành viên tham gia sản xuất nông nghiệp sạch theo mô hình VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, chủ động liên kết với các thành phần kinh tế khác để phát triển, tiêu thụ sản phẩm.
Đơn cử như HTX Cây Ăn trái Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, được thành lập vào năm 2020 với chỉ 32 thành viên, quản lý và canh tác trên diện tích 40 ha sầu riêng. Qua hơn ba năm hoạt động, HTX đã không ngừng phát triển và mở rộng quy mô, hiện nay có 62 thành viên với diện tích canh tác trên 115 ha.
Sản phẩm sầu riêng của HTX Cây Ăn trái Bàu Đồn đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao, khẳng định chất lượng vượt trội và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, HTX đã chủ động đăng ký vùng trồng và xây dựng mã QR nhãn hiệu cho sầu riêng.
Nhờ chiến lược đúng đắn và sự hỗ trợ từ các chính sách phát triển nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh, HTX Cây Ăn trái Bàu Đồn đang trở thành một mô hình tiêu biểu, không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần đưa nông sản địa phương vươn xa trên thị trường.
Xóa đói giảm nghèo bền vững
Một điểm nữa rất đáng ghi nhận từ khu vực KTTT, HTX ở Tây Ninh là thời gian qua, khu vực này đang trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác xóa đói giảm nghèo. Những HTX như trên chỉ là một vài trong số hàng trăm HTX đang phát triển mạnh mẽ, tạo công ăn việc làm và góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương.
Dù đạt được nhiều thành tựu, các HTX nông nghiệp ở Tây Ninh vẫn đối mặt với một số thách thức, như thiếu vốn đầu tư dài hạn, khó khăn trong việc tiếp cận thị trường quốc tế và hạn chế về công nghệ sản xuất hiện đại.
Theo đó, tổng số hộ dân cư trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2024 là 324.906 hộ/1.179.989 người. Tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo qua rà soát là 1.486 hộ, chiếm 0,46% (giảm 597 hộ; giảm 0,19 % so với năm 2023), cụ thể: hộ nghèo có 334 hộ, chiếm 0,1% (giảm 178 hộ, giảm 0,06 % so với năm 2023); hộ cận nghèo có 1.152 hộ, chiếm 0,36% (giảm 419 hộ, giảm 0,13% so với năm 2023).
Theo Liên minh HTX tỉnh Tây Ninh, thời gian qua nhờ sự chỉ đạo và hỗ trợ từ phía Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ, đào tạo, định hướng cho khu vực HTX tỉnh phát triển. Theo đó, chất lượng nông sản hàng hóa của các HTX nông nghiệp ngày càng được nâng lên; sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, mẫu mã, bao bì phong phú; các HTX nông nghiệp đã thu hút được nhiều doanh nghiệp liên kết đầu tư; liên kết vùng nguyên liệu, phát triển thị trường, mở rộng sản xuất, thu hút được nhiều lao động ở nông thôn tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, đã hình thành và phát triển liên kết kinh tế giữa các HTX nông nghiệp với nhau và giữa HTX nông nghiệp với doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đến nay, tỉnh có 94/130 HTX hoạt động có hiệu quả; có 30/130 HTX ứng dụng công nghệ cao; có 80/130 HTX tham gia chuỗi liên kết.
Tuy nhiên, thực tế khu vực HTX trên địa bàn vẫn còn nhiều việc phải làm, sự phát triển còn chưa được như kỳ vọng. Do đó, tỉnh Tây Ninh đặt ra các định hướng phát triển trong thời gian tới như: Tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các chính sách về đất đai, tín dụng và khoa học công nghệ để các HTX có đủ nguồn lực đầu tư và phát triển bền vững.
Tỉnh sẽ ưu tiên hỗ trợ các HTX chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp thông minh, áp dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất. Các HTX cần hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.