Liên kết nuôi tôm - trồng lúa, nông dân 'sống khỏe'
Với thế mạnh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp thủy sản, thời gian qua, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau thúc đẩy xây dựng mô hình sản xuất theo hướng liên kết, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích canh tác, xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững cho nông dân.
Sau hơn một thập kỷ phát triển, xuất phát từ một tổ hợp tác nhỏ, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, HTX Chế biến Thương mại Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Cái Bát vươn mình trở thành một trong những HTX điểm, với vùng nguyên liệu tôm, tôm - lúa giá trị cao.
Hiệu quả từ con tôm
Ông Nguyễn Hoàng Ân, Chủ tịch HĐQT HTX Cái Bát, cho hay nghề nuôi tôm, trồng lúa đã gắn bó với người dân ấp Cái Bát nói riêng và xã Hòa Mỹ nói riêng từ rất lâu. Tuy nhiên, trước đây, người dân đa phần làm ăn tự phát, mạnh ai nấy làm, thị trường bấp bênh nên hiệu quả không cao.
Năm 2012, để nâng cao hiệu quả, một số hộ nuôi tôm tại địa phương đã chủ động liên kết thành lập tổ hợp tác để hỗ trợ trong sản xuất. Thành viên tham gia cứ thế liên tục tăng dần lên, đến tháng 9/2014, Tổ hợp tác chính thức đăng ký thành lập HTX gồm 12 thành viên, với 47 ha đất nuôi tôm.
Kể từ khi thành lập, HTX trở thành điểm tựa sản xuất, làm giàu cho hàng trăm thành viên và nông dân liên kết. Cụ thể, HTX hỗ trợ thành viên khâu ký hợp đồng mua vi sinh, con giống với các công ty có uy tín trên thị trường, hỗ trợ các thành viên tham gia mua con giống, vật tư nông nghiệp… giá rẻ hơn so với bên ngoài.
Ðồng thời, HTX cũng hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật nuôi tôm và liên kết với các công ty chế biến thủy sản để thực hiện nuôi tôm sạch, đảm bảo đầu vào và đầu ra ổn định cho thành viên.
Năm 2017, sau những khó khăn ban đầu, với sự đồng hành của địa phương, HTX dần tìm ra hướng đi hiệu quả nhất với mô hình nuôi tôm sạch. HTX cũng chủ động liên kết với doanh nghiệp để đánh giá chứng nhận vùng nuôi, tăng hàm lượng kỹ thụat để bảo đảm tạo ra những sản phẩm chất lượng.
Ðến thời điểm này, toàn bộ vùng nuôi trồng thủy sản của HTX đã được chứng nhận ASC, VietGAP, công nhận vùng nuôi an toàn và đang được đánh giá để chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Năm 2022, HTX thu hoạch tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn đạt năng suất 300 kg/ha, nuôi cua 2 giai đoạn đạt 250 kg/ha, nuôi cá phi lồng ghép ổn định đạt 400 kg/ha. Bên cạnh đó, HTX cũng đã đạt doanh thu 3,2 tỷ đồng việc chế biến các mặt hàng thủy sản và lợi nhuận thu được là 500 triệu đồng.
Phát huy thế mạnh thủy sản
Ông Lê Văn Cọl, Trưởng ấp Cái Bát, cho hay trước đây người dân nuôi tôm riêng lẻ, xả thải trực tiếp ra môi trường gây ảnh hưởng nguồn nước và khó kiểm soát dịch bệnh, không ít gia đình liên tục thua lỗ do tôm chết triền miên, nhiều hộ lâm vào cảnh thu không đủ bù chi.
“Mọi chuyện dần thay đổi khi các hộ tham gia HTX, cùng nhau cải tạo ao vuông, nuôi trồng theo hướng khoa học, có liên kết cả đầu vào và đầu ra. Nhờ đó, kinh tế hộ gia đình từng bước phát triển, hộ nghèo trong ấp giảm dần, hộ khá giả cũng tăng qua từng năm", ông Cọl phấn khởi nói.
Cũng ở xã Hòa Mỹ, những năm qua, HTX Hoàng Mỹ đang trở thành điểm tựa trong phát triển sản xuất, làm giàu cho hàng chục thành viên, nông dân liên kết. HIện, HTX lựa chọn phương pháp nuôi sú theo hướng hữu cơ, VietGAP, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.
Tại các xã Phú Hưng, Thạnh Phú, nhiều hộ dân còn chủ động ngăn mặn, giữ ngọt thực hiện mô hình lúa tôm kết hợp. Thông qua mô hình này, đã góp phần cải tạo môi trường, giúp nuôi tôm đạt hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho nông dân.
Trong khi đó, ở các xã Đông Thới, Trần Thới, Đông Hưng, Tân Hưng và thị trấn Cái Nước, người nông dân còn mở rộng diện tích nuôi sò huyết kết hợp trong vuông nuôi tôm với diện tích 3.000 ha, đem lại hiệu quả kinh tế từ 30-50 triệu đồng/ha/vụ.
Có thể thấy, nuôi trồng thủy sản đang là mô hình thế mạnh trên địa bàn huyện Cái Nước. Theo thống kê, toàn huyện hiện có tổng diện tích thủy sản trên 30.200 ha, được quy hoạch phát triển với 3 loại hình sản xuất chủ đạo gồm: nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh diện tích hơn 1.000 ha, nuôi tôm quảng canh cải tiến hơn 27.100 ha và nuôi tôm kết hợp với cua, sò huyết và các loài thủy sản khác.
Tiếp tục nâng cao giá trị
Thông qua thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, trong những năm qua, sản lượng thủy sản của huyện Cái Nước không ngừng tăng cao.
Hiệu quả sản xuất trên cùng diện tích đất của huyện cũng liên tục được nâng lên, giúp đời sống của nhân dân được cải thiện. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 53 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong huyện giảm còn 1,32%, tỷ lệ hộ nghèo thấp tốp đầu của tỉnh, chỉ sau thành phố Cà Mau.
Rõ ràng, với những nỗ lực quyết tâm trong chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, sự chung tay của cả hệ thống chính trị và ý thức trách nhiệm, sự đồng thuận của nhân dân, lĩnh vực nông nghiệp thủy sản, đời sống của nhân dân và diện mạo nông thôn huyện Cái Nước đã có nhiều khởi sắc.
Tuy nhiên, cùng với mặt bằng chung trong tỉnh, tình hình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của huyện Cái Nước vẫn còn những hạn chế nhất định; sản xuất nông nghiệp thủy sản chưa thật sự bền vững, bộ mặt nông thôn phát triển chưa đồng đều, có nơi còn khó khăn yếu kém.
Trước thực trạng trên, thời gian tới, huyện Cái Nước dự kiến tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng HTX, doanh nghiệp và sự đồng thuận của nhân dân, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và cạnh tranh cao.
Mục tiêu cốt lõi của quá trình phát triển là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn; phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong nông thôn mới. Hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ ổn định; đảm bảo 3 trụ cột “Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn” phát triển đồng bộ và hài hòa.