Liên kết sản xuất - Trụ đỡ nền nông nghiệp hiện đại
Trong bối cảnh hiện nay, liên kết là chìa khóa giúp xây dựng, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Thới Bình là huyện nội địa, nằm ở phía Bắc tỉnh Cà Mau, là địa phương được đánh giá có nhiều điều kiện thuận lợi cho sản xuất lúa cũng như nuôi thủy sản nước lợ. Thời gian qua, địa phương có bước tiến quan trọng trong xây dựng và phát triển các hình thức liên kết sản xuất, kinh tế tập thể, góp phần khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Những năm qua, ngành nông nghiệp huyện đã tập trung thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực trên địa bàn huyện.
Liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là xu hướng tất yếu của nền sản xuất hàng hóa hiện đại, mang lại giá trị tăng cao. Khi tham gia vào chuỗi liên kết, nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định, an toàn, ít rủi ro; được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất. Doanh nghiệp chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý. Bên cạnh những lợi ích đó, phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn góp phần quan trọng trong việc giải bài toán về chất lượng nông sản, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp một cách bền vững trước những biến động của thị trường.
Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết, nhận định rõ vai trò của liên kết trong sản xuất nông nghiệp, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm 2023. UBND huyện ký kết phối hợp với Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Cà Mau về tư vấn, hỗ trợ, củng cố, phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn huyện Thới Bình; tổ chức các hội nghị triển khai, phát triển kinh tế tập thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; tăng cường xúc tiến, mời gọi doanh nghiệp tham gia xây dựng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Năm 2023, huyện Thới Bình có hơn 10 công ty, 15 HTX tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa (chủ yếu trên đất nuôi tôm), diện tích sản xuất lúa tham gia liên kết 2.200 ha, với sản lượng 10 ngàn tấn, góp phần ổn định đầu ra và nâng cao thu nhập cho người dân trong mô hình. Nổi bật trong năm 2023, ngành nông nghiệp huyện đã tổ chức triển khai được 230 ha lúa hữu cơ (xã Trí Lực 50 ha, xã Thới Bình 50 ha, xã Tân Lộc Bắc 130 ha), chủ yếu là ST24, ST25, OM2517... Tất cả diện tích lúa hữu cơ đều được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá từ 9.200-9.800 đồng/kg.
Với nỗ lực trên, huyện Thới Bình được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận “Lúa sạch Thới Bình” vào năm 2019. Ðến nay đã mở rộng diện tích sử dụng nhãn hiệu chứng nhận được 300 ha, tăng 150 ha so với năm 2019 và phát triển 2 sản phẩm OCOP từ mô hình canh tác này.
Song song với lợi thế về sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ, thời gian qua huyện còn mời gọi doanh nghiệp tham gia xây dựng vùng nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế. Ðã phối hợp với Công ty TNHH Xã hội Tôm chứng nhận Minh Phú (Tập đoàn Minh Phú) xây dựng vùng nuôi tôm sú đạt chứng nhận nuôi thủy sản trách nhiệm (ASC Group) với diện tích được cấp chứng nhận 1.009 ha. Ðây không chỉ là diện tích tôm sú được nuôi trên đất kết hợp trồng lúa đạt chứng nhận ASC Group đầu tiên tại Việt Nam mà còn là đầu tiên của thế giới.
Theo ông Lý Minh Vững, nhằm nâng cao chuỗi giá trị liên kết, cả hệ thống chính trị của huyện đặt ra nhiều hướng đi, giải pháp quan trọng, bám sát vào tình hình thực tế của từng địa phương. Trong đó, tập trung rà soát lại sản xuất nông nghiệp ở các địa phương, định hướng quy hoạch phân vùng bố trí sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Quy hoạch phân vùng sản xuất gắn với đầu tư hạ tầng, giao thông, thủy lợi, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trong việc mở rộng vùng liên kết sản xuất.
Thời gian tới, huyện Thới Bình sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các bên tham gia liên kết, làm rõ sự cần thiết về chuỗi giá trị và vai trò nòng cốt của HTX trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản hiện nay, nhất là về lợi ích, vai trò của nông dân trong chuỗi liên kết. Phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu, hội chợ triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm. Phối hợp tổ chức các hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn, tạo môi trường, cơ hội để các chủ thể gặp gỡ, xúc tiến liên kết.
"Huyện Thới Bình sẽ tích cực hỗ trợ xác nhận, chứng nhận sản phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu, sản phẩm OCOP. Tổ chức, tạo điều kiện cho các HTX tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp", ông Lý Minh Vững cho biết thêm.
Hiệu quả trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thời gian qua là minh chứng rõ nét cho hướng đi đúng đắn trong phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Hiệu quả ấy đã đóng góp quan trọng nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao. Tin rằng, với tầm nhìn cũng như cách làm thiết thực, sát với tình hình thực tế, nền nông nghiệp hiện đại, bền vững sẽ ngày càng khởi sắc trên quê hương Thới Bình./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/lien-ket-san-xuat-tru-do-nen-nong-nghiep-hien-dai-a31298.html