Liên kết trong sản xuất nông sản xuất khẩu

Trong sản xuất nông sản xuất khẩu, liên kết chính là chìa khóa giúp phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia.

Quá trình liên kết đó có những đặc điểm riêng và đóng vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo các bên cùng có lợi, làm tăng hiệu quả trong sản xuất nông sản, nâng cao hiệu quả, vai trò quản lý nhà nước về kinh tế. Đồng thời đáp ứng các cơ chế, chính sách quản lý về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đăng ký doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đăng ký và kiểm tra vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Doanh nghiệp thu mua thanh long xuất khẩu.

Doanh nghiệp thu mua thanh long xuất khẩu.

Thị trường xuất khẩu nông sản trọng điểm

Thị trường xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Thuận nói riêng vẫn là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản, trong đó Trung Quốc đứng vị trí thứ 2 về xuất khẩu hàng nông sản trong những tháng đầu năm 2024. Trong bối cảnh của nền kinh tế lớn trên thế giới gặp khó khăn, gây tác động mạnh mẽ tới hoạt động ngoại thương cả nước, chính vì thế xuất khẩu hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng sang các nước trong khu vực, trong đó có thị trường Trung Quốc như hiện nay vẫn tiếp tục là thị trường tiềm năng. Thanh long được xác định là cây lợi thế và đặc sản của tỉnh Bình Thuận, sản xuất thanh long đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn.

Thị trường xuất khẩu của thanh long Bình Thuận chủ yếu là các nước châu Á, trong đó Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ yếu của thanh long Bình Thuận. Với diện tích trên 33.000 ha, sản lượng đạt khoảng 700.000 tấn, trong đó tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 15% sản lượng, còn 85% tập trung cho xuất khẩu. Để đảm bảo chất lượng cho xuất khẩu đến các thị trường tiềm năng, ngành nông nghiệp của tỉnh đã tập trung tuyên truyền, hỗ trợ nông dân, các Hợp tác xã xây dựng, giữ vững thương hiệu thanh long Bình Thuận, nâng cao chất lượng, đặc biệt là sản phẩm phải đạt chất lượng đồng đều, đáp ứng được những yêu cầu của các nước nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc cũng như thị trường trong nước. Đồng thời, đẩy mạnh đăng ký mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc để tạo điều kiện cho xuất khẩu chính ngạch.

Thời gian qua, sản xuất thanh long của tỉnh cũng đã hình thành được các vùng tập trung, tạo điều kiện áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh Bình Thuận còn có tiềm năng về xuất khẩu gạo, chính vì thế mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 diện tích vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao của các địa phương trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 17.700ha, năng suất trên 60 tạ/ha.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, để gạo sản xuất trên địa bàn tỉnh có thể thâm nhập các thị trường lớn như thị trường Trung Quốc, tỉnh Bình Thuận đã từng bước xây dựng được thương hiệu lúa gạo. Theo đó, tỉnh đã thực hiện việc sản xuất lúa ST25 theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo an toàn và chất lượng, phù hợp với định hướng phát triển của ngành nông nghiệp hiện nay để phục vụ xuất khẩu.

Sản xuất lúa ở Bình Thuận.

Sản xuất lúa ở Bình Thuận.

Tuân thủ các quy định trong xuất khẩu

Để tiếp tục đảm bảo nông sản của tỉnh Bình Thuận đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường Trung Quốc, hướng tới mở rộng quy mô xuất khẩu hàng hóa nông sản chất lượng cao của tỉnh sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới đòi hỏi các ngành, địa phương của tỉnh phối hợp thông tin rộng rãi đến các doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, trái cây tươi trên địa bàn tỉnh thường xuyên theo dõi, kịp thời nắm bắt, cập nhật những thay đổi trong chính sách, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu về hàng hóa nhập khẩu.

Đặc biệt là hàng nông sản, trái cây tươi của phía Trung Quốc để chủ động có các giải pháp trong sản xuất, kinh doanh, đảm bảo xuất nhập khẩu hiệu quả. Nghiêm túc tuân thủ các yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn chất lượng của hàng hóa về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm được Chính phủ Trung Quốc quy định. Chủ động theo dõi, cập nhật những thay đổi mới trong quy định của thị trường nhập khẩu, thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên ngành để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn. Tuân thủ các quy định về bảo quản, đóng gói, bao bì, nhãn mác theo từng loại hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc.

Bên cạnh đó các doanh nghiệp cần chủ động trao đổi, kết nối thông tin về nhu cầu thị trường và các quy định, chính sách thương mại của Trung Quốc, tích cực tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế để kết nối trực tiếp, đẩy mạnh hoạt động giao thương, hợp tác kinh tế, thương mại ổn định, lâu dài, hiệu quả. Hiện nay, Bộ Công thương đã và đang tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp của Việt Nam giao dịch, làm việc tại các địa phương và hội chợ ở Trung Quốc để kết nối giao thương trực tiếp cũng như đón nhiều đoàn địa phương và doanh nghiệp Trung Quốc sang làm việc tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Công thương còn phối hợp cùng các địa phương biên giới như Lào Cai để tổ chức hội chợ thương mại quốc tế nhằm tăng cường giao lưu thương mại giữa hai bên, đẩy mạnh tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tiếp cận thị trường để xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/lien-ket-trong-san-xuat-nong-san-xuat-khau-120282.html