Liên kết trồng tía tô, rau má cho thu nhập khá

Gần hai năm nay, nhiều người dân thôn Lương Xá, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây tía tô, rau má.

Sản phẩm được Công ty Cổ phần Nông nghiệp Gigaherbs Việt Nam ký hợp đồng thu mua nên bảo đảm ổn định về đầu ra và giá cả. Gia đình bà Nguyễn Thị Túy ở thôn Lương Xá bắt đầu trồng rau má, tía tô theo mô hình liên kết với doanh nghiệp từ vụ xuân năm 2021. Bà Túy cho biết, khi doanh nghiệp về địa phương đặt vấn đề liên kết trồng rau má, tía tô, gia đình bà nhận lời ngay vì thấy được tính khả thi của dự án.

 Sản xuất, đóng gói sản phẩm từ rau má tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp Gigaherbs Việt Nam.

Sản xuất, đóng gói sản phẩm từ rau má tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp Gigaherbs Việt Nam.

Theo đó, việc canh tác của gia đình phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật do doanh nghiệp đưa ra, từ khâu làm đất đến thu hoạch đều không sử dụng thuốc trừ sâu, trừ cỏ, phân bón có nguồn gốc hóa học. Mặc dù người nông dân mất nhiều công làm cỏ, ủ phân hữu cơ nhưng bù lại, sản phẩm có chất lượng tốt hơn, sức khỏe cũng không bị ảnh hưởng bởi hóa chất độc hại.

“Cứ hơn một tháng, gia đình tôi lại thu hoạch một lứa rau má với sản lượng từ 250kg đến 300kg/sào. Giá rau má tươi doanh nghiệp thu mua 25.000 đồng/kg nên chúng tôi rất phấn khởi. Tính ra, trồng rau má hiệu quả cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa trước đây”, bà Túy nói.

Theo anh Trần Văn Nguyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Gigaherbs Việt Nam, để có sản phẩm chất lượng tốt, toàn bộ quy trình sản xuất phải được kiểm soát chặt chẽ, khép kín, an toàn vệ sinh thực phẩm. Công ty thực hiện mô hình liên kết với nông dân thôn Lương Xá thông qua Hợp tác xã Nông nghiệp Lam Điền để xây dựng vùng trồng nguyên liệu rau má, tía tô phục vụ sản xuất trà và bột rau sấy lạnh.

Những hộ ký hợp đồng liên kết đều được tập huấn quy trình sản xuất tại khu vườn mẫu trước khi trồng trên ruộng của gia đình. Ban đầu, người dân gặp không ít khó khăn khi chuyển từ thói quen canh tác sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học sang hướng hữu cơ. Tuy nhiên, chỉ sau một vụ canh tác, hiệu quả được chứng minh, người dân rất phấn khởi.

Đến nay, công ty có 8 sản phẩm đăng ký với UBND huyện Chương Mỹ tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), qua đó tăng giá trị sản phẩm và dần nâng cao thu nhập cho người dân.

Bài và ảnh: ĐẶNG XUÂN KHU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/lien-ket-trong-tia-to-rau-ma-cho-thu-nhap-kha-696559