Liên kết vùng để phục hồi kinh tế sau dịch
Với những lợi thế sẵn có, vùng đồng bằng sông Hồng cần tập trung phát triển công nghiệp mũi nhọn và liên kết du lịch giữa các địa phương
Tăng cường liên kết vùng, quy hoạch vùng để tận dụng được các tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương và hạn chế việc triệt tiêu động lực của các địa phương với nhau để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đó là vấn đề được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cùng các địa phương đặt ra, thảo luận trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH).
Liên kết vùng cấp thiết trong đại dịch
Trong điều kiện dịch Covid-19, vấn đề liên kết vùng càng trở nên cấp bách hơn. Vùng ĐBSH với 11 tỉnh, thành đang đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Theo ông Hoàng Văn Vịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và Lãnh thổ (Bộ KH-ĐT), tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân toàn vùng 8 tháng đầu năm đạt 7,67%, cao hơn mức bình quân của cả nước.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã đặt ra những thách thức không nhỏ cho vùng ĐBSH, minh chứng là đợt bùng phát dịch ở Hải Dương, sau đó là Bắc Ninh khiến các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn, tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn.
Trước bối cảnh đó, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng liên kết vùng, quy hoạch vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các địa phương. Bộ trưởng nhấn mạnh nếu làm tốt vấn đề liên kết vùng và quy hoạch vùng sẽ tận dụng được các tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương và hạn chế việc triệt tiêu động lực của các địa phương với nhau.
Theo đánh giá của Bộ KH-ĐT về phát triển vùng, liên kết vùng của ĐBSH thời gian qua và trong năm 2021, các tỉnh đã chủ động phối hợp và liên kết tập trung vào một số lĩnh vực và hoạt động về kinh tế - xã hội. Cụ thể, các tỉnh đã phối hợp và liên kết phát triển hệ thống giao thông kết nối liên vùng, xây dựng đường cao tốc, nâng cấp quốc lộ, một số tuyến tỉnh lộ để tạo mạng lưới đồng bộ, tiến tới hoàn thiện hệ thống giao thông các tỉnh trong vùng và với các địa phương lân cận. Bên cạnh đó, phối hợp và liên kết phát triển du lịch công nghiệp, xuất khẩu. Dù vậy, liên kết vùng ĐBSH vẫn còn nhiều bất cập.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng liên kết vùng sẽ là một trong những giải pháp trong và sau đại dịch Covid-19, các địa phương trong vùng ĐBSH cần đặc biệt quan tâm. "Từng có tình trạng "ngăn sông cấm chợ" khi dịch bùng phát ở Hải Dương, hàng hóa ách tắc, nhiều địa phương không cho phương tiện chở hàng hóa của tỉnh này lưu thông vào do các quy định phòng chống dịch khác nhau. Nếu chúng ta có cơ chế liên kết vùng, các tỉnh có sự bàn bạc, thống nhất thì sẽ hạn chế được việc đó" - ông Thịnh nói.
Theo phân tích của ông Thịnh, trong vùng cần xây dựng được chuỗi cung ứng hàng hóa, liên kết thị trường giữa các địa phương theo ngành hàng, nhóm hàng để tạo năng lực cạnh tranh cho kinh tế vùng. Vị chuyên gia kinh tế nêu rõ tỉnh nào cũng muốn tận dụng những lợi thế sẵn có của mình để phát triển kinh tế nhanh hơn nhưng khi xảy ra các tình huống như đại dịch thì việc tìm giải pháp rất lúng túng.
Kết nối du lịch vùng sau đại dịch
Theo Bộ KH-ĐT, cơ cấu lại ngành du lịch toàn vùng ĐBSH là một trọng tâm phục hồi tăng trưởng sau đại dịch Covid-19. Để tăng cường liên kết vùng trong lĩnh vực du lịch, ông Hoàng Văn Vịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, cho rằng các địa phương cần xây dựng và kết nối các điểm đến du lịch thành các tour, tuyến du lịch để quảng bá, tuyên truyền, thu hút khách du lịch đến, dựa trên các nền tảng số. Bên cạnh đó, khai thác các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để phát triển và vận hành trung tâm lưu chuyển hàng hóa, trung tâm logistics, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thương mại trong vùng, liên vùng.
Với những lợi thế sẵn có của vùng ĐBSH về công nghiệp, ông Hoàng Văn Vịnh nêu rõ cần tập trung phát triển công nghiệp mũi nhọn của vùng như ưu tiên các sản phẩm ôtô, máy móc, phương tiện, thiết bị phục vụ ngành kinh tế biển; phát triển các sản phẩm, thiết bị điện tử, điện lạnh, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ. "Ngoài ra, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh với quy mô lớn, cơ giới hóa quá trình sản xuất, ứng dụng công nghệ cao" - ông Vịnh đề xuất.
Đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng là một trong những yếu tố quyết định trong liên kết vùng ở ĐBSH. Bộ KH-ĐT lưu ý các địa phương trong vùng trong công tác lập quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng cần lưu ý đến việc đồng bộ, có kết nối liên vùng và phát triển đô thị thông minh. Cơ quan này nhấn mạnh: Việc triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần được hoàn thiện đúng tiến độ để tạo điều kiện dẫn dắt các hoạt động phát triển và khắc phục những bất lợi về năng lực cạnh tranh, củng cố tiềm năng và lợi thế phát triển cho vùng. Cùng với đó, đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số, xây dựng kho dữ liệu tập trung, hệ sinh thái dữ liệu mở để trở thành vùng dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng trước những tác động của đại dịch, một tỉnh, một thành phố thì không thể "làm nên chuyện" được, các địa phương trong vùng cần thay đổi tư duy, tạo mạng lưới liên kết trong vùng từ cung ứng, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ, vì lợi ích chung.
121.686 tỉ đồng đầu tư công năm 2022
Theo Bộ KH-ĐT, tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư công năm 2022 của các địa phương vùng ĐBSH là 121.686 tỉ đồng, gấp 1,35 lần so với kế hoạch năm 2021. Bộ KH-ĐT đánh giá rằng các địa phương đã xây dựng nhu cầu vốn đầu tư công theo thứ tự ưu tiên đầu tư về ngành, lĩnh vực, chương trình trọng tâm. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng lớn đến huy động các nguồn lực đầu tư trong năm 2022.