Liên minh an ninh mới ra đời để tăng cường đối phó Trung Quốc
Mỹ, Anh và Úc vừa tuyên bố thành lập một liên minh an ninh mang tính 'lịch sử' để tăng cường khả năng quân sự ở Thái Bình Dương, cho phép các bên chia sẻ công nghệ quốc phòng tiên tiến giúp Úc sở hữu 8 tàu ngầm hạt nhân. Liên minh ra đời khi cả ba nước cùng chia sẻ quan ngại về sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực.
Các lãnh đạo Anh, Mỹ và Úc trong dịp thượng đỉnh G7 tại Anh hồi tháng 6. (Ảnh: Guardian)
Trong lễ thông báo trực tuyến của ba nguyên thủ từ thủ đô mỗi quốc gia, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh rằng Úc sẽ không theo đuổi vũ khí hạt nhân, nhưng sẽ sử dụng hệ thống động cơ đẩy bằng năng lượng hạt nhân cho các tàu, nhằm đối phó với những mối đe dọa trong tương lai, Reuters đưa tin.
“Chúng tôi nhận thấy sự cấp thiết của việc bảo đảm hòa bình và ổn định ở Ấn Độ - Thái Bình Dương trong dài hạn”, Tổng thống Biden nói. “Chúng ta cần xử lý cả môi trường chiến lược hiện tại ở khu vực và cả cách nó sẽ thay đổi để bảo đảm tương lai của mỗi quốc gia và thực sự cả thế giới sẽ phụ thuộc vào một Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do trong các thập kỷ tới”, ông nói thêm.
Thủ tướng Morrison cho biết các tàu ngầm sẽ được chế tạo tại Adelaide với sự hợp tác chặt chẽ cùng Anh và Mỹ. “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện mọi nghĩa vụ về không phổ biến vũ khí hạt nhân”, ông nói. Thủ tướng Johnson gọi việc Úc theo đuổi công nghệ này là quyết định quan trọng, sẽ giúp thế giới an toàn hơn.
Sự kiện diễn ra khi Washington và các đồng minh đang tìm kiếm các biện pháp nhằm đối phó với ảnh hưởng và sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc, nhất là việc tích lũy sức mạnh quân sự, gây sức ép lên đảo Đài Loan (Trung Quốc) và triển khai lực lượng và vũ khí xuống Biển Đông tranh chấp.
Trong sự kiện lần này ra mắt liên minh mang tên AUKUS này, ba nhà lãnh đạo không đề cập đến Trung Quốc. Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ khi họp với các phóng viên trước thềm sự kiện cho biết động cơ hạt nhân sẽ giúp hải quân Úc hoạt động lặng lẽ hơn, trong thời gian dài hơn, và tạo ra năng lực răn đe trên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Quan chức Mỹ cũng cho biết AUKUS bao gồm cả hợp tác trong những lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và không gian mạng.
“Cấu trúc mới thực sự hướng đến việc làm sâu sắc hơn hợp tác nâng cao năng lực quốc phòng trong thế kỷ 21, và quan hệ của Mỹ với Anh và Úc đã được kiểm chứng qua thời gian”, quan chức Mỹ nói.
Để triển khai cơ chế mới, các quan chức hải quân và chuyên gia kỹ thuật của ba nước sẽ làm việc với nhau trong 18 tháng để chuyển giao công nghệ hạt nhân cho Úc, để nước này triển khai các tàu ngầm hạt nhân “nhằm tăng cường năng lực răn đe trên khắp Ấn Độ - Thái Bình Dương”, vị quan chức cấp cao Mỹ cho biết.
“Điều này sẽ mang lại năng lực tàu ngầm cho Úc để duy trì hoạt động trong thời gian dài hơn, hoạt động êm ái hơn và nhiều tính năng hơn. Những tàu đó sẽ giúp chúng tôi duy trì hoạt động và nâng cao năng lực răn đe trên khắp Ấn Độ - Thái Bình Dương”, quan chức Mỹ nói.
Cơ chế ngoại lệ
Thỏa thuận sẽ mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ. General Dynamics và Huntington Ingalls Industries là hai công ty đang dẫn đầu trong ngành đóng tàu ngầm Mỹ.
Anh gọi đây là thông báo rất ý nghĩa và cho biết chương trình kéo dài 18 tháng sẽ xác định những công việc chi tiết mà ba quốc gia và các công ty sẽ làm, để hoàn thành con tàu đầu tiên sớm nhất có thể. Một quan chức Mỹ nói rằng AUKUS là kết quả của nhiều tháng trao đổi giữa các lãnh đạo quân sự và chính trị của ba nước.
Quan chức Mỹ cho biết Mỹ mới chỉ chia sẻ công nghệ động cơ hạt nhân cho Anh kể từ năm 1958. “Công nghệ này cực kỳ nhạy cảm. Đây thực sự là ngoại lệ trong chính sách của chúng tôi ở nhiều khía cạnh. Tôi cho rằng sẽ không có điều tương tự diễn ra sau này. Đây là sự kiện chỉ có một lần”, quan chức Mỹ nói.
Lễ công bố thành lập AUKUS diễn ra chỉ hơn 1 tuần trước khi ông Biden có cuộc họp trực tiếp với các lãnh đạo “Bộ tứ” (gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ) tại Washington.
Khi được hỏi về AUKUS, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington Liu Pengyu hôm qua nói rằng các quốc gia “chớ nên tạo ra các khối riêng rẽ để nhắm vào hoặc làm hại đến lợi ích của bên thứ ba”. “Đặc biệt là họ không nên củng cố tư tưởng Chiến tranh Lạnh và định kiến ý thức hệ”, Liu nói.
Dù Bắc Kinh cố hạ thấp ý nghĩa của AUKUS và cho rằng đây là bước đi mang tính lỗi thời về ý thức hệ, nhưng giới phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ không hoài nghi về tác động của sáng kiến này.
“Bắc Kinh sẽ coi đây là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm tạo ra một liên minh để đối phó Trung Quốc, và họ không sai. Trung Quốc cần thừa nhận rằng những hành động hung hăng của họ đang tập hợp các quốc gia dân chủ lại để tìm ra những biện pháp mới nhằm bảo vệ lợi ích của họ”, báo SCMP dẫn lời bà Bonnie Glaser, giám đốc chương trình châu Á tại Quỹ Marshall Đức.