Liên minh châu Âu bất ngờ đặt niềm tin vào vaccine COVID-19 của Nga
Trong bối cảnh cần vaccine COVID-19 tiêm chủng cho toàn dân trong khối, Liên minh châu Âu đang xem xét thúc đẩy mua vaccine Sputnik V của Nga.
Reuters dẫn nguồn quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết, trong nỗ lực tiêm phòng cho 450 triệu dân của khối, EU đang cân nhắc việc thúc đẩy mua vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 của Nga - Sputnik V.
Theo quan chức EU - người có nhiệm vụ đàm phán với các nhà sản xuất vaccine COVID-19, chính phủ các nước EU đang xem xét khởi động đàm phán với nhà phát triển vaccine Sputnik V.
Hungary và Slovakia đã mua vaccine Sputnik của Nga, Cộng hòa Séc đang bày tỏ quan tâm. Trong khi đó, theo quan chức EU, Italy đang xem xét sử dụng nhà máy sản xuất vaccine lớn nhất của nước này đặt tại nhà máy ReiThera, gần Rome để sản xuất vaccine Sputnik V.
Brussels đã bị chỉ trích vì việc triển khai chậm chạp chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 của khối. Italy đang áp đặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt, các bệnh viện ở khu vực Paris (Pháp) gần như quá tải và Đức đã cảnh báo về làn sóng COVID-19 thứ ba. Trong khi đó, Anh - cựu thành viên EU, đang nới lỏng các biện pháp hạn chế khi chương trình tiêm chủng ở nước này được triển khai nhanh chóng.
EU đã ký thỏa thuận với 6 nhà sản xuất vaccine phương Tây và đang tiến hành các cuộc đàm phán với 2 nhà sản xuất khác. Đến nay, EU phê duyệt 4 loại vaccine song các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất đã khiến chiến dịch tiêm chủng của khối bị chậm lại và một số quốc gia thành viên đang tìm kiếm giải pháp riêng.
Nếu Sputnik V gia nhập kho vaccine COVID-19 của EU, đó sẽ là một thắng lợi ngoại giao đối với Nga. Thế nhưng, quyết định này của EU cũng có nguy cơ gây chia rẽ trong khối, giữa các quốc gia ủng hộ trừng phạt Nga và các nước muốn hợp tác với Matxcơva.
Hoạt động thương mại giữa Nga và EU đã bị cản trở trong nhiều năm bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea và sự can thiệp vào miền Đông Ukraine.