Liên minh châu Âu kêu gọi chấm dứt 'thời trang ăn liền'

Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố đề xuất thúc đẩy tính bền vững của loạt sản phẩm tiêu dùng như thời trang, điện thoại và nội thất bằng việc kêu gọi chấm dứt mô hình kinh doanh các sản phẩm có 'vòng đời ngắn' ở châu Âu.

Theo đó, các quy tắc mới do cơ quan điều hành của EU đề xuất buộc các nhà sản xuất thời trang phải sử dụng sợi tái chế vào năm 2030 và cấm tiêu hủy nhiều loại sản phẩm nếu không bán được. Các quy tắc mới của Ủy ban châu Âu cũng tìm cách ngăn chặn việc sử dụng vi nhựa trong các sản phẩm. Đồng thời, EC cũng tìm cách cải thiện điều kiện lao động trong ngành may mặc trên toàn cầu.

Phó Chủ tịch EC phụ trách khí hậu Frans Timmermans chia sẻ trong buổi họp báo: “Chúng tôi muốn các sản phẩm bền vững trở thành tiêu chuẩn. Đã đến lúc chấm dứt mô hình sản xuất hàng hóa có vòng đời ngắn, có hại cho hành tinh, sức khỏe và nền kinh tế của chúng ta.”.

Theo ông Timmermans, kế hoạch mới của EC nhằm làm cho các sản phẩm tại thị trường EU bền hơn, có thể tái sử dụng và sửa chữa được. Ông nhấn mạnh đây là một phần trong nỗ lực cải thiện sự đóng góp của nền kinh tế tuần hoàn đối với các chính sách khí hậu và giảm thiểu chất thải.

“Tất cả hàng dệt may phải bền vững, có thể được tái chế, được làm bằng sợi tái chế và không chứa các chất nguy hiểm. Chiến lược này cũng nhằm mục đích thúc đẩy các lĩnh vực tái sử dụng, sửa chữa và giải quyết chất thải dệt may” - ông Timmermans cho biết thêm.

Ủy viên môi trường EU, Virginijus Sinkevičius cho biết, ủy ban muốn thời trang nhanh không bị phụ thuộc vào các xu hướng. "Đến năm 2030, hàng dệt may được đưa vào thị trường châu Âu phải có tuổi thọ cao hoặc được làm từ chất liệu sợi tái chế" - Ông Virginijus Sinkevičius nói.

Thời trang là ngành công nghiệp lớn tại châu Âu với các khu phố cao cấp, những khu thương mại, nơi người tiêu dùng có thể mua sắm quần áo tại các nhà bán lẻ như H&M, Primark và Zara - những đại diện tiêu biểu của ngành “thời trang ăn liền”.

Bên cạnh các hãng thời trang nhanh, EC cũng nhằm đến việc buộc các thương hiệu cao cấp phải đặt ra các tiêu chuẩn cho thời trang bền vững.

Ngành công nghiệp thời trang đã nhận được sự quan tâm đặc biệt trong đề xuất của Ủy ban Kinh tế tuần hoàn thuộc Ủy ban châu Âu. Gần 3/4 quần áo và hàng dệt may được sử dụng tại EU đều được nhập khẩu. Năm 2019, khối liên minh gồm 27 quốc gia này đã nhập khẩu hơn 80 tỷ euro quần áo (tương đương với 89,2 tý USD), chủ yếu là từ Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ.

Trung bình, người tiêu dùng vứt 11kg hàng dệt may mỗi năm. Theo tính toán, có ít hơn 1% quần áo và giày dép được tái chế tại châu Âu.

Đề xuất của EC không chỉ nhắm đến ngành thời trang mà còn hướng đến các ngành sản xuất điện tử. Hiện nay, EU thải ra khoảng 4 triệu tấn rác thải điện tử, nhưng chưa đến 40% được tái chế. Thực tế này sẽ buộc các nhà kinh doanh các sản phẩm phải đáp ứng các yêu cầu về thông tin và nhãn mác, chẳng hạn như thông tin mức độ sửa chữa của sản phẩm.

Các nhà sản xuất cũng sẽ phải tạo một “hộ chiếu kỹ thuật số cho các sản phẩm” với thông tin bổ sung cho những người sửa chữa hoặc tái chế, chẳng hạn như chi tiết về nội dung tái chế của nguyên liệu hoặc các vấn đề về chuỗi cung ứng.

Người tiêu dùng có quyền được thông báo về thời gian sử dụng sản phẩm và cách sửa chữa. Thông tin này có thể được bao gồm trong nhãn hoặc trang web của công ty. Ông Timmermans cho biết: “Nếu sản phẩm bị hỏng, chúng tôi có thể sửa chữa chúng. Không nên vứt một chiếc điện thoại thông minh chỉ vì hiệu suất của pin bị giảm”.

Các quy định mới cũng nhằm ngăn chặn việc tiêu hủy các sản phẩm không bán được, và EU đang cân nhắc một lệnh cấm đối với các hoạt động như vậy. Bước đầu tiên, các công ty lớn sẽ phải công khai thông tin về những mặt hàng tiêu dùng không bán được mà họ loại bỏ mỗi năm.

Theo ước tính của EC, các tiêu chuẩn mới về quan niệm sinh thái cho các sản phẩm liên quan đến năng lượng đã tiết kiệm cho người tiêu dùng 120 tỷ euro chỉ riêng trong năm 2021.

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lien-minh-chau-au-keu-goi-cham-dut-thoi-trang-an-lien-174317.html