Liên minh châu Phi bác bỏ khả năng can thiệp quân sự vào Niger
Hội đồng Hòa bình và An ninh (PSC) của Liên minh châu Phi ngày 16/8 đã lên tiếng phản đối việc triển khai quân đội nước ngoài đến Niger để khôi phục trật tự hiến pháp, đồng thời buộc chính quyền quân sự tại nước này phải trả tự do cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum.
Theo tờ Le Monde của Pháp, quyết định này được đưa ra sau cuộc họp của PSC tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia nhằm thảo luận về tình hình ở Niger và tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Tây Phi này.
Tổng thống Bazoum đã bị lật đổ vào ngày 26/7 trong một cuộc đảo chính do một nhóm binh sĩ thuộc lực lượng cận vệ của chính ông tiến hành. Sau đó, lực lượng đảo chính đã thành lập Hội đồng quốc gia Bảo vệ tổ quốc do Tướng Abdurahmane Tchiani đứng đầu đề điều hành đất nước. Từ đó đến nay ông Bazoum cùng gia đình bị quản thúc tại dinh thự tổng thống ở thủ đô Niamey.
Khối Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) ban đầu đưa ra thời hạn 7 ngày để các nhà lãnh đạo đảo chính từ chức và khôi phục chức vụ cho Tổng thống Bazoum song nhóm đảo chính đã từ chối các nỗ lực đàm phán. ECOWAS cũng áp đặt trừng phạt Niger sau cuộc đảo chính và đang xem xét các phương án nhằm "khôi phục trật tự hiến pháp" ở nước này, bao gồm cả khả năng can thiệp quân sự, song vẫn cam kết tìm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.
Tuần trước, ECOWAS đã cho phép kích hoạt một lực lượng dự bị để sử dụng trong trường hợp buộc phải triển khai một chiến dịch can thiệp. Giới tướng lĩnh chỉ huy quân đội của khối này dự kiến sẽ nhóm họp trong hai ngày 17 và 18/8 để chuẩn bị cho một cuộc can thiệp quân sự nếu các cuộc đàm phán thất bại.
Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat cũng bày tỏ "sự ủng hộ mạnh mẽ" đối với quyết định của ECOWAS và kêu gọi chính quyền quân sự "khẩn trương ngăn chặn sự leo thang với tổ chức khu vực".
Tuy nhiên, theo các nguồn tin ngoại giao được Le Monde trích dẫn, PSC, cơ quan chịu trách nhiệm quyết định các vấn đề giải quyết xung đột ở châu Phi, đã quyết định tách mình khỏi việc sử dụng vũ lực ở Niamey.
Các nhà phân tích cho rằng việc ECOWAS can thiệp quân sự vào Niger sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của khối cũng như gây bất ổn về mặt chính trị do tình trạng chia rẽ trong nội khối.
Paul-Simon Handy, cố vấn chính sách cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh, nhận định rằng ECOWAS sẽ gặp khó khăn khi phát động một cuộc tấn công quân sự ở Niamey mà không có sự chấp thuận của Liên minh châu Phi.
Hồi đầu tháng này, Thượng viện Nigeria cũng từ chối chấp thuận cho Chủ tịch ECOWAS Bola Tinubu gửi binh sĩ chống lại các nhà lãnh đạo đảo chính ở nước láng giềng Niger. Cơ quan lập pháp này kêu gọi ông Tinubu và các nhà lãnh đạo khu vực Tây Phi khác tìm kiếm các biện pháp ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Cuộc đảo chính ở Niger đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đẩy khu vực Tây Phi vào vòng xoáy bất ổn. Vùng Sahel thuộc Tây Phi là một trong những khu vực nghèo nhất trên thế giới và phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố kéo dài. Do đó, khu vực này có nguy cơ rơi vào bất ổn hơn nữa nếu cuộc khủng hoảng tại Niger trở nên trầm trọng hơn.