Liên quan đến sức khỏe 100 triệu dân, chính sách đãi ngộ với nhân viên y tế là vô cùng cấp thiết

Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình nhấn mạnh, đoàn viên Công đoàn ngành Y tế là đối tượng đặc biệt. Cả nước có 500 ngàn đoàn viên, nhưng công việc liên quan đến tính mạng của 100 triệu dân. Từ những vấn đề bất cập cụ thể cho thấy việc thay đổi chính sách đãi ngộ với đội ngũ cán bộ, đoàn viên, người lao động ngành Y tế là vô cùng cấp thiết.

Chiều 2/12, trong khuôn khổ Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam đã trình bày tham luận với chủ đề “Vai trò của Công đoàn trong tham gia phòng chống dịch Covid-19”.

Hàng trăm ngàn cán bộ, đoàn viên ngành Y tế đã nỗ lực gấp 3-5 lần so với bình thường

Điểm lại giai đoạn ngành Y tế trải qua nhiều khó khăn khi phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình xúc động cho biết, hơn 3 năm qua là thời gian thật sự khó quên và đầy thử thách trong lịch sử của ngành Y tế.

Đại dịch Covid-19 xuất hiện với diễn biến nhanh, phức tạp gây ra nhiều khó khăn thách thức cho phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn cả nước nói chung và Công đoàn các cấp ngành Y tế nói riêng. Trong 4 đợt dịch tổng cộng ngành Y tế đã điều trị trên 11,5 triệu ca bệnh. Cùng một lúc, toàn hệ thống Y tế phải triển khai đồng bộ 4 trụ cột: Cách ly, xét nghiệm, điều trị, tiêm vắc xin.

Thực hiện lời hiệu triệu của Đảng, Chính phủ, đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ Công đoàn Y tế các cấp đã kề vai, sát cánh cùng các lực lượng tuyến đầu Quân đội, Công an và tình nguyện viên xung phong vào các điểm nóng dịch Covid-19, phát huy tinh thần trách nhiệm cao độ của người thầy thuốc, bền bỉ vượt qua mọi gian khó.

PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam xúc động khi tham luận tại Đại hội với chủ đề “Vai trò của Công đoàn trong tham gia phòng chống Covid-19”.

PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam xúc động khi tham luận tại Đại hội với chủ đề “Vai trò của Công đoàn trong tham gia phòng chống Covid-19”.

“Trong cuộc chiến không tiếng súng này, hàng trăm ngàn cán bộ Y tế đã nỗ lực gấp 3-5 lần so với bình thường để điều trị, cấp cứu người bệnh trong những hoàn cảnh ngặt nghèo và thiếu thốn mọi mặt về điều kiện cơ sở vật chất, thuốc men, bên cạnh đó là số lượng bệnh nhân tăng lên quá nhanh đã tạo cho các y bác sĩ những áp lực vô cùng lớn”, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam chia sẻ.

Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam khẳng định, ở hoàn cảnh khó khăn đó, các cấp Công đoàn ngành Y tế đã thể hiện rõ vai trò của mình. Thể hiện ở việc tham mưu, chỉ đạo và phối hợp phòng, chống dịch Covid- 19. Với 6 tờ trình, 342 quyết định, 10 báo cáo của Công đoàn Y tế Việt Nam đã kịp thời kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách mới mang lại quyền lợi tốt hơn cho cán bộ y tế như: Tham mưu nâng chế độ phụ cấp chống dịch Covid-19; tham mưu hỗ trợ dinh dưỡng 1 triệu đồng/cho 1 cán bộ Y tế, sinh viên y, dược đi tăng cường tại các tỉnh, thành phía Nam; tham gia xây dựng Thông tư bổ sung danh mục bệnh nghề nghiệp đối với cán bộ Y tế bị mắc bệnh Covid-19 trong quá trình phòng chống dịch; tham mưu tổng kêt công tác phòng, chống dịch Covid-19 và khen thưởng tiếp các tấm gương hy sinh của cán bộ Y tế.

Trong công tác chăm lo, huy động các nguồn lực hỗ trợ chống dịch, được phép của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế và từ các nguồn huy động xã hội hóa của các tổ chức và cá nhân, Công đoàn Y tế Việt Nam đã hỗ trợ cho 37.707 đoàn viên, người lao động toàn ngành với tổng số tiền và hàng hóa gần 400 tỷ đồng.

"Những hỗ trợ đúng lúc và kịp thời cùng với đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp luôn năng động, sáng tạo, tận tụy, bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng… nên Công đoàn ngành Y tế các cấp đã tự khẳng định vai trò là hậu phương vững chắc của các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch.", Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Việt Nam nhấn mạnh.

Công đoàn Y tế Việt Nam cũng đã đề xuất, tôn vinh và kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân các chiến sĩ áo trắng đã nỗ lực công hiến trong cuộc chiến chống dịch với gần 1.800 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Cần có chế độ tiền lương tương xứng để thu hút nguồn nhân lực

PGS.TS Phạm Thanh Bình cũng cho biết thêm, ngay sau đại dịch, ngành Y tế lại gặp rất nhiều những khó khăn hệ lụy từ dịch bệnh Covid-19, trong đó có nhiều khó khăn về cơ chế chính sách tự chủ, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, chế độ chính sách động viên, thu hút cán bộ ngành Y tế.

Đoàn viên công đoàn ngành Y tế là lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Đoàn viên công đoàn ngành Y tế là lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Lại một lần nữa, các cấp Công đoàn Y tế đã thể hiện được vai trò động viên, xây dựng văn hóa công sở, xây dựng môi trường lao động đoàn kết, thân thiện qua các hoạt động phong trào với phương châm đổi mới phong cách thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Các cấp Công đoàn đã tiếp tục động viên đội ngũ cán bộ ngành Y tế yêu nghề, cống hiến tận tâm vì nghề mình đã chọn để khắc phục trào lưu bỏ việc, chuyển việc từ khu vực công ra khu vực tư nhân.

Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam nhấn mạnh, đoàn viên ngành Y tế là đoàn viên đặc biệt, vì cả nước có 500 ngàn đoàn viên nhưng liên quan đến tính mạng của 100 triệu dân. Từ những vấn đề bất cập cụ thể trên cho thấy việc thay đổi chính sách đãi ngộ với đội ngũ cán bộ, đoàn viên, người lao động ngành Y tế là vô cùng cấp thiết.

Trên cơ sở Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ chính sách liên quan đến mức lương khởi điểm của bác sĩ. Theo đó, ngành Y là ngành đặc thù, với trình độ và chất lượng lao động cao, để có chứng chỉ hành nghề và được đi làm tại các cơ sở y tế, một bác sĩ phải mất 7,5 năm (trong đó 6 năm học đại học và 18 tháng thực hành sau khi tốt nghiệp) trong khi cử nhân chỉ học 4 năm.

“Tuy nhiên, khi ra trường, tiền lương ngạch, bậc, các chế độ phụ cấp hưởng như nhau. Đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh việc xếp lương khởi điểm đối với bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh. Cần có cơ chế chi lương phù hợp, áp dụng cơ chế tiền lương doanh nghiệp đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2)”, PGS.TS Phạm Thanh Bình nêu.

Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cũng kiến nghị về phụ cấp trực, phụ cấp ưu đãi nghề, thâm niên nghề cần được tính vào lương mới để đảm bảo các chế độ đặc thù ngành y tế là ngành được đãi ngộ đặc biệt theo Nghị quyết 20 và Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị.

Cần có chế độ thu hút nhân lực đối với các ngành nghề đặc thù đối với các lĩnh vực, chuyên khoa đặc biệt trong ngành Y như: phong, lao, tâm thần, HIV/AIDS, hồi sức cấp cứu, giải phẫu bệnh. Đồng thời không quy định giảm biên chế với nghề đặc thù…

Nêu thực trạng ngày 23/6/2023 vừa qua, Quốc hội yêu cầu giao cho UBND cấp huyện quản lý trung tâm y tế cấp huyện; một số địa phương có xu hướng trả Trung tâm Y tế huyện cho LĐLĐ huyện quản lý làm cho nhiều Công đoàn y tế các tỉnh, thành phố không đủ 2.000 đoàn viên sẽ bị giải thể; Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét chỉ đạo chung hệ thống LĐLĐ các tỉnh, thành phố toàn quốc thống nhất để Công đoàn ngành Y tế các tỉnh vẫn tiếp tục được sinh hoạt theo ngành nghề và bổ sung cán bộ chuyên trách cho Công đoàn ngành Y tế các tỉnh, thành phố cho phù hợp.

Nhóm PV

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/lien-quan-den-suc-khoe-100-trieu-dan-chinh-sach-dai-ngo-voi-nhan-vien-y-te-la-vo-cung-cap-thiet-163488.html