Liên quan dự án Dòng chảy phương Bắc 2: Mỹ ra đòn trừng phạt

Nga và Ấn Độ tập trận 3 quân chủng lần thứ hai "INDRA 2019"

(HNM) - Thượng viện Mỹ ngày 17-12 đã bỏ phiếu thông qua Đạo luật Ủy quyền quốc phòng năm 2020 (NDAA), trong đó đáng chú ý là Dự luật Bảo vệ an ninh năng lượng châu Âu với nội dung trừng phạt các công ty liên quan đến việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Dòng chảy phương Bắc 2 từ Nga đến Lục địa già. Đây được xem là một trong những nỗ lực cuối cùng của xứ Cờ hoa bởi dự án gần như đã hoàn thành và dự kiến sẽ được đưa vào vận hành trong năm 2020.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dự kiến vận hành vào năm 2020.

Dòng chảy phương Bắc 2 là sự liên doanh giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng 5 tập đoàn châu Âu là BASF (Đức), E.ON và Engie (Pháp), OMV (Áo) và Shell (Anh - Hà Lan), được ký kết bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông tổ chức tại thành phố Vladivostok (Nga) từ tháng 9-2015. Tổng cộng hai tuyến đường ống dẫn dài 1.200km được xây dựng với công suất lên tới 55 tỷ mét khối khí/năm, đi qua các vùng lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế của những quốc gia nằm ngoài khơi bờ biển Baltic là Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.

Dự án trị giá khoảng 10 tỷ euro này được xây dựng song song với dự án Dòng chảy phương Bắc khánh thành năm 2011, vốn đã giúp vận chuyển 40 tỷ mét khối khí/năm từ Nga sang EU. Dòng chảy phương Bắc 2 ban đầu dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019 nhưng bị đẩy lùi đến năm 2020 do sự chậm trễ của Đan Mạch khi phê duyệt tuyến đường ống tại khu vực đảo Bornholm.

Cùng với sự phản đối của một số nước như Ukraine, Latvia, Litva và Ba Lan với những lo ngại về địa chính trị và an ninh năng lượng, Mỹ lâu nay cũng luôn tìm cách ngăn chặn việc hoàn tất Dòng chảy phương Bắc 2. Washington lập luận rằng, đây là công cụ chính trị khiến một số nước Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc vào Nga, đồng thời gây ảnh hưởng tới tham vọng xuất khẩu khí hóa lỏng của Mỹ sang Cựu lục địa. Một số nghị sĩ Mỹ đã cảnh báo, dự án sẽ giúp chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin thu lợi hàng tỷ USD và gia tăng ảnh hưởng chính trị tại châu Âu khi làm tăng gấp đôi công suất chuyển khí đốt tự nhiên của Nga sang điểm kết nối cuối cùng đặt tại Greifswald (Đức).

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ, gồm đóng băng tài sản và thu hồi thị thực, sẽ nhằm vào các công ty hợp tác xây dựng đoạn đường ống dưới biển Baltic trong dự án. Một trong những mục tiêu chính mà Washington muốn nhắm đến là Công ty Allseas của Thụy Sĩ hiện sở hữu tàu Pioneering Spirit chuyên thi công, lắp đặt các công trình biển lớn nhất thế giới được Gazprom của Nga thuê để xây dựng đoạn đường ống dưới biển. Những lệnh trừng phạt mới có thể gây khó khăn cho hoạt động của dự án nếu con tàu bị áp đặt biện pháp hạn chế.

Sau khi dự luật được thông qua tại Hạ viện Mỹ hồi tuần trước, một số nước EU đã tố cáo các lệnh trừng phạt này nhằm vào các công ty châu Âu và can thiệp vào chính sách năng lượng của châu lục. Bộ Kinh tế Đức cho biết, Berlin sẽ xem xét dự luật ngay sau khi được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành và sẽ đưa ra quyết định về các biện pháp đáp trả.

Hiện Đức được xem là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ dự án bởi vị thế của Berlin tại EU sẽ gia tăng với tư cách là nhà phân phối năng lượng của Mátxcơva tại châu Âu. Cuối năm 2018, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã bác bỏ ý định rút nước này khỏi Dòng chảy phương Bắc 2 trước một số ý kiến gợi ý sử dụng dự án để trừng phạt Nga trong vụ bắt giữ tàu Ukraine tại biển Azov hồi tháng 11-2018.

Truyền thông châu Âu cho rằng, Tổng thống D.Trump sẽ sớm ký ban hành dự luật và áp đặt các biện pháp trừng phạt. Việc dự án bị cản trở là điều các quốc gia tham gia không hề mong đợi khi đang trông chờ một nguồn cung năng lượng ổn định với giá cả phải chăng.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/953322/lien-quan-du-an-dong-chay-phuong-bac-2-my-ra-don-trung-phat