Liên thông đào tạo giữa các cấp học, tạo thuận lợi cho người học nâng cao trình độ

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Người học liên thông được miễn trừ khối lượng học tập theo kết quả học tập được công nhận

Người học liên thông được miễn trừ khối lượng học tập theo kết quả học tập được công nhận

Dự thảo Nghị định này quy định chi tiết về liên thông giữa trình độ trung cấp với cấp trung học phổ thông và giữa trình độ trung cấp, cao đẳng với trình độ đại học.

Liên thông giữa các cấp học phổ thông, liên thông giữa các trình độ của giáo dục đại học và liên thông giữa cấp trung học phổ thông với trình độ đại học được thực hiện theo các quy định liên quan do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Liên thông giữa các trình độ của giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo các quy định liên quan do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người học ở mọi lứa tuổi nâng cao trình độ

Bộ GD&ĐT cho biết, mục đích liên thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học ở mọi lứa tuổi lựa chọn con đường học tập nâng cao trình độ, chuyển đổi ngành nghề phù hợp với năng lực và điều kiện cá nhân, đáp ứng yêu cầu thay đổi của công việc và nghề nghiệp.

Đồng thời thúc đẩy các cơ sở giáo dục đổi mới, hiện đại hóa chương trình, phương thức giáo dục và đào tạo, góp phần điều chỉnh cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.

Liên thông linh hoạt và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu xã hội

Việc thiết kế chương trình, tổ chức tuyển sinh và giáo dục, đào tạo liên thông phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

Linh hoạt và hiệu quả: Người học được lựa chọn lộ trình, hình thức và thời gian học tập phù hợp nhất với trình độ, năng lực và điều kiện cá nhân; không phải học lại những kiến thức, kỹ năng đã có.

Công bằng và chất lượng: Tất cả người học được tạo cơ hội học tập và đánh giá kết quả học tập công bằng dựa trên các tiêu chuẩn chất lượng chung của chương trình giáo dục.

Đáp ứng nhu cầu xã hội: Giáo dục và đào tạo liên thông để đáp ứng nhu cầu của người học, đồng thời phải căn cứ nhu cầu nguồn nhân lực của nền kinh tế - xã hội, định hướng phân luồng trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Người học liên thông được miễn trừ khối lượng học tập theo kết quả học tập được công nhận

Theo dự thảo, chương trình giáo dục liên thông là chương trình giáo dục áp dụng chung cho tất cả người học đáp ứng điều kiện đầu vào, trong đó những người học liên thông được miễn trừ khối lượng học tập theo kết quả học tập được công nhận.

Các chương trình giáo dục liên thông ở các cấp học và trình độ đào tạo cần có sự liên kết chặt chẽ về nội dung, kế thừa và phát triển kiến thức, kỹ năng dựa trên chuẩn đầu ra của từng cấp học, trình độ đào tạo.

Chương trình giáo dục liên thông ở một cấp học, trình độ đào tạo phải được thiết kế để có thể thực hiện theo các kế hoạch học tập khác nhau, phù hợp với từng người học liên thông hoặc từng nhóm người học liên thông.

Tuyển sinh liên thông theo hai hình thức

Dự thảo nêu rõ, tuyển sinh liên thông được thực hiện theo một trong hai hình thức:

a) Tuyển sinh chung, được áp dụng cho tất cả thí sinh đáp ứng đủ điều kiện theo quy định đối với từng cấp học, trình độ và hình thức đào tạo;

b) Tuyển sinh riêng, được áp dụng cho những thí sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục ở cấp học, trình độ đào tạo cao hơn yêu cầu đầu vào tối thiểu của chương trình giáo dục dự kiến tuyển sinh.

Cơ sở giáo dục tổ chức tuyển sinh riêng để thực hiện chương trình giáo dục, đào tạo liên thông phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện và yêu cầu sau:

a) Đối tượng tuyển sinh là những thí sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục ở cấp học hoặc trình độ đào tạo cao hơn yêu cầu đầu vào tối thiểu của chương trình giáo dục.

b) Cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo (đối với các trình độ của giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học) đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng còn hiệu lực.

c) Trong 3 năm gần nhất, số lượng tuyển mới vào chương trình giáo dục luôn đạt trên 50% chỉ tiêu đối với hình thức giáo dục, đào tạo dự kiến tuyển sinh riêng.

d) Phương thức tuyển sinh và các tiêu chí đánh giá kiến thức, năng lực phải phù hợp với đối tượng tuyển sinh và yêu cầu của chương trình giáo dục, đồng thời đảm bảo công bằng giữa các nhóm đối tượng tuyển sinh.

đ) Cơ sở giáo dục đã ban hành và công bố quy định chi tiết về công nhận kết quả học tập trong chương trình giáo dục, phù hợp với các quy định của Nghị định này và các quy định có liên quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Khánh Linh

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/lien-thong-dao-tao-giua-cac-cap-hoc-tao-thuan-loi-cho-nguoi-hoc-nang-cao-trinh-do-102240930095901315.htm