Liên tiếp các trận động đất với cường độ gia tăng ở Kon Tum có đáng lo?

Sáng nay (21/8), liên tiếp 3 trận động đất đều có độ lớn trên 3.0 độ richter đã xảy ra ở Kon Plông, tỉnh Kon Tum, nối dài vào 10 trận động đất xảy ra tại đây ngày hôm qua. Việc các trận động đất liên tiếp xảy ra khiến người dân lo lắng.

Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vừa phát đi thông báo động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Theo đó, lúc 7 giờ 33 phút 41 giây ngày 21/8, một trận động đất có độ lớn 3.3, độ sâu khoảng 8.1 km xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Tiếp đó, lúc 7 giờ 59 phút 3 giây, ngày 21/8, tại toa độ 14.900N-108.180E thuộc khu vực Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra trận động đất có độ lớn 3.1, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Lúc 8 giờ 30 phút 57 giây, một trận động đất có độ lớn 3.0, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Vị trí xảy ra các trận động đất ở Kon Tum sáng 21/8.

Vị trí xảy ra các trận động đất ở Kon Tum sáng 21/8.

Hôm qua (20/8), tại đây đã xảy ra 10 trận động đất, đa phần các trận động đất đều có độ lớn trên 3.0 độ richter, trận có cường độ lớn nhất là 4.2 độ richter gây rung lắc cho cả khu vực rộng lớn là các tỉnh lân cận như Đắk Lắk, Gia Lai....

Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn ghi nhận ít nhất hơn 215 trận động đất, trong đó tháng 7 ghi nhận khoảng 80 trận. Trận động đất mạnh nhất được ghi nhận từ đầu năm 2024 đến nay có độ lớn 5.0, gây rung lắc tại nhiều tỉnh, thành của miền Trung - Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Văn Bay, Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, cho biết: "Một số trận động đất lớn đã gây nứt nhà dân. Nhìn chung, người dân đều có tâm lý hoang mang, lo lắng sau trận động đất mạnh 5.0 độ. Trong thời gian qua, xã đã liên tục tổ chức tập huấn cho người dân về các phương án ứng phó với động đất dựa trên tài liệu của Viện Vật lý địa cầu".

Trong những tháng qua, tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum liên trục xảy ra động đất. Trong đó trận động đất lớn nhất có độ lớn 5.0 xảy ra lúc 11 giờ 35 phút 10 giây ngày 28-7, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.

Những trận động đất liên tiếp xảy ra tại đấy có bất thường? TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, hoạt động động đất thường xảy ra theo chuỗi. Động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập, có thời kỳ thưa hơn. Trước và sau một trận động đất lớn thường có tiền chấn, dư chấn, tức là có các trận động đất nhỏ. Động đất càng lớn thì tiền chấn, dư chấn càng nhiều. Với những trận động đất rất lớn có thể có hàng trăm trận động đất nhỏ xảy ra trước và sau đó.

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, hiện tại chưa thể dự báo được khi nào tình trạng động đất này sẽ kết thúc. Hiện tượng động đất kích thích do xây dựng hồ thủy điện là hiện tượng phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam không riêng khu vực huyện Kon Plông mà các thủy điện ở khu vực sông Đà cũng có động đất kích thích. Thời điểm xảy ra hiện tượng động đất cũng khác nhau.

Cũng theo TS. Nguyễn Xuân Anh, động đất kích thích liên quan đến các yếu tố mực nước hồ chứa, tốc độ tích nước hồ chứa. Tuy nhiên cần có nghiên cứu làm rõ cơ chế tác động, mối quan hệ giữa hoạt động tích nước và động đất kích thích.

Mới đây, Viện Vật lý địa cầu đã lắp đặt thêm 1 trạm quan trắc tự động ở xã Măng Bút, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Tính đến nay, Viện Vật lý địa cầu đã lắp đặt 12 trạm quan trắc để theo dõi tình hình đồng đất tại Kon Tum, trong đó có 8 trạm cố định và 4 trạm di động. Viện cũng sẽ thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về động đất để đánh giá mức độ hoạt động của động đất ở địa phương này.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lien-tiep-cac-tran-dong-dat-voi-cuong-do-gia-tang-o-kon-tum-co-dang-lo-169240821095759647.htm