Liên tiếp phát hiện hàng giả dịp trước Tết Giáp Thìn – 2024
Thực hiện Kế hoạch số 118/KH-BCĐ389 của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP Đà Nẵng về triển khai đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn TP vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn - 2024, ngày 4-1, Đội QLTT Số 2 (Cục QLTT TP Đà Nẵng) đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh mặt hàng thời trang tại địa bàn Q.Sơn Trà.
Qua đó, Đội QLTT Số 2 đã phát hiện tại Cửa hàng N.T thuộc Công ty TNHH C.A nằm trên đường Phạm Văn Đồng (phường An Hải Bắc) đang trưng bày để bán hàng hóa gồm túi xách có gắn các thương hiệu và nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài như: Louis Vuitton, Chanel có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo; đồng thời tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trưng bày của Cửa hàng N.T để phối hợp với đơn vị đại diện chủ sở hữu các nhãn hiệu này tại Việt Nam để giám định hàng thật hay hàng giả nhằm đảm bảo tính pháp lý trong việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở kết quả giám định của các đơn vị đại diện chủ sở hữu 2 nhãn hiệu Louis Vuitton, Chanel tại Việt Nam về việc lô hàng hóa mà Đội QLTT Số 2 tạm giữ là hàng giả, ngày 9-1, Đội QLTT Số 2 đã hoàn thiện hồ sơ vụ việc trình Cục trưởng Cục QLTT TP Đà Nẵng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp nói trên với số tiền xử phạt là 20.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bằng hình thức buộc tiêu hủy đối với toàn bộ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Trước đó, khoảng một tuần lễ, qua kiểm tra địa bàn Q.Hải Châu, Đội QLTT Số 1 (Cục QLTT TP Đà Nẵng) đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 8 trường hợp buôn bán hàng giả gồm các mặt hàng điện thoại di động, cục sạc pin điện thoại di động, ví da nam, túi xách nữ… Trên cơ sở, Đội QLTT Số 1 đã trình Cục trưởng Cục QLTT TP Đà Nẵng ra quyết định xử phạt 8 trường hợp này với tổng số tiền phạt 95 triệu đồng và nộp vào ngân sách Nhà nước, đồng thời buộc tiêu hủy 163 đơn vị sản phẩm hàng giả theo đúng quy định của pháp luật. Gần đây nhất, vào ngày 9-1, từ nguồn tin báo, phản ánh của người tiêu dùng, tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Cơ sở kinh doanh A.B.C (ở Q.Liên Chiểu) do bà N.Q.N là chủ hộ kinh doanh, Đội QLTT Số 5 (Cục QLTT TP Đà Nẵng) đã phát hiện hộ kinh doanh này trưng bày để bán hàng hóa là các sản phẩm áo thun, áo khoác, quần dài có gắn thương hiệu và lô-gô (gồm hình và chữ) Adidas có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu này đang được bảo hộ tại Việt Nam. Đội QLTT Số 5 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trưng bày của Cơ sở kinh doanh A.B.C có dấu hiệu là hàng giả để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo lãnh đạo Cục QLTT TP Đà Nẵng, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán là thời điểm mua sắm và tiêu dùng lớn nhất trong năm của người dân. Lợi dụng tình hình này, các đối tượng sản xuất và buôn bán hàng giả gia tăng hoạt động để thu lợi bất chính nên tình hình sản xuất và buôn bán hàng giả trên địa bàn TP, đặc biệt là trên các kênh thương mại điện tử, các trang mạng xã hội diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn, phương thức tinh vi giống hàng thật đến mức nhìn bằng mắt thường khó mà nhận ra. Các đối tượng, thương lái xấu sẽ bất chấp lợi nhuận để tuồn hàng giả ra thị trường tiêu thụ sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng tới quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. Các mặt hàng hàng giả thường là hàng thiết yếu tiêu dùng hàng ngày và trong dịp tết như: bánh kẹo mứt, hạt dưa, bia rượu nước ngọt, sữa, thuốc lá điếu, mỹ phẩm, dược phẩm, quần áo, giày dép, túi xách, kính mắt, đồng hồ, hàng điện tử, hàng gia dụng, phụ tùng xe máy, v.v…
Ông Phạm Ngọc Sơn - Cục trưởng Cục QLTT TP Đà Nẵng chia sẻ, để ngăn chặn vấn nạn hàng giả trên địa bàn TP trong dịp trước, trong và sau Tết Giáp Thìn - 2024, Lực lượng QLTT đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân, người tiêu dùng nâng cao ý thức chấp hành việc mua bán, tiêu dùng hàng hóa theo đúng các quy định của pháp luật, tránh việc vô tình hay cố ý tiếp tay cho tội phạm sản xuất và buôn bán hàng giả; đặc biệt là tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp sản xuất và buôn bán hàng giả. Cục trưởng Cục QLTT TP Đà Nẵng cũng mong muốn người dân, người tiêu dùng TP trong quá trình mua sắm và tiêu dùng hàng hóa, nếu phát hiện thấy có những dấu hiệu bất thường hay nghi ngờ hàng giả thì cần chủ động thông tin, tố giác các trường hợp có dấu hiệu vi phạm đến các cơ quan chức năng nói chung, Cục QLTT TP Đà Nẵng nói riêng để kịp thời xác minh, làm rõ và xử lý theo đúng các quy định của pháp luật.