Liên tiếp xảy ra sạt lở đất ở miền Trung do đâu?
Chỉ trong tháng 10, sạt lở đất tại miền Trung khiến hơn 120 người chết và mất tích. Vì sao lại có tần suất lớn và thiệt hại nặng nề như vậy?
TS. Trịnh Xuân Hòa, Phó viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) có cuộc trao đổi với PV Báo Giao thông, lý giải vì sao tần suất và thiệt hại lại nặng nề như vậy…
Điểm mặt nguyên nhân gây sạt lở đất nghiêm trọng tại miền Trung
Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến sạt lở đất liên tiếp xảy ra ở các tỉnh miền Trung thời gian qua?
Nguyên nhân kích hoạt chính là do mưa bão kỷ lục, cường độ cao, kéo dài cả tháng qua khiến đất đá bị sũng nước, làm tăng các lực gây trượt, giảm các lực kháng trượt, thúc đẩy nhanh quá trình trượt lở.
Theo nghiên cứu, chỉ cần mưa với cường độ khoảng 100mm/ngày hoặc nhỏ hơn nhưng kéo dài liên tục hàng chục ngày đủ khiến cho đất đá bị bão hòa nước. Trong khi, khu vực miền Trung vừa qua mưa lớn kéo dài, có nơi tổng lượng mưa kỷ lục lên tới hơn 3.000mm.
Ngoài ra, khu vực miền núi các tỉnh Trung bộ còn có nhiều yếu tố bất lợi khác về địa hình, thảm phủ thực vật bị suy giảm nhiều. Bên cạnh các hoạt động nhân sinh như xây dựng đường sá, thủy điện, cơ sở hạ tầng, các công trình dân sinh khác... việc quy hoạch lẫn tự phát, trong nhiều trường hợp tạo taluy, làm mất ổn định chân sườn dốc…
“
Các bản đồ hiện trạng, phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá đã được chuyển giao đến các địa phương. Tuy nhiên, để thực sự phát huy được hiệu quả thì những sản phẩm như bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng cảnh báo cần được các địa phương sử dụng, ít nhất vào hai mục đích: Sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm và tích hợp vào các quy hoạch phát triển KT-XH của các địa phương.
TS. Trịnh Xuân Hòa
”
Phải chăng vụ sạt lở ở huyện Nam Trà My và Phước Sơn (Quảng Nam) khiến hàng chục người chết và mất tích là minh chứng?
Tỉnh Quảng Nam đã được điều tra về hiện trạng trượt lở đất đá năm 2019. Các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn được đánh giá có nguy cơ rất cao về trượt lở đất đá; tiếp đến là các huyện Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang.
Kết quả điều tra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã ghi nhận 723 vị trí có biểu hiện trượt lở đất đá giải đoán từ ảnh viễn thám và phân tích địa hình trên mô hình lập thể số và 1.286 vị trí đã xảy ra trượt lở đất đá được xác định từ khảo sát thực địa.
Trong số 1.286 vị trí trượt lở đất đá đã được xác định, có 353 vị trí có quy mô nhỏ, 531 vị trí có quy mô trung bình, 389 vị trí có quy mô lớn, 12 vị trí có quy mô rất lớn và 1 vị trí có quy mô đặc biệt lớn.
Bên cạnh đó, đề án còn ghi nhận được 1 vị trí xảy ra lũ quét, 27 vị trí đã xảy ra xói lở bờ sông, bờ biển và 21 điểm khai thác mỏ.
Kết quả điều tra cho thấy, trượt lở đất đá trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thường xảy ra tại khu vực dọc các tuyến đường giao thông chính và khu vực dân cư; tập trung dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông, QL40B.
Ngoài ra, còn xảy ra trên các sườn tự nhiên trồng cây lâm nghiệp, dọc các đường liên xã, liên thôn và đường lâm nghiệp. Mức độ trượt lở đất đá nói chung trên toàn địa bàn tỉnh Quảng Nam là rất cao cả về số lượng và mật độ, quy mô chủ yếu là trung bình đến rất lớn.
Những khu vực này tập trung chủ yếu ở các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước và Phước Sơn. Trượt trong vỏ phong hóa chiếm tỷ lệ chủ yếu, xảy ra theo cơ chế sụt - trượt, trượt từ ngoài vào trong, trong điều kiện trời mưa; kiểu trượt phổ biến là trượt hỗn hợp, trượt xoay và tịnh tiến.
Ngoài Quảng Nam, khu vực miền Trung còn có những điểm nào cần cảnh báo về sụt trượt, thưa ông?
Kết quả điều tra hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 tại Hà Tĩnh trong năm 2017 cũng đã xác định được các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh, Nghi Xuân có biểu hiện trượt lở xảy ra mạnh mẽ, đa dạng, phức tạp, với 235 vị trí trượt lở; có 4 vị trí sụt lún; 19 vị trí có biểu hiện lũ quét - lũ ống và 198 vị trí xói lở bờ sông.
Hay tại tỉnh Quảng Bình, công tác điều tra đã phát hiện 128 điểm trượt lở đất đá. Tại Quảng Trị, kết quả điều tra năm 2018 đã xác định trong số 241 vị trí trượt lở đất đá, 2 vị trí xảy ra lũ quét, 1 vị trí đã xảy ra sụt lún karst ngầm, 69 vị trí đã xảy ra xói lở bờ sông, bờ suối, bờ biển và 6 điểm khai thác mỏ....
Tại Thừa Thiên - Huế, điều tra hiện trạng năm 2019 đã ghi nhận được 151 vị trí có biểu hiện trượt lở đất đá xác định từ giải đoán ảnh viễn thám và phân tích địa hình trên mô hình lập thể số; 205 vị trí đã xảy ra trượt lở đất đá được xác định từ khảo sát thực địa.
Kết quả điều tra trên địa bàn TP Đà Nẵng cũng đã ghi nhận được 33 vị trí có biểu hiện trượt lở đất đá xác định từ giải đoán ảnh viễn thám và phân tích địa hình trên mô hình lập thể số; 28 vị trí đã xảy ra trượt lở đất đá được xác định từ khảo sát thực địa…
15/37 tỉnh có bản đồ cảnh báo trượt lở đất
Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” được Bộ TN&MT thực hiện từ năm 2012, đến nay kết quả ra sao thưa ông?
Đề án đã hoàn thành bộ bản đồ hiện trạng ở 25/37 tỉnh và hoàn thành bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá ở 15/37 tỉnh. Năm 2021, Đề án sẽ tiến hành thành lập Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 cho 7 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi.
Cũng cần lưu ý, tình hình diễn biến mưa lũ, trượt lở đất trong những năm gần đây hết sức phức tạp, khó lường. Do vậy, sau 3 - 5 năm thực hiện Đề án cần cập nhật lại thông tin của hệ thống bản đồ hiện trạng và bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở.
Từ nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn, ông có thể chia sẻ những giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu thiệt hại tại những vùng có nguy cơ sạt lở đất?
Trước hết công tác cảnh báo, dự báo mưa bão, lũ lụt, lũ quét, trượt lở đất cần được phổ biến rộng nhất và nhanh nhất có thể, đặc biệt là tới những địa phương có nguy cơ cao, để chính quyền địa phương và người dân kịp thời có biện pháp ứng phó, phòng tránh.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân biết rõ nguy cơ xảy ra và tác hại của trượt lở đất đá, lũ quét - lũ ống và trang bị cho họ những kỹ năng phòng tránh, khắc phục hậu quả cơ bản. Thành lập các Đội cứu hộ cơ động và trang bị cơ sở vật chất, kỹ năng cần thiết để ứng cứu, xử lý và khắc phục các hậu quả do tai biến tự nhiên gây ra.
Ở những khu vực có nguy cơ trượt lở đất, xói lở bờ sông, bờ suối nguy hiểm cần lập quy hoạch, kế hoạch phân bố dân cư; di dời các nhà dân nằm trong khu vực nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất đá, đặc biệt là tại các bẫy lũ quét, sườn dốc, đới phá hủy đứt gãy, ven bờ sông, bờ suối có nguy cơ xói lở.
Khẩn trương di dời các điểm dân cư, các công trình công cộng (trường học, trạm xá, chợ…) nằm trong vùng có nguy cơ trượt lở đất đá đến các vị trí an toàn. Xác định trước một số vị trí tương đối an toàn (trên cơ sở các bản đồ kể trên) để người dân có thể đến sơ tán khi xảy ra sự cố. Triển khai diễn tập trước khi mùa mưa bão đến.
Thiết lập mạng lưới quan trắc, quản lý - nghiên cứu các dạng trượt lở đất đá có nguy cơ cao ở địa phương, đồng thời xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo kịp thời cho cộng đồng dân cư.
Xây dựng hệ thống biển cảnh báo cách tối thiểu là 500m ở cả hai đầu các đoạn đường có nguy cơ tai biến trượt lở đất cao (các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ…) để các phương tiện giao thông được biết. Đối với các điểm nứt đất mặt đường, các điểm trượt lở đất đã xảy ra nhưng chưa được khắc phục cần xây dựng các rào chắn và cắm biển cảnh báo nguy hiểm.
Bên cạnh đó cũng cần quy hoạch sử dụng đất với mục tiêu bảo vệ rừng đầu nguồn, trồng rừng ở những vị trí có nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá và khoanh vùng canh tác hợp lý tại những vùng có môi trường địa chất ổn định.
Có chính sách ưu đãi đối với công tác bảo vệ, phát triển rừng. Quy hoạch bãi thải và áp dụng công nghệ khai thác - chế biến khoáng sản tiên tiến, thân thiện với môi trường. Đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt nội dung báo cáo Tác động môi trường trong hoạt động khai thác - chế biến khoáng sản.