Liên tục nghẽn lệnh, Bộ Tài chính thanh tra Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM
Theo tin từ Bộ Tài chính, tối ngày 9/6, Bộ này đã phát đi thông báo về việc Chánh Thanh tra Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 81/QĐ-TTr ngày 10/6/2021 quyết định thanh tra hành chính tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh ( HOSE), theo chỉ đạo của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc.
Cụ thể, trước tình trạng nghẽn lệnh trên sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) diễn ra trong thời gian qua nhưng chưa được xử lý dứt điểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Thanh tra Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra đối với HOSE.
Căn cứ tình hình dịch bệnh Covid-19, đoàn thanh tra sẽ có kế hoạch làm việc cụ thể, phù hợp với các quy định về phòng chống dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh.
Bộ Tài chính chính thức ra quyết định thanh tra sàn HOSE. Ảnh minh họa
Hệ thống giao dịch HOSE bị quá tải từ cuối tháng 12/2020 do tốc độ tăng trưởng quá nhanh.
Theo thống kê của Liên đoàn các sở giao dịch chứng khoán thế giới (WFE), các thị trường chứng khoán tại khu vực châu Á Thái Bình Dương tăng trưởng giao dịch khoảng gần 60% trong năm 2020.
Trong ngày 9/6, một số công ty chứng khoán (CTCK) đã kích hoạt tính năng hủy, sửa lệnh trên HOSE nhằm giảm tải hệ thống. Một số CTCK không cho nhà đầu tư trực tiếp hủy, sửa lệnh nhưng môi giới có thể thao tác theo yêu cầu của khách hàng.
Trước đó, trong phiên ngày 1/6, HOSE đã buộc phải ngừng giao dịch phiên chiều để đảm bảo an toàn hệ thống khi số lệnh vào thị trường tăng đột biến. Sau phiên này, nhiều CTCK đã thông báo tới khách hàng nên hạn chế hủy/sửa lệnh và thậm chí đã phải tạm dừng tính năng này trên sàn HOSE.
Biện pháp này đã khiến tăng khoản tăng mạnh, lên trên ngưỡng 30 nghìn tỷ đồng/phiên trong nhiều phiên liên tiếp. Giúp giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam lọt top 3 khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, giải pháp này đã gây phẫn nộ nơi các nhà đầu tư. Theo nhiều nhà đầu tư, đây là một sự vi phạm luật bởi Luật Chứng khoán quy định được phép sửa, hủy lệnh trong các phiên khớp lệnh liên tục.
Tại HoSE, giá trị giao dịch đầu năm 2020 chỉ ở khoảng 3,8 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 12/2020, giá trị giao dịch bình quân đạt 12,7 nghìn tỷ đồng. Thời điểm quá tải gây nghẽn lệnh đạt 15.000 - 16.000 tỷ đồng.
Tháng 5/2021 vừa qua, giá trị giao dịch đạt mức 22,4 nghìn tỷ đồng, làm trầm trọng thêm mức độ quá tải, dẫn đến tình trạng hệ thống xử lý chậm, trễ. Mức độ tăng trưởng giao dịch trên HoSE lên tới hơn 400%.